(SGTT) – Là trung tâm kinh tế – văn hóa miền Trung Thụy Sĩ nhưng Lucerne không chỉ có thế. Thành phố này còn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất châu Âu, được xem như một Thụy Sĩ thu nhỏ.

Xe dừng lại, gần cầu Chapel – cầu Nhà nguyện, nơi bất cứ du khách nào, khi đến Lucerne, cũng phải ghé qua. Năm đó, thành phố này nằm trên chặng tiếp theo trong tour du lịch một số nước và thành phố châu Âu của vợ chồng chúng tôi. Đi bằng xe buýt.

Sông hồ, núi non…

Chỉ cần dạo một vòng thành phố hơn 800 năm tuổi được hình thành bên hồ Lucerne và một phần của dãy núi Alpes này, khách nhàn du coi như đã thưởng thức được hầu hết những gì hay ho nhất của Thụy Sĩ. Nơi đây có đủ: sông hồ, núi non, nhiều kiến trúc cổ cùng viện bảo tàng. Người dân thì thường dùng bốn thứ tiếng chính thức của Thụy Sĩ: Ðức, Pháp, Ý và Romansh.

Toàn cảnh thành phố Luzerne, nhìn từ trên cao.

Mỗi năm, trước đại dịch Covid- 19, Lucerne đón gần 10 triệu lượt khách – một con số đáng kể – từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố này không lớn lắm, diện tích chừng 25 km², nhỉnh hơn quận Tân Bình, TPHCM không bao nhiêu; dân số vào khoảng 80.000 người; nằm cách mực nước biển 436 mét, tức cao hơn Núi Lớn của Vũng Tàu gần 100 mét.

Khi chúng tôi đến Lucerne, nơi đây vẫn đang hè, không khí rất dễ chịu bởi nhiệt độ chỉ từ 18 – 20 độ C, tương tự nhiệt độ trung bình của Đà Lạt. Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất đối với du khách từ các nước nhiệt đới như Việt Nam. Có lẽ đó cũng là mùa Thụy Sĩ nói chung thu hút nhiều khách thập phương nhất.

“Nhờ” con vi rút Corona, thành phố du lịch này được nghỉ ngơi, chờ ngày khách du lịch tấp nập trở lại. Theo một nghiên cứu của đại học Lucerne, có đến gần 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng số lượng du khách đã quá đông. Họ cũng nói rằng cần có những biện pháp để “quản lý ngành du lịch tốt hơn.” Ví dụ như hạn chế lượng xe cộ chở khách du lịch vào thành phố, thông qua việc giảm bớt chỗ đậu xe và tăng tiền gởi xe…

Hãy quay lại với cầu Chapel. Cầu bằng gỗ, dài hơn 200 mét, bắc qua sông Reuss, con sông chính 165 cây số của miền Trung Thụy Sĩ từ hướng Nam đâm vào hồ Lucerne rồi chảy tiếp theo hướng Bắc.

Cầu được xây dựng với mục đích ban đầu là góp phần vào việc phòng thủ thành phố, và để nối khu phố cổ bên bờ Bắc con sông với khu phố mới – bây giờ cũng đã cổ – bên bờ Nam. Tên của nó, đặt theo tên nhà nguyện Thánh Peter bên cạnh, được xem như cây cầu xưa nhất châu Âu bởi được xây dựng xong vào năm 1333, cách nay đã 687 năm.

Cầu Chapel nổi tiếng không chỉ vì nhiều tuổi, mà còn nhờ vào kiến trúc độc đáo của nó nữa. Cầu chỉ dành cho người đi bộ, với lối đi có mái che bằng ngói, được đỡ bằng khung gỗ hình tam giác. Trong những khung gỗ đó là tranh miêu tả lịch sử, phong cảnh, đất nước, con người Lucerne. Tổng cộng có đến trên 100 bức tranh như thế – những tác phẩm nghệ thuật duy nhất thế giới nằm dưới mái ngói – do họa sĩ Hans Heinrich Wägman sáng tác vào thế kỷ 17.

Phần giữa cầu thì gắn với một cái tháp bằng đá hình bát giác cao 34 mét, gọi là Water Tower – tháp Nước. Nguyên nó là nơi giam giữ tù nhân cũng như kho chứa châu báu. Quả thật trái ngược! Bây giờ, nó được dùng làm nơi hội họp của tòa Thị chính Lucerne.

Tuy thuộc cụm kiến trúc cầu Chapel nhưng Water Tower lại đứng độc lập. Nó cũng được xây dựng trong thế kỷ 14 nhưng trước cây cầu. Khi xây cầu, người ta đã gộp chúng lại với nhau thành một tổng thể độc đáo và thẩm mỹ.

Tranh quá độc đáo

Những bức tranh – dưới ngói của cầu Chapel quả rất quan trọng, nhìn từ góc độ lịch sử lẫn nghệ thuật. Chuyên gia cùng khách thập phương đã đến chiêm ngưỡng, bình phẩm về chúng trong nhiều thế kỷ rồi. Nhưng nơi đây từng xảy ra một vụ cháy (đêm 17 tháng 8 năm 1993), khiến khoảng 2/3 số bức tranh bị thiêu rụi. May mắn thay, cách đó khoảng hai năm, một số nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã chụp ảnh đầy đủ những bức tranh. Nhờ đó, những tác phẩm nghệ thuật này đều được tái hiện, chủ yếu qua ảnh.

Chỉ trong vòng tám tháng, chính quyền thành phố Lucerne đã phục chế được chiếc cầu cùng những bức tranh quý giá. Tuy nhiên, đối với những bức bị hư hại nặng nề đến mức không thể phục chế được, họ đành để trống chỗ. Như một nhắc nhở về việc cần thiết phải bảo tồn di sản.

Trong số những bức tranh còn lại có bức miêu tả William Tell bắn chẻ đôi trái táo đặt trên đầu con trai. Theo truyền thuyết Thụy Sĩ, William Tell là người bắn cung giỏi nhất nhì đất nước này ở đầu thế kỷ thứ 14. Vì không chịu chào cái mũ của một viên thị trưởng người Áo Gessler “đội” vào một cây cọc nên William Tell bị bắt giữ, và bị ra lệnh bắn trái táo đặt trên đầu con trai của mình nếu muốn cả hai cha con được sống sót.

Khi đi dạo trên cầu Chapel, tôi liên tưởng đến chùa Cầu của Hội An, giờ cũng chỉ dành cho người đi bộ. Kiến trúc của hai công trình này có nhũng điểm khá tương đồng, đều là nơi được khách du lịch chụp ảnh nhiều nhất khi đi thăm Lucerne và Hội An. Lẽ dĩ nhiên, chùa Cầu là công trình mang đậm chất tín ngưỡng Á đông, và ngắn hơn nhiều so với cầu Chapel. Thật ra, không nên so sánh làm gì; hai khung trời, hai nền văn hóa quá khác biệt nhau.

Rồi đứng lại bên cầu. Nhìn ra hai bên bờ con sông Reuss để chiêm ngưỡng quảng trường thời Trung cổ, trụ sở hiệp hội xưa, nhà thờ cũ kỹ – vẫn còn đó. Cùng những con đường lát đá sỏi và những căn nhà rộng lớn ẩn khuất trong vườn cây.

Thụy Sĩ được đánh giá là nơi phong cảnh đẹp hơn hẳn các nước châu Âu khác, còn Lucerne là thành phố thừa hưởng nhiều nét đẹp thiên nhiên tiêu biểu của đất nước này.

Hồ Lucerne, theo tiếng Thụy Sĩ rất khó phát âm – Vierwaldstättersee – là một vùng nước rộng mênh mông, trong xanh thăm thẳm. Khung cảnh tuyệt đẹp luôn gây ấn tượng cho khách nhàn du.

Những ngày nắng ấm, có thể bơi lội trong cái “hồ bơi màu xanh coban giữa đàn thiên nga với bối cảnh là dãy núi Alpes”, theo một tờ bướm giới thiệu du lịch Lucerne. Và “cách duy nhất để cảm nhận hết vẻ đẹp lộng lẫy của khung cảnh cổ tích này là tham gia một trong nhiều chuyến du ngoạn bằng thuyền…”. Rồi “phong cảnh hai bên sẽ cung cấp phông nền hoàn hảo cho… bộ ảnh Instagram của bạn”.

Buổi chiều, khi chúng tôi dạo quanh nơi đây, thấy đôi chỗ trên mặt hồ sương phủ, một đàn thiên nga đang bơi lội; những chùm nắng cuối ngày nhuộm vàng những căn nhà cổ kính ven hồ. Ôi thật quá nên thơ!

Cần nói thêm: Ở Thụy Sĩ có hàng trăm cái hồ như thế mà họ gọi là “sea” – biển vì chúng rộng lớn quá.

Truyền thống đánh thuê

Tượng đài Sư tử đá, cách khu phố cổ Lucerne không xa.

Còn có một nơi bất cứ du khách nào, khi đến Lucerne, đều không thể bỏ qua: tượng đài Sư tử đá còn được gọi là Sư tử Lucerne, nằm cách khu phố cổ không xa. Nó do nhà điêu khắc Đan Mạch tầm cỡ thời đó Bertel Thorvaldsen thiết kế và Lucas Ahorn, một người thợ gốc Đức thi công, theo ý tưởng của Karl Pfyffer von Altishofen, một người lính đánh thuê Thụy Sĩ.

Tượng đài cao khoảng 6m, dài 10m, nhưng nằm gọn trong một hốc núi, là một công trình điêu khắc trực tiếp vào núi, với hồ nước và cỏ cây hoa lá bao quanh. Khánh thành vào năm 1821, nó được cho là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất châu Âu vì tính nghệ thuật cùng câu chuyện bi tráng ở đằng sau.

Tượng đài miêu tả một con sư tử đang nằm dưỡng thương, mắt nhắm nghiền, vẻ mặt buồn thảm. Nó bị một ngọn giáo đâm, máu loang nhuộm đỏ cả một khoảng lưng. Nhưng con sư tử vẫn biểu hiện sự oai hùng, uy nghiêm qua dáng vẻ đó như một người bị bại trận nhưng không cúi đầu khuất phục.

Tượng đài được dành tưởng niệm đội quân đánh thuê Thụy Sĩ đã hy sinh để bảo vệ hoàng gia tại cung điện Tuileries ở ngoại ô Paris trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1792. Khi vũ khí và đạn dược dần cạn kiệt, họ lần lượt hy sinh mà không hề biết rằng trước đó toàn bộ Hoàng gia Pháp đã rút ra khỏi cung điện. Chung cuộc, có đến 850 người lính đã hy sinh, bị bắt và bị giết sau đó. Một sự kiện bi thảm của lịch sử những người lính đánh thuê gốc miền Trung Thụy Sĩ.

Vậy nên, chú sư tử đau buồn không chỉ vì bại trận, mà còn vì bị những người nó phục vụ bỏ mặc. Đứng trước sư tử Lucerne, nghe được câu chuyện về nó, hẳn trong lòng bất cứ ai cũng thấy đắng cay. Cách nay hơn 100 năm, khi tới đó, nhà văn Mỹ Mark Twain từng nhận xét như sau: “Tác phẩm điêu khắc đá buồn và cảm động nhất thế giới”.

Lính đánh thuê Thuỵ Sĩ có truyền thống phục vụ ở nước ngoài. Nếu có dịp đến Vatican, bạn sẽ nhìn thấy những hậu duệ của họ. Họ nổi tiếng vì sự dũng cảm và sự tận tụy với công việc.

Lucerne cũng nằm trong số những “thành phố đồng hồ” của Thụy Sĩ. Ở đây, thiết bị xem giờ này được xem như một di sản hấp dẫn, một yếu tố luôn sống động và hiện đại thu hút khách du lịch. Khi chúng tôi vào một cửa hàng đồng hồ, liền thấy một người tóc đen, da vàng vừa mua xong một chiếc đồng hồ, đeo vào tay trái rồi giơ tay lên như muốn khoe với mọi người xung quanh: “Tôi mua đồng hồ xịn, chính gốc Thụy Sĩ rồi nhé!”.

Chắc chắn, mua tại chỗ đồng hồ của những hãng như Rolex, Omega, Patek Philippe… thì không sợ đụng phải hàng nhái, giá lại rẻ hơn nhiều nơi khác. Khi rời khỏi Thuỵ Sĩ còn được hoàn trả thuế trị giá gia tăng nữa.

Nhưng hẳn chúng chẳng phải dành cho người hầu bao không rủng rỉnh: chiếc rẻ nhất cũng lên đến 8.000 đô Mỹ; chiếc mắc nhất, đến 200.000 đô Mỹ! Tuy nhiên, không thấy loại đồng hồ triệu đô dành cho giới siêu giàu được bày bán trong cửa hàng mà chúng tôi đã ghé vào.

Nói đến đồng hồ, hẳn ai cũng biết Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu cả về số lượng hàng hiệu lẫn chất lượng cao. Nhưng thật ra, chính những người thợ đồng hồ Pháp tài hoa di cư sang đây vào giữa thế kỷ 16 mới góp phần thúc đẩy việc chế tạo đồng hồ ở Thụy Sĩ dần lên đỉnh cao, đặc biệt là đồng hồ đeo tay.

Sau khi thăm thú một phần thành phố Lucerne – chủ yếu là khu phố cổ nhất – đến gần tối, chúng tôi được đưa đi nghỉ tại một khách sạn thuộc ngoại ô Lucerne. Hẳn do giá rẻ. Nhưng giá rẻ và ở ngoại thành không đồng nghĩa với chất lượng kém. Những gì chúng tôi được trải nghiệm tại đây là phòng ốc sạch sẽ, rộng rãi, ăn sáng ngon, phục vụ chuyên nghiệp.

Có thể nói khách sạn này không thua kém gì khách sạn 4 sao tại những nơi khác ở Tây Âu. So với khách sạn Hyatt 5 sao gần sân bay Schiphol của Amsterdam, mà chúng tôi từng ghé ở, cũng chẳng kém hơn.

Về sau, có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ Việt Nam từng theo học về du lịch, khách sạn ở Thụy Sĩ, được biết dịch vụ du lịch và khách sạn của nước này được đánh giá rất cao. Tốt nghiệp hai ngành này từ những trường Thụy Sĩ thì không bao giờ phải chịu cảnh thất nghiệp cả.

Ngọc Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây