Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Mạng di động ảo tái xuất, tìm cơ hội từ ‘khe cửa hẹp’

Mười bốn năm trước, ba mạng di động ảo đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, do không triển khai cung cấp dịch vụ nên các đơn vị này đã bị thu hồi giấy phép. Vài năm nay, các mạng di động ảo lại tái xuất, được tập trung đầu tư nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên thị trường di động. Khi có nhiều mạng di động ảo được đầu tư, thị trường sẽ có tính cạnh tranh hơn và người sử dụng dịch vụ di động có thể kỳ vọng được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hợn. Bên cạnh đó, ở góc nhìn đầu tư xã hội, hạ tầng mạng viễn thông cũng được khai thác hiệu quả hơn, các nhà mạng có thêm doanh thu.
Mạng di động ảo sẽ hướng tới đối tượng khách hàng riêng, thị trường ngách. Ảnh minh họa: ĐVCC

Mạng di động ảo là hình thức kinh doanh dịch vụ di động nhưng không được cấp phép triển khai hạ tầng mạng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ảo mua lại dịch vụ của các nhà mạng được phép thiết lập hạ tầng mạng để cung cấp dịch vụ – mua sỉ để bán lẻ.

Thị trường viễn thông có thêm 5 nhà mạng ảo

Ngày 7-7 vừa qua, VNSKY – mạng di động ảo thuộc hệ sinh thái VNPAY đã cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0777 và sử dụng hạ tầng của MobiFone để cung cấp dịch vụ. Mạng di động này ra đời với định hướng trở thành giải pháp công nghệ – viễn thông mới, nhằm mang đến những dịch vụ số khác biệt cho khách hàng. VNSKY cũng được coi là mảnh ghép quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái số của VNPAY.

Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo cho FPT Retail, một công ty con của tập đoàn FPT. Được biết, để xây dựng một mạng di động ảo mất trung bình khoảng một năm hoặc hơn, nhưng FPT Retail đang mong muốn sẽ rút ngắn thời gian để sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Được biết, dự kiến FPT Retail sẽ hợp tác, sử dụng hạ tầng của MobiFone để cung cấp mạng di động ảo.

Ra đời trước 2 mạng di động ảo trên, mạng di động ảo Local (Local) do Công ty Cổ phần Viễn thông ASIM (ASIM Telecom) đầu tư. Local cung cấp dịch vụ di động dựa trên hạ tầng của MobiFone và hệ sinh thái dịch vụ số trên ứng dụng myLocal.vn.

Trước đó, tháng 6 năm 2020, Công ty Cổ phần Mobicast đã khai trương mạng di động ảo Reddi với đầu số 055 để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Năm 2021, The Sherpa – công ty thành viên của tập đoàn Masan đã rót 295,5 tỉ đồng để mua lại 70% cổ phần Mobicast. Cuối năm 2022, Reddi đổi tên thành Wintel.

Tham gia thị trường di động ảo đầu tiên là mạng di động ảo Đông Dương Telecom, được ra đời vào cuối tháng 4-2019 với đầu số 087 (ITelecom). Mạng di động này hợp tác với VinaPhone để cung cấp dịch vụ. Đông Dương Telecom chọn thị trường ngách là cung cấp dịch vụ dành cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.

Phát biểu tại lễ ra mắt của mạng di động này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng sự tham gia của các mạng di động ảo sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường di động, giúp khách hàng được sử dụng những dịch vụ mới, lựa chọn nhiều gói cước phù hợp với nhu cầu của mình.

Như vậy, cho đến thời điểm này Việt Nam đã có 5 nhà mạng di động có hạ tầng là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và Gtel. Tuy nhiên, gần đây mạng di động Gtel gần như không có động thái nào trên thị trường di động – gần như trạng thái ngủ yên.

Bên cạnh đó, thị trường đã có 5 mạng di động ảo nêu trên được cấp phép hoạt động và tham gia kinh doanh.

Như vậy, 5 mạng di động ảo trên tham gia thị trường di động sau khi thị trường đã có khoảng 150 triệu thuê bao di động (có nhiều người dùng 2 SIM 2 số di động).

Trước đây, năm 2010, Bộ Thông tin Truyền thông đã cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo cho VTC và công ty này dự định sẽ dùng chung hạ tầng với EVN Telecom. Song chỉ ít thời gian sau khi được cấp phép thì EVN Telecom được chuyển giao về cho Viettel nên VTC đã không triển khai cung cấp dịch vụ và đã bị thu hồi giấy phép. Bởi theo quy định, nếu các mạng di động ảo không đi vào hoạt động sau hai năm được cấp phép thì giấy phép sẽ bị thu hồi. Trừ khi họ có giải trình về việc chậm trễ cung cấp dịch vụ thì mới không bị thu hồi giấy phép.

Cũng tương tự VTC, vào năm 2010, FPT cũng đã được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo nhưng không triển khai nên đã bị thu hồi giấy phép. Các chuyên gia cho rằng, thời điểm năm 2010, khi lượng thuê bao di động trên thị trường còn thấp, chưa bão hòa, các nhà mạng có hạ tầng như Viettel, VinaPhone, MobiFone… đang đua nhau “hút” khách hàng mới nên không dại gì bán dịch vụ cho các nhà mạng ảo.

Do đó, các nhà mạng ảo không có “cửa” chen chân tại thị trường di động – vì được cấp phép nhưng không đàm phán để mua dịch vụ từ các nhà mạng. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi thị trường di động đã bão hòa, các nhà mạng có hạ tầng muốn tăng nguồn thu nên mở bán sỉ lưu lượng cho các nhà mạng ảo. Bên cạnh đó, trước xu hướng chuyển đổi số, internet kết nối vạn vật… các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội từ kinh doanh mạng di động ảo.

Cuộc đua tranh đầy gian nan và thử thách

ITelecom là mạng di động ảo được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam, từ năm 2009. Song mạng di động này sau 10 năm được cấp phép mới cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Cung cấp thông tin cho báo chí khi khai trương mạng, ông Lưu Anh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom cho biết, thách thức lớn nhất là làm sao cung cấp được dịch vụ tốt với chi phí cạnh tranh.

Giải thích việc vì sao Đông Dương Telecom lại kinh doanh mạng di động ảo, ông Sơn cho hay số lượng thuê bao bùng nổ đã phát sinh các nhu cầu về quản lý và chăm sóc thuê bao… Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng về dịch vụ ngày càng gia tăng, khách hàng đòi hỏi không chỉ là dịch vụ thoại và dữ liệu thông thường mà còn mong muốn các dịch vụ mới mang tính tương tác cao. Các nhà khai thác di động khó có thể thành công với nhiều ứng dụng và nội dung khác nhau, do vậy cần có sự hỗ trợ và chia sẻ từ các nhà khai thác khác.

Ông Sơn cho rằng thực tế ở Việt Nam là cùng với sự bùng nổ về số lượng thuê bao thì số lượng thuê bao ảo và thuê bao rời mạng cũng ngày càng tăng. Do đó, việc liên doanh với các nhà khai thác mới như Đông Dương Telecom sẽ giúp các nhà khai thác hiện tại phân đoạn thị trường, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Nhà mạng ảo không phải đầu tư hạ tầng nên có điều kiện tập trung nguồn lực cho phát triển kênh phân phối, truyền thông, marketing, chăm sóc khách hàng…

Cung cấp thông  tin cho báo chí khi Local tham gia thị trường di động, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Asim Group (công ty mẹ sở hữu Asim Telecom) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà mạng như Local, đặc biệt khi chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống. Nhờ nền tảng vững mạnh từ các công ty thành viên trong Asim Group hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông – tài chính – giải trí, mạng di động Local có lợi thế trong việc phát triển hệ sinh thái số myLocal.vn.

Do tham gia thị trường di động khi có gần chục nhà mạng, Local cung cấp các gói cước siêu data, dung lượng lớn theo ngày (lên tới 5GB/ngày) và đi kèm là đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái dịch vụ số để tạo trải nghiệm số mới cho khách hàng. Mạng di động Local đang đẩy mạnh phát triển nền tảng số thông qua ứng dụng myLocal.vn. Đây là một ứng dụng có các tính năng mua SIM, tự chọn số di động, cập nhật thông tin chính chủ… Đáng chú ý, Local tích hợp các tiện ích như kết nối tài khoản ngân hàng, gọi xe công nghệ, giải trí, xem phim, đọc báo, tư vấn y tế, thanh toán hóa đơn…

Cung cấp thông tin cho báo giới khi cung cấp dịch vụ trên toàn quốc mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc mạng di động VNSKY, cho rằng với sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh trực tuyến, chiếc SIM thứ nhất với các dịch vụ viễn thông truyền thống không còn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dữ liệu di động ngày càng cao của người dùng. Do đó VNSKY tham gia thị trường với định vị là SIM thứ hai mang đến dữ liệu di động không giới hạn dung lượng cùng giá cước rẻ, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn để kết nối với thế giới số mỗi ngày.

Vẫn theo ông Dũng, trong thời gian tới, mạng di động VNSKY sẽ kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái VNPAY để mang tới cho khách hàng những sản phẩm độc đáo, khuyến mại hấp dẫn từ ví VNPAY, VNPAY-QR, VnShop hay VNTAXI… Cùng với nỗ lực tập trung tối ưu các trải nghiệm số của khách hàng, VNSKY đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn của Việt Nam.

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với các nhà mạng khác, nhưng VNSKY không cho rằng đây là một điều thiệt thòi. Hiện nhà mạng này hợp tác với MobiFone để cung cấp dịch vụ. Nhà mạng mới ra đời này cho rằng, nhờ hợp tác với MobiFone, VNSKY thừa hưởng lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có, ngay lập tức sở hữu vùng phủ sóng trên phạm vi toàn quốc. Việc không phải lo đầu tư phát triển hạ tầng được VNSKY cho rằng là cơ sở để tập trung nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển những dịch vụ số và viễn thông khác biệt.

Bên cạnh các điểm bán truyền thống, nhằm thu hút khách hàng qua kênh thương mại điện tử, SIM VNSKY được bán tại website vnsky.vn, ứng dụng ví VNPAY và được miễn phí vận chuyển. Nhà mạng này cũng đưa SIM VNSKY bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay TikTok để tiếp  cận được với nhiều khách hàng hơn.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng tư vừa qua, số lượng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng ảo tại Việt Nam là 2,65 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao di động trên toàn thị trường.

Thực tế cho thấy, sự tham gia của các mạng di động ảo sẽ mang lại yếu tố tích cực là làm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường di động. Các mạng di động ảo cũng sẽ cung cấp nhiều gói cước với giá rẻ hơn, góp phần giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí…

Về góc độ doanh nghiệp, các nhà mạng có hạ tầng khi bán dịch vụ cho nhà mạng ảo cũng có thêm nguồn thu, khai thác hạ tầng mạng tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhà mạng ảo như “cánh tay nối dài” của các nhà mạng có hạ tầng, cung cấp dịch vụ đến mọi ngóc ngách, mọi đối tượng khách hàng.

Còn với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo, nếu “bài toán” kinh doanh thành công, cũng đem lại lợi nhuận tốt. Trong đó có những doanh nghiệp đang có tập khách hàng lớn nhìn thấy cơ hội xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Như The Sherpa, công ty con của Masan đã mua lại 70% cổ phần Mobicast.

Masan mua cổ phần của Mobicast vì sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp cả nước Winmart, có lượng khách hàng lớn từ Techcombank và Phúc Long, phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị cho người tiêu dùng.

Tương tự Masan, FPT Retail đang có nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone và thiết bị IoT các loại, đồng thời là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của tập đoàn FPT để phát triển kinh doanh.

Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Như vậy, mạng di động ảo chỉ tập trung vào khâu kinh doanh để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và sẽ chọn một thị trường ngách nào đó mà mình có thế mạnh để nhắm đến.

Vân Ly

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sự cố cáp quang biển Liên Á dự kiến được khắc...

0
(SGTT) - Theo Ban quản lý tuyến cáp biển Liên Á (tên đầy đủ là Tata TGN-Intra Asia, viết tắt là IA) đến ngày...

Hơn một tháng nữa mới khắc phục xong sự cố cáp...

0
(SGTT) - Mới đây, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp APG,...

Chưa khắc phục xong sự cố cáp quang biển IA, APG

0
(SGTT) - Hai tuyến cáp quang biển quốc tế IA, APG đã gặp sự cố ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kết nối...

Nhà mạng chặn hơn 52.000 thuê bao phát tán cuộc gọi...

0
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) từ tháng 7 đến nay bốn doanh nghiệp viễn thông là Viettel, MobiFone, VNPT...

Khóa gần 35.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác trong...

0
(SGTTO) - Tính từ tháng 7-2020 đến nay, đã có gần 35.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các nhà mạng khóa...

Hơn 18.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã bị...

0
(SGTTO) - Theo báo cáo của ba nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone), trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, đã có khoảng 18.339...

Kết nối