Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Năng lượng đắt đỏ có thể đẩy 141 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực

Cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động cuộc chiến Nga- Ukraine có thể đẩy 141 triệu người trên toàn thế giới vào cảnh nghèo cùng cực, theo một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm 16-2 trên tạp chí Nature Energy.

Người dân ở các nước nghèo chịu áp lực lớn hơn khi chi phí năng lượng tăng cao. Ảnh: AP

Người dân nghèo hơn khi chi phí năng lượng tăng

Các nhà nghiên cứu từ Hà Lan, Anh, Trung Quốc và Mỹ, những người biên soạn báo cáo trên, đã lập mô hình đánh giá tác động của chi phí năng lượng tăng cao ở 116 nước. Họ nhận thấy chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình ở các nước này tăng tới 4,8% do giá than và khí đốt tự nhiên tăng mạnh sau khi Nga đưa quân vào biên giới Ukraine. Họ ước tính có thêm khoảng 78-141 triệu người dân thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực (được Ngân hàng Thế giới định nghĩa là sống dựa vào mức thu nhập thấp hơn 2,15 đô la Mỹ/ngày) do tác động của chi phí năng lượng tăng cao.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến tranh đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sưởi ấm, làm mát, chiếu sáng và di chuyển, đồng thời gián tiếp đẩy chi phí của các hàng hóa và dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao. Dù tất cả các hộ gia đình đều bị ảnh hưởng, nhưng theo những cách khác nhau tùy thuộc vào thu nhập, cách họ tiêu tiền cũng như cách thức và địa điểm sản xuất các sản phẩm mà họ mua.

Tại các nước có thu nhập thấp, báo cáo ghi nhận các hộ gia đình nghèo đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và có nguy cơ nghèo cao hơn do chi phí năng lượng cao hơn. Các hộ gia đình ở các nước có thu nhập cao cũng cảm nhận tác động của giá cả năng lượng đắt đỏ nhưng họ có khả năng cân đối ngân sách chi tiêu tốt hơn.

Báo cáo lưu ý một số nước dễ bị tổn thương hơn khi giá điện và khí đốt tăng cao. Ví dụ, mức tăng chi phí năng lượng ở Estonia, Ba Lan và Cộng hòa Czech cao hơn mức trung bình toàn cầu, chủ yếu là do nền kinh tế các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Ba Lan dựa vào than đá để sản xuất 68,5% năng lượng, tính đến năm 2020.

Theo báo cáo, để giúp các hộ gia đình ứng phó tác động của giá năng lượng, nhiều chính phủ trên toàn thế giới đã triển khai các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế năng lượng, giảm hóa đơn năng lượng, trợ cấp năng lượng một lần…

Nhưng báo cáo lưu ý các chính phủ vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp, chẳng hạn như thiết lập mức giá trợ cấp năng lượng, áp thuế đối với mức lợi nhuận đột biến của các các công ty năng lượng và thông qua luật thúc đẩy sử các nguồn năng lượng bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Các tập đoàn hàng tiêu dùng cảnh báo tăng giá tiếp

Báo cáo cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là một lời cảnh báo về những rủi ro của “một hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiều vào các nhiên liệu hóa thạch”. Tình trạng này không chỉ đẩy hàng triệu người đến bờ vực nghèo cùng cực, mà còn đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, gây ra nhiều thách thức hơn cho những nhóm người dân dễ bị tổn thương nhất trước chi phí năng lượng đắt đỏ

Giá năng lượng tăng từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine dẫn đến chi phí nhu yếu phẩm như thực phẩm đắt đỏ hơn. So với một năm trước, tại Mỹ, giá trứng tăng 70,1%, bơ thực vật tăng 44,7%, bột mì tăng 20,4%, trong khi đó, giá trái cây, rau xanh, thịt gà, sữa, đường tăng từ 7-13%, theo dữ liệu lạm phát do Cục Thống kê lao động Mỹ công bố trong tháng này.

Nhưng các tập đoàn thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất thế giới như Nestlé, Unilever,  Proctor & Gamble cho biết giá cả khó có thể giảm sớm, thậm chí cảnh báo, họ có thể tăng giá thêm đối với một số mặt hàng nhu yếu phẩm trong năm nay.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên hôm 16-2, Mark Schneider, Giám đốc điều hành của Nestlé, tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới, nói: “Giống như tất cả người tiêu dùng trên toàn thế giới, chúng tôi cũng bị lạm phát ảnh hưởng. Chúng tôi đang cố gắng chặn đứng những thiệt hại”. Ông cho biết Nestlé sẽ tăng giá một số mặt hàng trong năm nay nhưng từ chối tiết lộ cụ thể. Nestlé có khoảng 2.000 thương hiệu, bao gồm thực phẩm đông lạnh, đồ uống, bánh kẹo, sữa bột trẻ em.

Tuần trước, Graeme Pitkethly, Giám đốc tài chính của Unilever, nói trong một cuộc họp báo: “Có lẽ chúng ta đã qua lạm phát đỉnh điểm, nhưng một số mặt hàng vẫn chưa đạt mức giá cao nhất”.

Tháng trước, Alan Jope, Giám đốc điều hành của Unilever, cảnh báo do áp lực chi phí, công ty ông sẽ tăng giá thêm đối với một số mặt hàng tiêu dùng trong những tháng tới.

Theo CNN

Chánh Tài

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng đe dọa an ninh nhiên liệu toàn cầu

0
(SGTT) - Thời tiết nắng nóng đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với an ninh nhiên liệu toàn cầu vì nhiệt...

Cuộc đối đầu giữa ngành du lịch và sản xuất trong...

0
Cuộc xung đột Nga- Ukraine thúc bách Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc quá trình chuyển đổi từ khí đốt sang năng lượng...

Cận cảnh con tàu đi vòng quanh thế giới không phát...

0
(SGTT) - Trong chuyến du hành vòng quanh thế giới, tàu quan sát năng lượng Energy Observer đã ghé thăm TPHCM, điểm dừng chân...

Chuyên gia góp ý lộ trình phát triển xe điện tại...

0
Việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện đang là một xu hướng phổ biến trên thế giới. Việt Nam nói chung và TPHCM...

Tata Coffee Việt Nam xây dựng “hệ thống xanh” giúp giảm...

0
(SGTT) – Ngày 22-12, Công ty Tata Coffee Việt Nam, trực thuộc tập đoàn cà phê lớn của châu Á - Tata Coffee Limited...
năng lượng tái tạo

Thành lập mạng lưới các doanh nghiệp tiên phong vì năng...

0
(SGTTO) - Sáng nay (10-12) tại Hà Nội, Mạng lưới các Doanh nghiệp tiên phong vì năng lượng tái tạo (VCEL) được chính thức...

Kết nối