Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Mua bán đồ cổ: Thật giả khó lường

Nói đến đồ cổ, người ta thường nghĩ tới những phú ông giàu có hay những tay buôn sành sỏi nhiều hơn là nói đến lịch sử, niên đại và nền văn minh gắn với cổ vật đó. Nói đến thị trường đồ cổ người ta lại càng mù mờ hơn khi gọi nó là thị trường ngầm, bởi đồ cổ đâu bày bán ở trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…; nhưng được giao dịch ở bất kỳ địa điểm thỏa thuận nào hay ẩn trong các tiệm bán hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ.

Đồ cổ, đương nhiên là đồ quý hiếm và rất đắt giá. Do vậy, khi chưa có một thị trường cổ vật minh bạch, người chơi đồ cổ thường tuân thủ luật ngầm là ai nhìn nhầm người ấy chịu thiệt. “Ai chơi đồ cổ mà nói chưa từng mua nhầm đồ giả là nói láo, bởi người chơi đồ cổ cần một quá trình dài học hỏi, xem xét, quan sát; không những cần một đôi mắt tinh tường, một kiến thức rộng về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, địa lý mà còn phải có một cảm quan nhạy bén”, ông Nguyễn Văn Phẩm, Phó chủ tịch Hội Cổ vật TPHCM chia sẻ.

Khách xem trưng bày cổ vật tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: Mỹ Loan
Khách xem trưng bày cổ vật tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: Mỹ Loan

Biết đồ giả mới mua được đồ thật

Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu. Tuy nhiên, không phải mọi cổ vật đều có thể tham gia lưu thông. Đó phải là những hiện vật thuộc sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị xã hội; phải là những tài sản có nguồn gốc hợp pháp đã đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, ai cũng biết ở TPHCM có phố đồ cổ Lê Công Kiều, quận 1; ở Hà Nội có Hàng Mã, Hàng Đồng; những khu phố đồ cổ này ra đời trước khi có luật và bây giờ nó vẫn vậy. “Vì chúng ta đã có luật công nhận nhưng vẫn chưa có thị trường chính thức, không có một khung giá nhất định, không có những cuộc đấu giá. Đó là lý do làm cho thị trường này phức tạp như chính việc người phân tích một món đồ cổ từ niên đại nào, xuất xứ ở đâu, chất liệu của nền văn minh nào hay hoa văn của văn hóa nào, tìm được ở vùng thổ nhưỡng nào. Người ta buôn bán chui, trao đổi kín, thế là nhiều khi thật giả lẫn lộn, giá đồ giả có khi hơn giá đồ thật”, ông Nguyễn Văn Hải, nhà sưu tập đồ cổ hơn 15 năm nói. Ông cho rằng, khi bắt tay vô chơi đồ cổ, người chơi cần phải đề cao tiêu chí đầu tiên là tri thức. Mà tri thức là một quá trình thẩm thấu bằng cách nghiên cứu tài liệu, đi bảo tàng, đi xem cổ vật thường xuyên để luyện mắt và sự nhạy bén.

“Có thể nói rằng, một người muốn rành về cổ vật cần ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoặc hơn. Thậm chí phải “trả phí” bằng việc mua nhầm đồ giả để có cơ sở phân biệt đồ giả và thật; bởi thị trường đồ giả cổ tràn lan, tinh vi, tinh xảo vô cùng”, ông Phẩm nói, “Không biết đồ giả, sao biết đồ thật”. Có lẽ đó cũng là cách chữa cháy hài hước cho hầu hết những người chơi cổ vật.

Những trang sức bằng đá của người Việt cổ hơn 2.000 năm trước.
Những trang sức bằng đá của người Việt cổ hơn 2.000 năm trước.
Trống đồng Đông Sơn.
Trống đồng Đông Sơn.

Thị trường có đến 80% đồ giả cổ

Người sưu tập thường chia đồ cổ thành ba loại để xác định đồ thật. Thứ nhất là đồ bờ, loại đồ cổ sử dụng trong nhà hoặc được truyền từ đời này sang đời khác. Thứ hai là đồ đào, có xuất xứ từ các cuộc khai quật. Thứ ba là đồ biển được vớt lên từ các xác tàu đắm ngoài biển hoặc dưới lòng sông do bị chìm tàu qua những cuộc viễn du…

“Tuy nhiên, không ai dám vỗ ngực nói họ không bao giờ nhầm khi người ta làm đồ giả cổ tinh xảo, mang về nhà bà con ở tận vùng sâu vùng xa rồi nói, đó là do ông bà họ truyền lại. Với đồ biển cũng vậy, họ làm những chiếc chén giả giống thời Lê, thời Lý, đưa xuống biển mấy tháng trời cho những con hào, nước biển ăn vô. Đối với đồ đào cũng thế, họ sẵn sàng làm một con dao bằng đồng chôn vào trong bùn vài năm trời khi lớp satin nhuốm màu cổ thời gian rồi đào lên. Ai sưu tập cũng muốn sở hữu vật quý, nên nếu không tinh ý, bình tĩnh là sập bẫy ngay thôi!”, ông Hải nói những kinh nghiệm “xương máu” của giới sưu tầm đồ cổ.

Còn ông Nguyễn Văn Sỹ, một người kinh doanh đồ cổ ở TPHCM phân tích: “Người ta nói, người mua có thể nhầm chứ người bán thì không bao giờ. Phố Lê Công Kiều có đến 80% đồ giả cổ nhưng cũng có tới 20% đồ cổ thật và đó là một con số không hề nhỏ. Người chơi thực sự có thể tìm đến các cửa hàng ở đây, yêu cầu chủ tiệm đảm bảo bằng giấy tờ rằng đó là đồ thật và họ sẽ mua lại với mức giá tương đương hoặc chênh lệch đôi chút. Nhưng tâm lý người chơi đồ cổ thích cái gì đó bí hiểm như đồ cổ nên nhiều khi họ tự chuốc lấy thiệt thòi”.

Một chiếc chum đất Sa Huỳnh dùng làm mộ táng trước Công nguyên.
Một chiếc chum đất Sa Huỳnh dùng làm mộ táng trước Công nguyên.
Tượng nữ thần bằng sa thạch của văn hóa Champa thế kỷ 13-15.
Tượng nữ thần bằng sa thạch của văn hóa Champa thế kỷ 13-15.

Ai cũng biết người chơi đồ cổ phải là người giỏi, nhưng người buôn đồ cổ chắc chắn là giỏi hơn. “Có món đồ cổ mà mang ra phố Lê Công Kiều người ta không mua là biết ngay đồ giả rồi”, một nhà sưu tập khác nói.

Sưu tập là niềm đam mê, đồ cổ là tài sản quý giá, không chỉ về mặt giá trị vật chất mà còn mang tính văn hóa, lịch sử và giá trị tinh thần. “Sở hữu được một món đồ cổ là lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, tinh hoa dân tộc, chứ không phải để hám lợi danh”, ông Phẩm, người có hơn 20 năm sưu tập và đang sở hữu hàng ngàn món quý giá từng trưng bày ở các bảo tàng thành phố nói.

“Ngoài những kiến thức cơ bản về đồ cổ, đơn giản như di chỉ Óc Eo phải ở miền Tây, Champa phải ở miền Trung hay gốm Lý, Trần, Lê thường ở miền Bắc, đá ở Đồng Nai thì người chơi phải biết một quy luật “xem tận mắt, rờ tận tay” khi đi xem cổ vật; đặc biệt là không nên đi một mình mà nên rủ những người có kinh nghiệm đi cùng”, linh mục Nguyễn Hữu Triết, người nổi tiếng với bộ đèn cổ, gốm cổ, lục lạc và rất nhiều đồ cổ khác sau gần 30 năm sưu tập chia sẻ.

Ông Triết và những người sưu tập đồ cổ mà người viết bài này đã gặp, đều cho rằng, nghề nào cũng cần có tâm và nghề buôn bán đồ cổ lại cần hơn hết. Nhưng khi chính sách, thị trường cổ vật chưa minh bạch, ước mơ cho một thị trường cổ vật chuyên nghiệp và công tâm vẫn còn bỏ ngỏ.

Mỹ Loan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối