Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Một bằng lái xe, đi 73 nước

Từ đầu năm 2015, người Việt Nam có thể tự lái xe ô tô ở nước ngoài với giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan quản lý phương tiện giao thông trong nước cấp. Ngược lại, người nước ngoài cũng có thể sử dụng bằng lái xe của mình để lái xe tại Việt Nam. Vậy, cụ thể loại giấy phép lái xe này ra sao, thời hạn sử dụng bằng này như thế nào?

Lái xe xứ người

Tính đến tháng 8-2014, đã có 73 quốc gia trên thế giới được Liên hiệp quốc chính thức phê chuẩn, gia nhập vào Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ (convention on road traffic), trong đó có Việt Nam. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2015, người Việt Nam khi đi công tác, du học, làm việc ở nước ngoài có thể sử dụng giấy phép lái xe quốc tế được cấp ở Việt Nam. Người muốn sử dụng loại giấy phép lái xe này chỉ cần đăng ký theo thủ tục quy định, không cần tham gia thi sát hạch.

Cụ thể, bắt đầu từ quí 1-2015, người Việt Nam sẽ được cấp giấy phép lái xe quốc tế giống như một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Loại giấy phép này có thể sử dụng ở 73 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines…

Trước đây, một số người có nhu cầu tự lái xe hơi ở nước ngoài đã phải tìm cách đăng ký bản dịch bằng lái xe Việt Nam (International translation of driver’s license), tạm gọi là “bằng lái quốc tế” để có thể lái xe ở một số quốc gia. Hình thức này không có giá trị pháp lý một cách chắc chắn và có thể gặp trục trặc khi gặp sự cố giao thông hoặc không được bồi thường bảo hiểm ở nước ngoài.

Từ quí 1-2015, chỉ với một giấy phép lái xe quốc tế, người Việt Nam có thể lái xe ô tô ở 73 quốc gia có tham gia Công ước Vienna 1968. Ảnh: Anh Quân
Từ quí 1-2015, chỉ với một giấy phép lái xe quốc tế, người Việt Nam có thể lái xe ô tô ở 73 quốc gia có tham gia Công ước Vienna 1968. Ảnh: Anh Quân

Các quốc gia tham gia Công ước Vienna 1968 cũng có nhiều nước có luật giao thông dành cho loại xe tay lái nghịch (so với Việt Nam) như Anh, Indonesia, Thái Lan… Tổng cục Đường bộ cho biết giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp vẫn được lái ở những quốc gia này. Tuy nhiên, người sử dụng giấy phép lái xe quốc tế này phải tuân theo một số quy định về an toàn giao thông của nước sở tại nhằm đảm bảo an toàn khi lái xe.

Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp dự kiến sẽ có kiểu dáng tương tự như một cuốn hộ chiếu có nhiều trang, bao gồm tiếng Việt và một số ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Nga… Hiện tại, trên bằng lái Việt Nam (bằng nhựa) cũng đã có hai thứ tiếng Việt-Anh nhưng đây chưa phải là bằng lái quốc tế, chưa có tính chất pháp lý quốc tế để được công nhận ở nước ngoài. Còn về thời hạn sử dụng giấy phép lái xe quốc tế thì có khả năng Việt Nam cũng sẽ tuân thủ theo Công ước Vienna 1968 như một số quốc gia khác với thời hạn sử dụng ba năm. Hạng giấy phép lái xe quốc tế sẽ tương đương với hạng được cấp ở Việt Nam.

Người Việt Nam đi công tác, du học, làm việc ở nước ngoài nếu muốn có giấy phép lái xe quốc tế sẽ phải có giấy phép lái xe còn thời hạn và nộp bộ hồ sơ đăng ký. Các thủ tục hồ sơ, mẫu đăng ký loại giấy phép này sẽ được Vụ Quản lý phương tiện-người lái thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện trong quí 1-2015. Hiện tại, Tổng cục Đường bộ đang chuẩn bị chọn mẫu giấy phép lái xe quốc tế, xây dựng thông tư quy định thủ tục cấp phép để trình Bộ Giao thông Vận tải.

Phí cấp giấy phép lái xe quốc tế sẽ do Bộ Tài chính ban hành trong năm 2015. Theo Tổng cục Đường bộ, mức phí dự kiến cũng sẽ ngang với phí đổi giấy phép lái xe bằng nhựa hiện nay, khoảng 135.000 đồng/lần.

…và người lái xe xứ ta

Các quốc gia tham gia vào công ước quốc tế về giao thông đường bộ sẽ công nhận lẫn nhau về đăng ký phương tiện cơ giới và giấy phép lái xe. Nghĩa là, với bằng lái xe quốc tế, người Việt Nam có thể lái xe ở nước ngoài thì người nước ngoài cũng có thể lái xe ở Việt Nam.

Ngày 15-10-2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 48/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012-BGTVT quy định việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế của các quốc gia đã tham gia vào công ước này. Theo đó, người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài nếu có giấy phép lái xe quốc tế còn thời hạn sử dụng sẽ được lái loại xe phù hợp với quy định trong giấy phép mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam. Trước đây, người nước ngoài khi vào Việt Nam công tác, du lịch… nếu có nhu cầu sử dụng xe sẽ phải chuyển đổi giấy phép lái xe của nước họ sang giấy phép lái xe của Việt Nam.

Anh Mai Khôi, một lập trình viên đang làm việc tại Úc, cho biết trước đây khi về nước thăm người thân, anh phải chuyển đổi bằng lái xe do Úc cấp sang giấy phép lái xe của Việt Nam. Theo anh, việc công nhận bằng lái quốc tế sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho Việt kiều và du khách. Tương tự, với bằng lái quốc tế, người Việt Nam khi đến nước nào đó có thể thuê xe ô tô đi du lịch mà không phải lệ thuộc các tuyến đường sắt, tàu cao tốc như bấy lâu nay.

Minh Chí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sát hạch bằng lái không nên là một ‘trò chơi’ đánh...

0
(SGTT) - Cách đây một năm rưỡi, ngay khi phần mềm mô phỏng trên máy tính được đưa vào kỳ thi sát hạch bằng...

Đề xuất mới về phân hạng bằng lái xe, bỏ bằng...

0
Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ...

Cơ sở đào tạo trước gánh nặng tài chính khi trang...

0
Dù thời hạn cho việc trang bị cabin học lái xe ô tô đã được cơ quan chức năng dời đến cuối năm nay...

Người dân có thể nhận giấy phép lái xe tại nhà...

0
(SGTT) - Từ ngày 15-3 tới đây, người thi đậu trong kỳ sát hạch lái xe cơ giới có thể nhận giấy phép lái...

Bằng lái xe có 12 điểm, bị trừ hết điểm phải...

0
Giấy phép lái xe (bằng lái xe) được cấp 12 điểm/năm, nếu trong một năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại;...

Lái mô tô, đâu chỉ chuyện cái bằng

0
ANH QUÂN-KHÔI NGUYÊN - Nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo cấp bằng lái xe mô tô phân khối lớn (bằng A2) hiện...

Kết nối