Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Mối lo Omicron lùi dần, nhiều nước nới lỏng các hạn chế phòng dịch

Nhận thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dường như đã lập đỉnh và người dân đang mệt mỏi vì các hạn chế liên quan đến Covid-19, ngày càng có nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, đã dỡ bỏ bớt các biện pháp phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước không nên mở cửa quá sớm vì áp lực chính trị.

Những động thái ban đầu để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dựa trên số lượng ca nhiễm giảm hoặc đi ngang những ngày gần đây, báo hiệu một bước ngoặt khác trong một đại dịch kéo dài gần hai năm.

Với khả năng lây lan cực cao, Omicron đã gây ra hơn 90 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới trong 10 tuần qua , cao hơn so với tổng số ca nhiễm trong cả năm 2020. Số ca nhiễm mới trên toàn thế giới trong tuần từ 24 đến 30-1 tương đương với tuần trước đó nhưng số ca tử vong mới tăng 9%, lên mức hơn 59.000 người.

Trong tuần này, WHO cho biết một số nước có thể cân nhắc  nới lỏng một cách thận trọng các quy định kiểm soát dịch bệnh nếu họ có tỷ lệ miễn dịch cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe vững mạnh và xu hướng dịch tễ học đang đi đúng hướng.

Các nước châu Âu đua nhau nới lỏng

Những quyết định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch đang diễn ra rộng khắp ở châu Âu, tâm chấn của đại dịch trên thế giới trong nhiều tháng qua.

Người dân không mang khẩu trang đi bộ trên đường phố London, Anh. Kể từ ngày 27-1, Anh đã bỏ quy định bắt buộc mang khẩu trang ở bất cứ địa điểm nào. Ảnh: Getty

Khi người dân ngày càng mệt mỏi vì đại dịch, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn đang trụ vững vì Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và hầu hết mọi người đã được vắc-xin bảo vệ, các nhà chính trị ở châu Âu thấy rằng nhiều biện pháp y tế công cộng không cần thiết nữa.

Các nước như Anh, Pháp, Ireland, Hà Lan và một số nước Bắc Âu khác đã chấm dứt hoặc nới lỏng các hạn chế của họ. Ở một số nơi, như Na Uy và Đan Mạch, động thái nới lỏng diễn ra ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang ở gần mức cao kỷ lục.

Tuần trước, Anh đã chấm dứt gần như tất cả các hạn chế bao gồm quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phải có giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ để vào các địa điểm công cộng và lệnh làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì quy định cách ly những người có kết quả dương tính với Covid.

Hôm 1-2, Na Uy đã dỡ bỏ lệnh cấm phục vụ rượu sau 11 giờ đêm ở các nhà hàng, quán bar và cũng bỏ quy định giới hạn tối đa 10 người trong các cuộc tụ họp gia đình.

“Giờ đã đến lúc chúng ta quay trở lại cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng tôi đã bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch để có thể trở về gần hơn với cuộc sống bình thường”, Bộ trưởng Y tế Na Uy, Ingvild Kjerkol nói.

Hôm 2-2, Thụy Sĩ cũng đã dỡ bỏ yêu cầu làm việc tại nhà và cách ly đối với những người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid sau khi ghi nhận các bệnh viện không bị quá tải dù số ca nhiễm vẫn đang ở mức cao kỷ lục.

Nước này sẽ cân nhắc nới lỏng hầu hết hạn chế khác trong những tuần tới, bao gồm quy định trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng khi muốn vào các nhà hàng, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tổng thống Thụy Sĩ, Ignazio Cassis nói: “Ngày đẹp trời này đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng dai dẳng và khó khăn này. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc nhưng chúng ta đã nhìn thấy một tia sáng ở cuối đường hầm”.

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin cho biết chính phủ của bà đã quyết định dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các nhà hàng và quán bar kể từ ngày 14-2.

Áo, nước châu Âu đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine, đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 trong tháng này.

Thủ tướng Ý, Mario Draghi hôm 1-2 thông báo Ý sẽ sớm thông báo lộ trình dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 trong những tuần tới trong bối cảnh đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron bắt đầu hạ nhiệt.

WHO cảnh báo còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng

Xu hướng nới lỏng các biện pháp kiểm soát biến thể Omicron ở nhiều nơi trên thế giới đang thắp lên hy vọng rằng đại dịch sắp bước sang một giai đoạn mới, trong đó Covid-19 sẽ trở thành giống như bệnh cúm, một mối đe dọa dai dẳng nhưng có thể kiểm soát được và mọi người có thể sống chung.

Trong khi Omicron đã được chứng minh là ít có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta, các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên đánh giá thấp nó hoặc mất cảnh giác trước khả năng xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm hơn.

“Chúng tôi lo ngại một số quốc gia đang nhìn nhận rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, khả năng lây lan cao nhưng ít gây gây bệnh nghiêm trọng hơn của Omicron, việc ngăn ngừa không còn khả thi và không còn cần thiết nữa. Sự thật rõ ràng không phải như vậy… Vẫn còn quá sớm để bất cứ nước nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thẳng”, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói vào hôm 1-2.

Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo rằng áp lực chính trị có thể khiến một số nước mở cửa trở lại quá sớm, và “điều đó sẽ dẫn đến sự lây lan, các ca bệnh nặng và các ca tử vong ngoài mong muốn”.

Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật phụ trách ứng phó Covid-19 của WHO khuyến cáo thận trọng về việc nới lỏng các hạn chế vì nhiều nước vẫn chưa đến đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm Omicron. “Bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ tất cả hạn chế cùng một lúc” bà nói và khuyên các nước nên nới lỏng từ từ, từng phần một.

Trong khi đó, một số nước châu Âu vẫn duy trì chiến lược kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh. Tại Đức, nơi số ca nhiễm vẫn đang lập kỷ lục hàng ngày, việc hạn chế tụ tập và yêu cầu mọi người xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc phục hồi sức khỏe để vào các cửa hàng không thiết yếu vẫn được duy trì.

“Tôi nghĩ rằng cho đến thời điểm chúng ta thấy rằng chúng ta có thể nới lỏng các hạn chế một cách có trách nhiệm, chính phủ liên bang và các tiểu bang sẽ thực hiện bước đó. Nhưng hiện tại, điều này vẫn còn hơi sớm”, người phát ngôn của chính phủ Đức, Steffen Hebestreit nói vào đầu tuần này.

Bỉ cũng vẫn áp dụng các quy định hạn chế nghiêm ngặt ở các vùng rủi ro cao, bao gồm bắt buộc làm việc tại nhà và các hạn chế khác với các nhà hàng và quán bar.

Các lục địa khác thậm chí đã thận trọng hơn trước biến thể Omicron. Một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới tại châu Á vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.  Trung Quốc vẫn tuân thủ chính sách “zero Covid”, sẵn sàng triển khai lệnh phong tỏa, cách ly nhanh chóng khi phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào.

Tại Mỹ, các chính quyền địa phương bắt đầu nới lỏng các hạn chế. TP. Denver thuộc bang Colorado đang chấm dứt các quy định bắt buộc tiêm chủng, không phải mang khẩu trang ở nơi làm việc của các doanh nghiệp và các không gian công cộng nhưng vẫn duy trì chúng ở các trường học và trên phương tiện giao thông công cộng.Trong tuần tới, thống đốc bang New York sẽ xem xét liệu có nên duy trì việc bắt buộc đeo khẩu trang ở các không gian công cộng hay không vào thời điểm mà số ca nhiễm và ca nhập viện mới đã giảm mạnh ở điểm nóng Omicron. Hiện nay, TP. New York ghi nhận trung bình 4.200 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm mạnh so với 41.000 trong tuần đầu tiên của tháng 1.Tình hình dịch trên cả nước Mỹ nhìn chung đang đi theo một quỹ đạo tương tự, với số ca nhiễm mới giảm từ mức trung bình hơn 800.000 /ngày cách đây hơn hai tuần, xuống còn 430.000/ngày trong tuần này.

Chánh Tài

Theo KTSG Online, AP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối