Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Nghề “ôm cây làm chuyện trên trời” ở vùng Bảy Núi

(SGTT) – Nghề “ăn cơm dưới đất làm chuyện trên trời” hay “ôm cây” đã quá đỗi quen thuộc với người dân vùng Bảy Núi (An Giang). Người ta gọi như vậy để chỉ người kiếm sống bằng nghề leo thốt nốt thu hoạch nước và trái trên những cây cao hàng chục mét.
Nghề “ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời” thực ra là nghề leo thốt nốt của người dân vùng Bảy Núi. Ảnh: Quang Thiện

Đến An Giang vào những ngày đầu Hạ, người xứ lạ được chào đón bằng khung cảnh bình dị rất nên thơ của vùng đất Tri Tôn. Mấy hàng thốt nốt thẳng tắp trải dài hai bên đoạn đường tỉnh lộ ĐT948 qua xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Đôi lúc, chúng xen lẫn trong cánh đồng lúa đang độ chín vàng, có lúc chúng lại đứng một mình trong khoảng không mênh mông đầy nắng gió.

Qua nhiều năm, những hàng thốt nốt vẫn đứng sừng sững giữa trời làm điểm tựa cho nhiều gia đình mưu sinh, dù cho đây là một nghề khá nguy hiểm. Hầu hết những người làm nghề này đều không dùng bất cứ hình thức bảo hộ nào, chỉ leo thân không và tay không lên những thân cây thốt nốt thẳng đứng, có độ cao từ 10m đến 30m.

“Ôm cây” từ tờ mờ sáng

Ông Bình (45 tuổi), một người leo thốt nốt lâu năm trong vùng, sửa soạn “bộ đồ nghề” chuẩn bị thu hoạch nước thốt nốt từ tờ mờ sáng. Ông chia sẻ một ngày có hai lần thu hoạch nước, lần đầu vào buổi sáng và lần thứ hai vào buổi chiều, sau khi nghỉ trưa.

Bộ công cụ thu hoạch đơn giản chỉ gồm một con dao giắt bên hông và một đòn gánh treo chục cái bình rỗng. Người ta dùng một cái kẹp, trèo lên ngọn kẹp vào cuống bông, chờ vài ngày rồi cắt đầu bông thốt nốt, cột chụm lại thành một bó từ ba đến bốn bông, đặt bình vào hứng nước rỉ ra. Sau đó trèo lên thu lại bình, mỗi ngày một cây thốt nốt có thể cho tới 30 lít nước.

Dừng lại trước một cây thốt cao khoảng 20m, dọc thân cây được buộc một vài cây tre dài nối với nhau, trên thân tre có nhiều thanh sắt bề ngang chỉ vừa bằng bàn chân của người lớn ở hai bên, ông Bình thoăn thoắt leo lên cây, trong nháy mắt đã ở ‘tuốt’ trên ngọn, bắt đầu thu những chiếc bình đầy nước thốt nốt.

Sau khi thu bình, ông Bình buộc nó vào đai lưng và bắt đầu leo xuống. Cây thốt nốt thẳng đứng, leo xuống mất nhiều sức và nguy hiểm hơn so với khi leo lên. Một phần do lượng nước thốt nốt thu hoạch nhiều gây cản trở cho việc leo xuống, nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề của mình, ông Bình leo xuống chỉ mất mấy chục giây.

Gỗ sến được cho vào để ngăn nước thốt nốt lên men. Ảnh: Quang Thiện

Vào mùa nắng, một ngày ông Bình thu được 80 – 90 lít nước, sau đó mang về nhà lọc tạp chất rồi nấu lại, vớt váng để nước thốt nốt giữ được mùi thơm và ngọt thanh hơn. Đồng thời, để giữ được nước lâu hơn, ông Bình cho gỗ sến vào các bình hứng nước để ngăn nước thốt nốt lên men, hiện còn rất ít người dùng gỗ sến như ông Bình. Thời gian nấu nước thốt nốt chỉ mất khoảng 10 – 15 phút, nhưng để nấu thành đường thì phải nấu từ hai đến ba tiếng. Khi nấu, nước thốt nốt tỏa ra hương thơm ngào ngạt nhưng lại rất dễ chịu.

Khu vực gần nhà ông Bình, hiện còn ít người leo thốt nốt. Người dân đa số bỏ nghề leo thốt nốt đi làm công nhân để tìm cho mình một cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn. Nhưng ông Bình tâm sự là vẫn chưa bỏ được cái nghề này vì còn duyên với nó. Ông bén duyên với nghề sau vài lần theo người anh hái thốt nốt và được truyền lại nghề. Anh của ông thì đã bỏ nghề từ lâu nhưng mà ông Bình thì vẫn chưa dứt được.

Người dân đang nấu nước thốt nốt để giữ được lâu hơn. Ảnh: Quang Thiện

“Lúc mới leo thì cũng sợ té lắm nhưng mà leo hoài thành ra nó quen tay, quen chân. Hôm nào không leo là thấy thiếu thiếu, nên thôi, còn khỏe là còn leo khi nào leo hết nổi thì mới nghỉ”, ông Bình cười nói.

Vị ngọt “đắng cay”

Vì phải “ôm cây” một ngày hai lần trong khoảng thời gian dài. Bàn tay, bàn chân của những người đàn ông làm nghề leo thốt nốt chai sần hết cả, nước da cũng trở nên đen bóng, cứng cỏi vì cái nắng khô hanh của miệt Bảy Núi. Người ta chọn nghề này vì không được học hành tử tế, trong tay cũng chẳng có thửa ruộng, mảnh vườn nào nên quanh năm suốt tháng chỉ thấy họ ở trên ngọn cây thốt nốt.

Lọc bỏ cặn gỗ sến và côn trùng. Ảnh: Quang Thiện

“Đối với chú, cái nghề là cái nghiệp, nghề nó đã chọn mình thì mình có đi làm trăm nghề khác mình cũng quay về với nó. Hồi trước chú làm nhiều việc lắm, phụ hồ, bốc vác, thuê cả ruộng để làm… nhưng mà được hai, ba tháng chú chịu hết nổi nên nghỉ rồi về leo thốt nốt tới bây giờ cũng hai mươi mấy năm rồi”, ông Bình nói.

Để làm được nghề leo thốt nốt, những người đàn ông phải là người có sức khỏe tốt cùng sự dẻo dai của tay chân, đi kèm với việc giỏi chịu đựng và không được sợ độ cao. Leo lên cây thốt nốt cao hàng chục mét là điều không dễ, huống hồ môi trường làm việc cũng rất khắc nghiệt. Giữa tiết trời của mùa nóng, người ta sẽ rất dễ say nắng, không may té xuống ở độ cao như vậy thì sẽ rất nguy hiểm.

“Cái nghề này không cho mắc sai lầm, một khi đã trượt chân thì khổ lắm. Nhưng mà nói thiệt không làm nghề này chú cũng không biết làm nghề nào khác, nhờ mấy cái cây thốt nốt này mà chú nuôi được cả nhà đó”, ông Bình vỗ vỗ vào thân cây thốt nốt, nói với cái giọng chân chất miền Tây.

Những bình nước thốt nốt được thu hoạch trên một cây. Ảnh: Quang Thiện

Ông Bình ngước lên trên nhìn tán cây thốt nốt với ánh mắt đầy trìu mến, như có thứ tình cảm thiêng liêng gắn kết giữa con người nơi đây với những cây thốt nốt. Mà cũng đúng thôi, những người con của mảnh đất này, từ khi sinh ra là đã thấy sự hiện diện của thốt nốt. Họ lớn lên quanh mấy cây thốt nốt, dùng nước thốt nốt để uống, trái để ăn, thân cây làm cột xây nhà, dầm cầu, lá cây làm chất đốt.

Rồi nhiều người mưu sinh bằng nghề leo thốt nốt, cuộc sống của họ gắn liền với thứ cây này từ lúc nào chẳng hay. Ông Bình vỗ vỗ vào cây, như đang “vỗ vai”  người “chiến hữu” đã cùng ông chinh chiến nhiều năm, vượt qua bao cay đắng, khó khăn của cái nghề “ôm cây làm chuyện trên trời” để mang đến vị ngọt thanh tao đọng lại nơi đầu lưỡi người lữ khách.

Quang Thiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du khách đổ về núi Cấm vui lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, đông đảo du khách đã đổ về khu du lịch núi Cấm, xã...

Về An Giang leo Anh Vũ Sơn ngắm hoàng hôn

0
(SGTT) - Tọa lạc tại phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, núi Két (còn gọi là Anh Vũ Sơn), là...

Phát triển du lịch địa phương cần dựa vào ‘sắc màu...

0
(SGTT) – Ngoài yếu tố tâm linh, đa số các địa phương vùng Tây Nam Bộ, do có nét tương đồng về cảnh quan...

An Giang ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh

0
(SGTT) – Ngành du lịch tỉnh An Giang vừa cho ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng di động...

An Giang mùa sương giăng

0
(SGTT) – Những ngày tháng Ba, các tuyến đường, đồng lúa... tại “vùng biên” An Giang được phủ bởi làn sương mờ ảo vào...

Rủ nhau chụp ảnh cùng ‘anh đào miền Tây’

0
(SGTT) – Từ đầu tháng 3, cây ô môi bắt đầu trổ bông trên các tuyến đường, cánh đồng ở An Giang, Đồng Tháp......

Kết nối