Thứ Bảy, Tháng Chín 21, 2024

Mòn mỏi chờ ‘xóa’ những bất cập đường cao tốc!

(SGTT) – Đã có gần 2.000 km đường cao tốc trên cả nước đi vào hoạt động nhưng hiệu quả chưa phát huy được 100% vì các vụ kẹt xe xảy ra khá thường xuyên và nhiều tiện ích còn thiếu. Một trong những nguyên nhân là cao tốc đã hoàn thành nhưng các công trình phụ trợ thì chờ hoài vẫn chưa có.

1. Những “nút thắt cổ chai”

Không cần chờ tới mấy ngày cao điểm “tiến về Sài Gòn” sau kỳ nghỉ Tết vào cuối tuần này, từ mùng 3 Tết các cao tốc khu vực phía Nam hướng từ TPHCM đi Cần Thơ, Phan Thiết đã bắt đầu kẹt xe do tai nạn hoặc bị quá tải ở các cửa ngõ ra vào.

Chiều mùng 5 Tết, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai về TPHCM kẹt cứng tại nút giao với quốc lộ 1 khiến cảnh sát giao thông phải chặn không cho xe vào cao tốc.

Tương tự, trong hai ngày mùng 4, mùng 5, đoạn cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận cũng kẹt xe do xảy ra những vụ va quẹt. Tại một số thời điểm, xe đi về hướng TPHCM không được vào tại các nút giao ở Tiền Giang mà phải chạy đến Long An mới có thể vào cao tốc.

Một nguyên nhân gây kẹt xe – hay “ùn ứ” theo cách gọi của các cơ quan chức năng – là các nút giao nối vào quốc lộ để xe ra vào cao tốc quá chật hẹp, thiết kế không hợp lý, thiếu bảng báo chỉ đường hay bảng báo không hợp lý.

Điều này lặp đi lặp lại mỗi khi có một đoạn cao tốc mới đi vào hoạt động, như Trung Lương – Mỹ Thuận, Phan Thiết – Dầu Giây, hay gần đây nhất là đoạn cầu Mỹ Thuận 2 – Cần Thơ. Cứ đến nút giao là xe phải chạy chậm lại do các nút thắt cổ chai đường ra vào, hay bảng báo không đầy đủ, khó hiểu, dẫn đến kẹt xe.

2. Cần sớm chuẩn hóa công tác quản lý cao tốc

Tính đến cuối năm 2023 cả nước đã có gần 2.000 km đường cao tốc được đưa vào hoạt động. Việc các đoạn cao tốc ngắn 50-100 km được nối liền với nhau thành một tuyến cao tốc dài đòi hỏi phải thay đổi cách quản lý với một đầu mối thay vì nhiều đơn vị như hiện nay.

Đầu tiên là số hotline cứu hộ cần có một số duy nhất trên toàn quốc thay vì mỗi đoạn cao tốc có một số khác nhau như hiện nay. Nếu xe gặp sự cố, nhất là ban đêm và trên tuyến cao tốc mới đi lần đầu thì việc tìm đúng số để gọi hỗ trợ vừa không thuận tiện, vừa mất thời gian của người dân.

Tiếp theo là cần thống nhất tên gọi các đoạn cao tốc theo hướng từ Bắc vào Nam để dễ định vị, không lộn xộn như hiện nay. Minh họa cụ thể là các cao tốc TPHCM-Dầu Giây hay Bến Lức – Long Thành cần được chuẩn hóa là Dầu Giây – TPHCM và Long Thành – Bến Lức mới chính xác.

Cũng rất cần sớm có quy định một kênh radio FM giao thông với tần số riêng và cố định trên toàn quốc chỉ để phát đi các thông tin liên quan đến giao thông. Hiện nay, khi cao tốc kẹt xe thì tài xế chỉ biết trông cậy vào Google map để đoán, còn việc điều tiết giao thông thì tùy thuộc vào cảnh sát giao thông từng tỉnh, không có hướng dẫn chung cho toàn tuyến cao tốc.

Trên nhiều xe ô tô hiện nay hệ thống âm thanh đã có sẵn nút chức năng dành cho tần số giao thông khẩn cấp có ký hiệu là TP (Traffic Program) hoặc TA (Traffic Announcement). Chỉ cần đang ở trạng thái mở và nút TP/TA được kích hoạt thì khi có thông tin giao thông khẩn cấp, hệ thống âm thanh sẽ tự chuyển qua phát thông tin từ radio để hướng dẫn tài xế không chạy vào khu vực đang kẹt xe.

Hiện chỉ mới có một số hầm đường bộ có tính năng phát thông tin này nhưng ít được biết đến và có ít nhất hai địa phương mà người viết bài đã có dịp lái xe ngang qua là Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu lại đang dùng tần số FM khẩn cấp này cho việc phát sóng ca nhạc và tin tức.

Tính năng rất cần thiết nói trên hiện chưa được quy định nhưng với lưu lượng xe ô tô ngày càng tăng, cần sớm đưa hệ thống cung cấp thông tin phát trên tần số giao thông khẩn cấp này vào hoạt động để giúp người lái xe có thể chủ động tránh kẹt xe từ xa vì không phải lúc nào cũng có thể xem được Google map.

3. Nhà vệ sinh tạm: sao để dân phải “tự xử”?

Trên lý thuyết thì ở phía Nam, cao tốc đã liền mạch từ Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) đến Cần Thơ hơn 400 cây số. Thế nhưng trên cung đường dài dằng dặc này hiện chỉ có hai trạm dừng ở đầu đoạn cao tốc Dầu Giây – Long Thành và TPHCM – Trung Lương. Những lúc kẹt xe trên cao tốc mà hành khách, tài xế cần đi vệ sinh thì chỉ có thể dùng từ “thảm họa” để mô tả.

Nhu cầu đi vệ sinh của hành khách trên cao tốc là hết sức bức thiết nhưng không được đáp ứng do Bộ Giao thông Vận tải chỉ có một phương án giải quyết là xây trạm dừng chính quy. Chính vì vậy mà khá nhiều đoạn cao tốc đã đi vào hoạt động 2-3 năm vẫn không có trạm dừng, nhà vệ sinh, bởi câu trả lời vẫn là “chờ xây trạm dừng”!

Nhưng người dân thì không thể chờ trạm dừng “chính quy 5 sao”. Trong những tháng gần đây, trên tuyến cao tốc 200 km không trạm dừng Vĩnh Hảo – Dầu Giây đã xuất hiện “nhà vệ sinh 0 đồng” giúp người đi đường giải quyết nhu cầu tế nhị, nhất là đối với phụ nữ. Có nơi thì đi kèm với nhà vệ sinh miễn phí là dịch vụ bán thức ăn, nước uống cho khách đi đường.

Các nhà vệ sinh tự phát này lại dẫn đến việc làm cầu sắt vượt trên hàng rào cao tốc để mở đường vào là không đúng về luật. Dù vậy, chính quyền địa phương cũng thừa nhận, hành khách đi cả một quãng đường dài hàng trăm cây số không có chỗ đi vệ sinh nên cần giải quyết các điểm vệ sinh tự phát này sao cho phù hợp, có tình có lý(*).

Lẽ nào cơ quan chức năng không có giải pháp tạm thời cung cấp chỗ đi vệ sinh trên cao tốc mà cứ để người dân phải trông cậy vào các nhà vệ sinh tự phát như vậy?

Mục Nhĩ

——————-

(*) https://tuoitre.vn/cau-thang-vuot-rao-qua-tram-dung-nghi-bat-dac-di-tren-cao-toc-vinh-hao-phan-thiet-20240215151426478.htm

(*) https://thanhnien.vn/giai-quyet-vu-khach-vuot-hang-rao-cao-toc-vinh-hao-phan-thiet-di-ve-sinh-185240215112112192.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bổ sung 6.300 tỉ đồng cho cao tốc Bắc – Nam

0
(SGTT) -  Dự kiến, các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 – 2025 sẽ được bổ sung 6.300...

Cần hơn 174.500 tỉ đồng đầu tư bổ sung nút giao,...

0
(SGTT) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, để hoàn thiện các nút giao cao tốc cần đầu tư hơn 28.000 tỉ đồng, hiện...

Thông toàn tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi đến TPHCM năm...

0
(SGTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan nỗ lực để chậm nhất là 30-6-2025 hoàn thành dự...

Sẽ xây trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Cục Đường cao tốc Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu ưu tiên thi công các công trình tạm,...

Đường cao tốc bắt buộc phải có tối thiểu 4 làn...

0
(SGTT) - Đường bộ cao tốc có tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục. Đây là quy...

Thêm cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đề xuất đầu tư 4...

0
(SGTT) - Liên danh nhà đầu tư đề xuất triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh thành một dự án độc lập...

Kết nối