Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Mất hơn 1/5 số doanh nghiệp lữ hành quốc tế

Số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước đã giảm hơn 1/5 sau gần 2 năm dịch Covid-19. Để phục hồi du lịch, chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, đề xuất thí điểm từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 này.
Hàng trăm doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép

Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ làm cho các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng mà còn khiến số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế, lực lượng quan trọng trong việc đón du khách vào Việt Nam sụt giảm mạnh. Hàng trăm doanh nghiệp đã rời thị trường.

Khách du lịch nước ngoài tại bãi biển Đà Nẵng những ngày cuối tháng 2-2020. Ảnh: Nhân Tâm

Theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2019 của Tổng cục Du lịch, ở thời điểm đó, cả nước có 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Theo số liệu cập nhập của Tổng cục Du lịch, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xin thu hồi giấy phép hoạt động. Cả nước chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa. Với doanh nghiệp lưu trú, khoảng 90% cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch cũng đang phải tạm dừng hoạt động vì dịch.

Về lượng khách đến, do mảng du lịch quốc tế đã phải tạm dừng từ tháng 3 năm ngoái để ngăn dịch Covid-19 cho nên trong cả năm 2020, cả nước chỉ đón 3,7 triệu lượt lượt, giảm 80% so với năm 2019.

Trong chín tháng đầu năm nay, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 31,5 triệu lượt khách. Khách quốc tế thì chỉ có nguồn rất nhỏ là các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam.

Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

“Trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã đẩy ngành du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Du lịch nói vài ngày trước, trong buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với cơ quan quản lý du lịch cùng các bộ, ngành liên quan về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch.

Sớm đề xuất mở cửa du lịch quốc tế

Để phục hồi du lịch, ngành du lịch cho rằng, cần phải tính đến hai nội dung chính là từng bước mở lại hoạt động du lịch trong nước và thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Hiện tại, việc mở lại du lịch trong nước đang được nhiều tỉnh, thành thực hiện. Nhiều du khách đã có thể đi du lịch nội thành, nội tỉnh thậm chí có thể đi các tuyến xa hơn như TPHCM – Quảng Bình, TPHCM – Bà Rịa -Vũng Tàu.

Tuy nhiên, để kết nối lại mảng du lịch quốc tế, ngành du lịch phải chuẩn bị kỹ càng hơn nữa, cần sự hợp tác không chỉ từ các địa phương mà còn từ nhiều bộ, ngành và quan trọng hơn là quyết định của Chính phủ.

Mới đây, nội dung về mở cửa thị trường du lịch quốc tế đã được Chính phủ đề cập đến trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2021.

Theo đó, Chính phủ xác định kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống của người dân và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; từng bước mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh và độ bao phủ vắc-xin.

Các địa phương, ngành thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm an toàn từ tháng 10 năm nay. Các bộ, ngành được chính phủ yêu cầu thực hiện nhiều công việc để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế, xã hội.

Trong đó, về du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất thí điểm từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin và điều kiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Đề xuất này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 để tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.

Bộ Ngoại giao cũng được Chính phủ giao phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí, cơ chế công nhận lẫn nhau và cho phép sử dụng trực tiếp tại Việt Nam giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vắc-xin của nước ngoài.

Cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và được Chính phủ cho phép mở cửa thí điểm Phú Quốc. Dự kiến, đến cuối tháng 11, đảo ngọc sẽ đón khách quốc tế.

Hiện nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh cũng đã xin được mở cửa đón du khách nước ngoài.

Đào Loan

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Biến thể phụ XBB.1.5 mới xuất hiện ở TPHCM nguy hiểm...

0
Ngày 14-4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, thành phố đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu...

Dịch có xu hướng giảm, phòng chống Covid-19 có được điều...

0
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm 2023....

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Muốn là đảo ngọc, Phú Quốc cần tránh lặp lại sai...

0
Đảo Bali có hơn 4 triệu dân với diện tích 5.632 ki lô mét vuông, gần gấp 10 lần đảo Phú Quốc về...

Kết nối