Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Người không bán giấc mơ

Nam Thụ

Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ thuật (art director) khá có tiếng. Chỉ tay về năm hồ nuôi rong nho lớn nằm bên cạnh đầm Nại – Ninh Thuận, anh nói “đây là tác phẩm tôi vẽ ròng rã ngày đêm trong ba năm không cầm cọ, cầm chuột. Đẹp chứ? Với tôi, nó là tác phẩm của giấc mơ”.

Đưa mình vào thế triệt buộc

“Vì sao tôi trở thành nông dân, gắn chặt vào cái đầm tuyệt đẹp này? Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ thích học vẽ, từ hồi tiểu học, tôi vẽ mọi thứ tôi nhìn, thích hay cảm nhận”, anh Hùng nói.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp tại trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, anh được nhận vào làm họa sĩ chính cho một hãng hoạt hình của Pháp. Nhưng chân vẽ chính trong một phân xưởng phim hoạt hình lớn cùng mức lương cao ấy không giữ được anh lâu. Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, anh lại thi vào trường Đại học Mỹ thuật TPHCM lần nữa, khoa Mỹ thuật ứng dụng. “Tôi không muốn liên thông, tôi muốn thi lại từ đầu, để học về những điều mình chưa biết về mỹ thuật, ngoài thế giới của chì, cọ, toan… Học vẽ trên máy tính chắc sẽ mở ra cho tôi nhiều thứ”. Anh mở một gallery nhỏ ở Thủ Đức bán tranh của bạn bè và cả của mình.

Những cái đìa nuôi rong nho của họa sĩ Trần Hùng được “vẽ” nên không bằng cây... cọ ròng rã trong 3 năm.
Những cái đìa nuôi rong nho của họa sĩ Trần Hùng được “vẽ” nên không bằng cây… cọ ròng rã trong 3 năm.

Ra trường, anh nhanh chóng là một trong những người được các “thợ săn người” ưa thích vì khá có tiếng tăm trong lĩnh vực thương hiệu và thích nhảy việc. Nhưng việc tạo ra các bộ nhận diện thương hiệu, dựng các chiến dịch lâu bền cho các thương hiệu dường như chưa đủ với anh. “Tôi hoạt động nhiều, gặp gỡ nhiều, làm việc nhiều, nói nhiều… trong thời gian ấy, nhiều người có cảm giác tôi yêu và thành công trong công việc ấy, nhưng tôi biết mình làm để bù khoảng trống. Tôi còn thiếu gì đấy!”. Và tình cờ anh biết, anh thiếu biển.

Hơn ba năm trước, anh Hùng tình cờ được mời dự một bữa tiệc nhỏ, ở đấy, một món ăn kèm với chùm rong xanh mướt cùng những trái mọng. “Tôi nhấm nháp và nghe có hương biển trong ấy. Sao cọng rong có thể ngon, đậm đà, nhắc tôi nhớ đến cả mùi không khí nơi vùng biển Ninh Thuận tôi sống đến thế!”, anh kể lại. Khi được biết ấy là rong nho, anh nghĩ ngay đến quê mình. “Ninh Thuận là vùng trồng nho nổi tiếng và là vùng biển nữa. Tôi xin phép rời tiệc sớm, tôi đã biết mình phải làm gì!”.

Bức tranh bên bờ đầm Nại

Suốt ba tháng anh đi khắp các vùng trồng rong để tìm hiểu quy trình, cách nhân giống, gõ cửa các trung tâm khuyến nông, đi ruồng khắp các vùng cận biển ở Ninh Thuận. “Tôi phải tự mình làm tất cả, vì lúc ấy tại Ninh Thuận chưa có ai trồng loại rong này cả, trung tâm khuyến nông cũng chỉ đưa ra các định hướng chung”, anh kể. Sau những ngày ròng rã vác ba lô ăn bụi ngủ đường, anh đã tìm thấy năm chiếc hồ nuôi tôm bên bờ đầm Nại bị bỏ phế sau cơn sốt tôm một thời. Những chiếc hồ nằm dưới chân hòn núi đá Dao huyền thoại, được cho là hòn núi trấn cả vùng đầm phá mênh mông ấy.

Để có thể cải tạo các hồ, gia cố đê biển, tạo đường vào khu nuôi trồng…, anh Hùng vét hết phần tích lũy, cầm cố cho ngân hàng mọi thứ có thể, vay mượn từ gia đình. Rất nhiều người hồ nghi dự án quá lớn của anh, nghi ngờ cả việc kẻ chỉ biết vẽ bỗng nổi hứng làm nông dân bám biển. “Thật may có người chị, người anh tin tôi, họ ủng hộ và hỗ trợ tôi mọi lúc, tin tôi ngay cả khi tôi đã nản vì các thất bại ban đầu”, anh Hùng nhớ lại.

Không nản sao được khi suốt một năm đầu, mọi đợt cấy rong đều thất bại, rong trắng bạch và không lớn, chết dần. Thử và sai rồi lại thử, “nắng vùng biển Ninh Thuận gắt quá, xuyên nhiều mét nước, rong chịu không nổi nên chết. Tôi thử đi mua lưới phong lan về giăng lên để kéo che nắng gắt, nhưng cũng không bền, nắng nung giòn và gió biển giật một tuần là bung hết”.

Nắng gió chưa qua thì đợt bão lớn cuối năm 2013 tràn vào. Con đê mỏng manh ngăn giữ hồ rong và Đầm Nại oằn mình trong sóng đập và mưa lớn. Trong đêm bão, anh đã phải bỏ ngay 50 triệu đồng để mua tre và bao cát, trực chiến gia cố đê suốt đêm nhưng sóng vỗ mạnh bào mòn con đê dần. “Lúc ấy, con đê có đoạn chỉ còn mỏng hơn gang tay, sóng đập vào lần nữa là vỡ”, anh chỉ còn biết cách hướng lên núi đá Dao mà khấn, vậy mà gió lặng rồi sóng dịu, con đê được cứu một cách thần kỳ.

Cạn vốn, anh Hùng nghĩ cơ duyên mình và biển đã hết. Lang thang, anh đi qua các đìa tôm chơi, nhìn thấy lớp tảo xanh dưới đìa tôm được gây từng mảng cho tôm trú nắng, anh vội hỏi về phương cách gây tảo vi sinh, cách điều chỉnh độ dày mỏng của tảo. Chỉ thêm ba tháng nữa, với cách tránh nắng bằng tảo, rong nho của anh đã có những mẻ tươi mọng đầu tiên. “Tôi mất thêm khoảng một năm để hoàn thiện tất cả hiểu biết về quy trình, sản phẩm được đem đi kiểm định, phân tích hàm lượng dinh dưỡng, phân chất… Bây giờ, rong nho của tôi đã có nhiều bạn hàng trong cả nước, vào được các siêu thị và cửa hàng”.

Tiền có mua được giấc mơ?

Cọng rong nho dài vớt lên, chỉ thu được nhiều nhất khoảng 15% với cách chỉ ăn ngọn rong như trước giờ. Một số ít cành tốt sẽ được dăm lại xuống đáy hồ làm giống. Hơn 70% rong thu hoạch bị bỏ đi. Xót lòng, anh Hùng đã tìm cách thay đổi. “Tôi đã cho kiểm định thử, thì phần cọng dài thậm chí có giá trị dinh dưỡng tốt hơn cả phần ngọn và trái rong”. Vì thế, anh đã cho cắt luôn cả phần thân rong đi kèm với “chùm nho” như cách mọi người hay ăn, anh gọi đó là rong sợi. Cách cắt này giúp rong có vị xực hơn và nồng hơn, thêm vào đó, giá của rong cũng giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg, giúp nhiều khách hàng tiếp cận được hơn.

Loại rong sợi bán chạy giúp anh giải quyết hơn 20% lượng rong thu hoạch. Rong tươi chỉ bảo quản được khoảng trên dưới 10 ngày, để khách hàng trữ lâu hơn anh đã làm loại rong muối. Rong ngâm trong muối sẽ co lại, khi muốn dùng chỉ cần bỏ vào nước ngọt, rong nhả muối, bung nở tươi tắn như bình thường. Cách này giúp người dùng có thể trữ rong nhiều tháng mà chất lượng vẫn tốt.

Tuy vậy, nhìn thấy lượng rong thu hoạch bị bỏ phí quá nhiều, anh Hùng đã nghĩ đến việc chế biến, nếu không, rong nho sẽ chỉ có thể ở một thị trường rất hẹp, diện tích nuôi trồng tại Ninh Tuận không thể được tận dụng. Đầu tiên anh làm rong bột, rong làm sạch phơi khô và xay nhuyễn thành bột để pha nước uống hay dùng trong các dịch vụ dưỡng da. Nguyên liệu bột qua tinh chế và chế biến có thể dùng để làm gia vị với mùi hải sản và vị đặc trưng. Các sản phẩm này sẽ giúp anh tận dụng được hoàn toàn sản phẩm thu hoạch cũng như chuyển giao công nghệ, mở rộng vùng canh tác cho các nông dân đang gặp khó khăn với việc nuôi tôm. Anh đã thỏa thuận với một nhà máy chế biến tại Bình Dương và các sản phẩm đang chạy thử nghiệm.

Mô hình của anh gần đây đã được một công ty chuyên trồng rong nho xuất đi Nhật đề nghị mua lại với giá gấp khoảng bốn lần số vốn anh đầu tư. “Nghe cũng hấp dẫn, có ngay được đống tiền. Nhưng tôi không thích. Đây là giấc mơ của tôi. Giấc mơ thì không nên đem bán phải không?”, anh trả lời về đề nghị ấy như thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Kết nối