Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Mua bán… nhóm trên mạng xã hội

(SGTTO) – “Một số anh chị đồn rằng tôi bán nhóm. Xin hỏi quý anh chị, với một nhóm mà tôi đẻ ra, đi cùng nó với bao tâm huyết trong sáu năm trời thì bán bao nhiêu là “coi được”? Tiền bán nhóm đáng gì so với việc duy trì nhóm để quảng bá cho doanh nghiệp? Người mua nhóm sẽ làm gì để bù đắp số tiền họ bỏ ra mua (nếu có)? Và thực tế, quý anh chị có thấy bên mua nhóm (nếu có) có hoạt động gì để gỡ lại vốn chăng?”.

Đó là một đoạn ngắn trong một bài viết dài hơn 1.400 chữ của anh Ngọc Hồ, quản trị viên (admin) của nhóm (group) “Thích Trồng Cây” trên mạng xã hội Facebook. Đây là nhóm có khá đông thành viên, hơn 370.000 tài khoản tham gia nhóm, do anh Ngọc Hồ sáng lập cách nay nhiều năm. Mới đây anh bị hack, bị khóa tài khoản và tước quyền admin mà 50 ngày sau tài khoản của anh được khôi phục.

Một thành viên của nhóm cho biết, sau khi anh Ngọc Hồ bị mất quyền admin, tình hình trong nhóm là các bài viết đăng mua bán tràn lan, comment (bình luận) khiếm nhã vốn không phải là văn hóa của nhóm. Người hack nhóm liên tục tạo nickname ảo, hack like bài viết và dẫn link (đường dẫn) mời qua group mới. Tạo cảm giác nhóm vẫn có độ tương tác cao để bán, chào mời quảng cáo cho các vườn muốn đăng bài bán.

Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ trên cộng đồng mạng xã hội Facebook khi mà nhiều người sử dụng group để phục vụ kinh doanh. Hiện nay các group trên Facebook đang dần khẳng định khi là một kênh bán hàng hiệu quả không kém gì so với fanpage. Nhiều người kinh doanh cho biết, fanpage để quảng bá thương hiệu, tên tuổi là chính, còn bán hàng thì group tiện lợi hơn bởi group là nơi để mọi người có chung mục tiêu tham gia vào cũng là nơi để phát triển thương hiệu và bán hàng.

Và vì vậy mà không ít group trên mạng có nhiều thành viên, hoạt động lâu năm, có tương tác tốt sẽ là nơi mà các hacker nhòm ngó để hack và tước quyền admin của người sáng lập sau đó mang bán group hay chuyển sang phục vụ việc kinh doanh của người khác. Trường hợp group Thích Trồng Cây nói ở đầu bài viết có thể nằm trong diện này.

Nhóm Thích Trồng Cây có hơn 370.000 thành viên mà quản trị viên từng bị tước quyền quản lý nhóm.

Không ít doanh nghiệp, cửa hàng hiện nay chọn cách mua group đã có sẵn thành viên, sau đó sẽ phát triển dần lên thay vì mua fanpage. Thường các cửa hàng bán hàng trực tuyến (online) hay chọn mua group 5.000 hay 10.000 thành viên trở lên.

Một admin group của một cửa hàng online cho biết lợi ích lớn nhất của việc mua group là người mua sẽ có sẵn một lượng khách hàng mục tiêu mà mình nhắm tới. Việc của người mua chỉ cần phát triển nội dung, chăm sóc khách hàng thật tốt, những đơn hàng tự nhiên sẽ đến với cửa hàng, mà không cần phải bỏ ra quá nhiều chi phí quảng cáo trên mạng.

Ngoài ra, kinh nghiệm của admin này là với group, khi admin biết kết hợp với một số minigame (trò chơi nhỏ trên Facebook có kèm quà tặng) sẽ kéo được tương tác tốt, giúp xây dựng hình ảnh cho cửa hàng, cho doanh nghiệp trở lên uy tín hơn với nhiều đối tượng khách hàng.

Một tài khoản trên Facebook "khoe thành quả" bán group của mình.

Một group mới thành lập chỉ có ít thành viên thì khi đó các bài đăng lên không một ai tương tác (like, comment), sẽ rất khó chiếm được thiện cảm của khách hàng và đó là lý do hình thành dịch vụ mua bán group có sẵn.

Nhiều cửa hàng hiện nay đang chuyển sang bán hàng online, nhất là trong mùa dịch bệnh Covid-19, hoạt động mua group nhiều thành viên càng nhiều hơn.

Có cầu thì ắt có cung, dịch vụ bán group cũng khá phong phú, có doanh nghiệp phát triển group chỉ để… bán. Một công ty bán group cho biết công ty này có group có sẵn trên 5.000 thành viên ngẫu nhiên, đa số là người trẻ-trung niên. Có group được phát triển theo định hướng địa phương, có group phát triển theo hướng quảng bá sản phẩm, group dành cho nhu cầu dịch vụ giải trí, group về kinh doanh online.

“Nếu anh muốn tăng thành viên hay mua group có chọn lọc thành viên theo như nhu cầu mong muốn về giới tính, độ tuổi, khu vực... đều có người cung cấp cho anh, miễn có tiền”, một admin group cho hay.

Bảng giá dịch vụ đăng bài, ghim bài của một nhóm (group) có đông thành viên, tương tác cao trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài phục vụ kinh doanh của cửa hàng, doanh nghiệp thì hiện nay lắm người mua nhóm còn có mục tiêu kinh doanh trên chính các thành viên, tức nhóm đông đảo, tương tác tốt thì thành viên đăng bài, ghim bài sẽ đóng phí, mức phí khá đa dạng, có thể vài trăm ngàn đồng nhưng có thể lên vài triệu đồng một lần đăng hay ghim bài.

Nếu trên fanpage có tình trạng mua like (lượt thích) thì group cũng có kiểu na ná, đó là thành viên ảo. Do vậy người mua có thể kiểm tra ngẫu nhiên bằng cách xem profile thành viên để xác định thành viên thật hay ảo.

Một cửa hàng bán hàng online mới mua một group cho biết cửa hàng đã dạo quanh “thị trường mua bán group” và giá rẻ hay đắt đều có, nếu tương tác thấp (Facebook có chức năng cho phép admin đo đếm tương tác hàng tuần, tháng, quí…) thì 100 đồng/thành viên, tương tác cao có thể lên tới 200 đồng/thành viên. Như vậy group càng đông thành viên, thường trên 10.000 thành viên, nếu có tương tác khá, có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên chứ không hề rẻ.

Quay trở lại câu chuyện group Thích Trồng Cây có hơn 370.000 thành viên, tương tác khá tốt thì giá bán hàng chục triệu đồng có thể là món mồi ngon cho các hacker hoặc những người có ý đồ chiết đoạt quyền điều hành group.

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối