Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Nâng cao nhận thức giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ngà voi làm đồ trang sức

(SGTT) - Mới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim truyền thông mới nhằm lên án quan điểm lệch lạc cho rằng ngà voi là biểu tượng của sự sang trọng và may mắn.

Hiện nay mỗi ngày, hàng trăm cá thể voi Châu Phi bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở một số nước, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Phim truyền thông này nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ngà voi làm đồ trang sức của ENV tại Việt Nam.

Nhân vật chính trong phim là một cô gái trẻ nổi tiếng, sành điệu và được nhiều người yêu thích. Cô được mời tham gia vào một buổi tiệc sang trọng và sau khi nhận được món quà “quý” từ chủ nhân bữa tiệc, cô gái này thích thú đeo lên người và khoe trên mạng xã hội.

Thế nhưng, thay vì được nổi tiếng hơn, hình ảnh của cô gái lại bị hoen ố khi cộng đồng mạng lên án việc cô sử dụng trang sức từ ngà voi vì đây chính là nguyên nhân khiến voi bị giết hại.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV, chia sẻ “Đấu tranh với tình trạng buôn bán ngà voi tại Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là của cả cộng đồng. Những người tiêu thụ các sản phẩm được chế tác từ ngà voi cần hiểu rằng nếu không có người mua thì sẽ không còn những kẻ săn bắn voi và buôn bán ngà voi. Những người kinh doanh cũng như những người tiêu thụ các sản phẩm ngà voi cần chấm dứt ngay việc mua bán ngà voi vì đây là hành vi đáng xấu hổ và cần bị lên án”.

Bà Dung cũng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động để bảo vệ loài voi. “Chúng ta không nên chỉ đứng nhìn thảm kịch voi bị giết hại để lấy ngà mà chúng ta nên cùng chung tay hành động bằng cách thông báo các vi phạm liên quan đến ngà voi và giúp gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hiểu rằng việc đeo trang sức từ ngà voi không giúp họ thu hút tài lộc hay gặp may mắn. Ngược lại, để có được những bộ trang sức xa xỉ kia đã có rất nhiều cá thể voi bị sát hại”, bà nói.

ENV vừa ra mắt phim truyền thông mới nhằm lên án quan điểm lệch lạc cho rằng ngà voi là biểu tượng của sự sang trọng và may mắn. Ảnh: ENV

Phim truyền thông này là một phần trong chiến dịch dài hạn của ENV nhằm chấm dứt tình trạng mua bán các sản phẩm ngà voi tại tỉnh Đắk Lắk - một điểm nóng về buôn bán ngà voi trên cả nước. Chiến dịch được triển khai với nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh, từ các cơ quan công sở hay các địa điểm tham quan du lịch. ENV khuyến khích chủ các cơ sở kinh doanh hoạt động lưu trú, lữ hành hay các cửa hàng kinh doanh ký cam kết không buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, thông điệp bảo vệ voi cũng đã được chia sẻ tới hơn hơn 2 triệu người dùng thuê bao di động hay tạo chức năng thông báo vi phạm về động vật hoang dã trên ứng dụng “Đắk Lắk Trực Tuyến”.

Câu lạc bộ (CLB) Tình nguyện viên Buôn Ma Thuột cũng đã được thành lập vào tháng 5 năm 2022 với nòng cốt là các sinh viên, học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, CLB đã tổ chức được 6 triển lãm “Bảo vệ voi”, gần nhất là triển lãm tại Lễ hội Cà phê tháng 3 vừa rồi. Ngoài ra, CLB cũng đã tiến hành đặt các bảng thông tin tuyên truyền tại 13 cơ quan công sở và 14 địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bà Dung cho biết: “Các cơ quan chức năng cần nỗ lực giảm thiểu tình trạng buôn bán và tiêu thụ ngà voi ở Việt Nam vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng buôn bán ngà voi trên thế giới. Một khi những quan niệm sai lầm cho rằng vòng tay, nhẫn, hay các sản phẩm được chế tác từ ngà voi là những sản phẩm thời trang xa xỉ, đẳng cấp vẫn còn tồn tại thì loài voi vẫn sẽ tiếp tục bị giết hại. Hy vọng, thông qua các chiến dịch truyền thông, người dân sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm vì có như vậy thì loài voi mới ngừng bị giết hại”.

Phim truyền thông này sẽ được phát sóng rộng rãi trên các đài truyền hình trung ương và địa phương cũng như tại Sân bay quốc tế Buôn Ma Thuột. Tổ chức Elephant Crisis Fund và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (U.S. Department of State) đã hỗ trợ sản xuất phim truyền thông này, giúp ENV lan tỏa thông điệp ngà voi không phải sản phẩm trang sức nhằm bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ bị săn bắt, giết hại.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối