Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Mũi vắc-xin tăng cường hiệu quả ra sao với Omicron?

Báo cáo phân tích đầu tiên về hiệu quả của vắc-xin  Covid-19 chống lại biến thể Omicron vừa được Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố. Dữ liệu ghi nhận liều tăng cường bổ sung đáng kể khả năng bảo vệ khỏi nhiễm Omicron có triệu chứng.

Theo báo cáo này, vắc-xin nhìn chung dường như kém hiệu quả hơn trong việc chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng so với Delta. Tuy nhiên, 3 liều có thể mang lại hiệu quả trung bình đến cao, từ 70 đến 75%. Ngoài ra, 2 liều vẫn có hiệu quả đáng kể trong ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, các phát hiện ở giai đoạn ban đầu nên có tính không chắc chắn và có thể thay đổi. Cho đến nay, khoảng 22 triệu người Anh đã tiêm nhắc lại. Chính phủ Anh khuyến khích người dân tiêm mũi thứ 3 để chống lại Omicron.

Ngành y tế Anh cảnh báo, vì Omicron rất dễ lây lan, biến thể này có thể thay thế Delta đang phổ biến hiện nay.

Theo phân tích, mũi tiêm nhắc lại của Pfizer có hiệu quả 75% chống lại Omicron có triệu chứng. Trong khi đó, 2 liều chỉ đảm bảo 30-40% hiệu quả. Hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu để phân tích hiệu quả của các mũi tăng cường Moderna hoặc Janssen đối với Omicron.

Trước đó, liên doanh dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố dữ liệu thí nghiệm khẳng định tiêm đủ 3 liều vắc-xin Covid-19 do họ sản xuất “vô hiệu hóa Omicron một cách hiệu quả”. Tuy nhiên, trên thực tế liều tăng cường hiện nay chủ yếu để đối phó với chủng Delta vốn có độc lực cao và đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu.

Theo báo Washington Post, các quan chức y tế và nhà khoa học châu Âu dự báo biến thể Omicron sẽ sớm chiếm ưu thế ở châu Âu (so với Delta). Một số nước như Đan Mạch, Scotland và Anh ghi nhận Omicron đang lây với tốc độ nhanh.

Ở Mỹ, tình hình cũng gần như tương tự. Theo báo cáo ngày 10-12 của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở 22 tiểu bang của Mỹ đầu tháng 12, chỉ duy nhất một người cần nhập viện trong 2 ngày, chưa có báo cáo tử vong liên quan biến thể này.

CDC cũng thận trọng cho rằng một số trường hợp mắc bệnh có thể cần vài ngày hoặc vài tuần trước khi triệu chứng nặng xuất hiện, nhưng cơ bản ở người đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm bệnh nhiều khả năng triệu chứng sẽ nhẹ.

Báo cáo của CDC Mỹ liệt kê các triệu chứng thường gặp nhất ở người nhiễm Omicron là ho, mệt mỏi, nghẹt mũi và chảy nước mũi. Những triệu chứng này trùng khớp với các báo cáo sớm từ Nam Phi – nơi Omicron đang chiếm đến 75% số ca Covid và phần lớn dân số (75%) chưa tiêm ngừa đầy đủ.

Theo KTSG Online

Cần làm gì để bảo vệ mình khỏi biến thể Omicron?

Hiện nay thông tin liên quan biến thể Omicron chưa đầy đủ, để ứng phó với biến thể mới này, có 3 việc chính bạn cần chuẩn bị:

1. Tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19

Các nhà chuyên môn khuyến cáo rằng, trong khi chờ đợi nghiên cứu về biến thể mới Omicron, các vắc-xin sẵn có vẫn là “vũ khí” tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người khác trước Covid-19. Như vậy, bạn phải nhanh chóng tiêm đủ liều cơ bản (thường là 2 mũi với đa số các loại vắc-xin hiện có). Ngoài tiêm đủ liều cơ bản, một số quốc gia đang triển khai tiêm liều tăng cường. Ở Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm liều bổ sung và tiêm liều nhắc lại đối với vắc-xin Covid-19 như sau:

– Tiêm liều bổ sung:

Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

Loại vắc-xin: Cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc-xin mRNA.

Khoảng cách: Tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc-xin.

– Tiêm liều nhắc lại:

Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Loại vắc-xin: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc mRNA hoặc vắc-xin vector virus ( AstraZeneca)

Khoảng cách: Tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Vắx-xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại: Vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Liều lượng để tiêm bổ sung và nhắc lại: Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

2. Tự làm test nhanh

Test nhanh kháng nguyên Covid giúp phát hiện sớm và nhanh tình trạng cho bạn và người thân để kịp thời chuyển trạng thái sang cách ly theo quy định tại địa phương, đồng thời là căn cứ để test PCR. Nếu PCR dương tính bạn sẽ áp dụng ngay các bước điều trị theo hướng dẫn.

Nên sử dụng các loại test nhanh đã được Bộ Y tế phê duyệt. Nếu có kết quả dương tính, bạn tự cách ly không tiếp xúc với mọi người và trao đổi ngay với cơ quan chức năng để xử trí kịp thời.

3. Áp dụng các biện pháp bảo vệ khác

Các biện pháp bảo vệ như bạn đã ứng phó lâu nay với biến thể Delta vẫn là chìa khóa chính để hạn chế sự lây lan của Omicron và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Cụ thể là:

– Luôn giữ khoảng cách an toàn, sẵn sàng học và làm việc online trong bình thường mới.

– Dù không phải là cách phòng ngừa tối ưu, nhưng khẩu trang có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm virus qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hay hắt hơi.

– Tập rèn luyện thói quen rửa tay và đúng lúc, giúp ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào vật bẩn. Tạo thói quen hạn chế sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus cũng là một thực hành cần đặt ra.

– Súc rửa mũi và họng hàng ngày: Bạn phải súc mũi họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, ngoài ra cần súc mũi họng khi bạn vừa tách ra từ một công việc có nhiều người tham dự, hoặc khi ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh hoặc vừa trở về nhà…

– Nín thở trong tình huống bất ngờ gặp người lạ: Sau một thời gian tự rèn, nín thở khi có một người lạ xuất hiện gần, và chỉ nín thở trong vài giây là không khó và dần hình thành một phản xạ có điều kiện cho riêng bạn hết sức tự nhiên.

– Nâng cao sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa: Thực hành này bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, hạn chế rượu bia, điều chỉnh cân nặng, ngủ đủ giấc, quản lý tốt căng thẳng, sử dụng các bài thuốc dân gian đông y đã được cơ quan y tế phê duyệt trong việc giúp thải độc và tăng sức đề kháng cơ thể.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối