Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Năm trâu nói chuyện cúng Tết cho trâu bò

(SGTT) – Dù trong chuồng bò nhà em tôi chỉ còn một con bò, không còn nuôi cả bầy trâu bò như hơn chục năm về trước và em ấy nuôi bò vỗ béo bán thịt nhưng hôm nay, mùng 3 Tết, gia đình em vẫn cúng Tết trâu bò theo truyền thống.

Một người dân ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân đang làm nghi lễ cúng “Tết bò”. Ảnh: Báo Phú Yên

Vùng nông thôn quê tôi từ xa xưa người dân sống bằng nghề nông, trồng lúa, hoa màu nên sức kéo cày, vận chuyển nông sản chủ yếu dựa vào trâu bò và cứ tới Tết, nhà nào có nuôi trâu bò cũng cúng Tết. Lúc còn nhỏ, sợ tôi lớn lên mà quên đi truyền thống cúng Tết trâu bò nên ba tôi cải biên câu tục ngữ “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ mùng 3 Tết thầy”, thành “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết trâu bò”.

Tuy mỗi nhà mỗi vùng nông thôn mà thời gian cúng Tết cho trâu bò cũng khác nhau. Có gia đình sáng mùng 1 đầu năm mới đi hái lộc xong về cúng ông bà, cúng luôn cho trâu bò, có nhà thì cúng mùng 4 Tết, có nhà thì cúng ngày đầu tiên mở chuồng đưa trâu bò ra đồng, ra bãi chăn thả, riêng nhà tôi, ba tôi cúng ngày mùng 3.

Trước Tết, ba tôi dặn dò tôi rất kỹ chuyện lo cho trâu bò mấy ngày Tết vốn không chăn thả được, nhốt trong chuồng, đó là chuẩn bị cỏ tươi, rơm khô, mầm mía ngon cho trâu bò ăn trong mấy ngày Tết. Ngày cúng trâu bò, ba tôi làm một mâm trái cây, bánh ngọt, bánh tét, gạo muối, nhang đèn mang ra chuồng trâu bò, đặt trước máng rơm. Ba tôi đốt nhanh khấn vái cầu mong năm mới, đàn trâu bò trong nhà mạnh khỏe, kéo cày, kéo xe giỏi, trâu bò cái thì đẻ con thuận buồm xuôi gió, trâu bò đực thì hiền lành, chăm ăn, không phá phách “dáy” lộn (dáy là tiếng địa phương, tức trâu bò sung lên, nhất là bò đực tơ chưa thiến, rất hung dữ, sẵn sàng húc với bò khác có khi gãy chân, thủng bụng…).

Điều không thể thiếu khi cúng là ba tôi hay gọi tên từng con trong chuồng, mà tên trâu bò gắn với nó khi sinh ra, chẳng hạn bò Nu, bò Cộ, trâu Pháo… và gọi to tên bò cho trâu bò biết bước đến máng cỏ, rằng nó được cúng vái.

Người trong gia đình gắn bó thường xuyên nhất với trâu bò như tôi, sẽ mang mớ cỏ tươi ngon bỏ vào máng, gọi trâu bò lại ăn, tôi sẽ xoa đầu cho trâu bò, xoa cặp sừng và dán giấy vàng bạc lên hai sừng của trâu bò, rồi tôi dán tiếp giấy vàng bạc vào róng cửa chuồng trâu bò (cửa chuồng làm bằng gỗ tốt) để phòng tránh ma quỷ quấy phá chuồng bò bởi lắm khi trâu bò hung dữ, điên lên nó húc hư hay sập chuồng trâu bò chứ chẳng chơi.

Thời tôi còn nhỏ, bãi chăn thả ven sông ven núi còn nhiều, nên có khi mùng 3, mùng 4 Tết là tôi đã lùa trâu bò ra bãi bên kia sông, vừa để tắm cho trâu bò sau cả mấy ngày Tết nuôi nhốt dơ bẩn.

Giờ đây, trâu bò quê tôi ít khi còn nhìn thấy trên đồng do làm nghề nông đã dùng sức kéo của máy móc, nhà nào nuôi trâu bò đa phần chỉ với mục đích bán thịt, gọi là nuôi vỗ béo, trồng cỏ cho ăn, thúc trâu bò bằng cám công nghiệp và gần như nuôi nhốt toàn bộ không còn chăn thả như nhưng nhiều nhà vẫn còn tập tục cúng trâu bò. Ai cúng cũng mong trâu bò mau lớn, ăn khỏe, không bệnh tật và mau xuất chuồng khi nó là tài sản lớn của nhà nông, chuồng nuôi 3-4 con trâu hay bò nuôi thịt có giá trị một hai trăm triệu đồng.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, nếu đàn trâu trong nước đang có xu hướng giảm, hiện mỗi năm còn hơn 2,4 triệu con với sản lượng xuất chuồng 95.000 tấn/năm và do thiếu thịt trâu nên cả nước mỗi năm nhập chừng 50.000 tấn thịt trâu đã qua mổ xẻ thì đàn bò đang có xu hướng tăng. Hiện đàn bò khoảng 5,6 triệu con và tăng dần do xu hướng nuôi bò vỗ béo giết thịt, nuôi trang trại nhiều hơn nuôi trâu trong khi thị trường tiêu thụ tốt, giá cả đủ để người nông dân nuôi vỗ béo có lãi.

Sửu không phải là trâu?

Gần đây, trong một số nghiên cứu của các học giả cho rằng Sửu không phải là trâu. Trong 12 con giáp thì Sửu là con giáp đứng thứ hai, sau Tý trước Dần. Ở Việt Nam, người tuổi Sửu thường tự nhận là tuổi con trâu, song điều này chưa hoàn toàn đúng. Sự ngộ nhận này kéo dài đã quá lâu, đơn giản vì nhiều người tin chắc rằng Sửu là ngưu, mà ngưu chính là…con trâu. “Ngưu” không phải là trâu, từ này có nghĩa chính xác là con bò, còn trâu trong Hán ngữ là “thủy ngưu”, học giả Đào Duy Anh đã khẳng định điều này trong Hán Việt từ điển giản yếu (Nxb Đông Ba, năm 1932, tr. 53). Từ “sửu” trong tiếng Trung Quốc có cách phát âm gần với âm “trâu” trong tiếng Việt hơn là âm “bò”, do đó người Việt xưa gọi Sửu là con trâu, cho dù trên thực tế thì Sửu lại là… con bò!

Hồng Ngọc

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hộ nuôi heo ngại tái đàn dịp Tết Nguyên đán 2024

0
(SGTT) - Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, hộ chăn...

‘Thủ phủ’ chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị gia hạn nợ,...

0
Ngày 28-3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn nợ,...

Mỗi con heo lỗ gần triệu đồng, nông dân mong được...

0
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển...

Đầu năm đi “thăm”… chợ bò

0
(SGTT) - Thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có xóm chợ bò buôn bán hơn 15...

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa...

Kết nối