Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Lênh đênh một kiếp người

(SGTT) – Thập niên 1990 không khó để bắt gặp hình ảnh chiếc xích lô trên mọi nẻo đường. Theo vòng xoay của thời gian, “nghề xích lô” dần lui về trong ký ức nhường chỗ cho các phương tiện hiện đại. Ấy nhưng, vẫn còn đó những con người “bám víu” vào khối sắt ba bánh vừa cồng kềnh lại chậm chạp, tìm kế sinh nhai cầm cự qua ngày, chẳng dám nghĩ đến ngày mai.

Không biết từ khi nào, khu vực Công viên Thăng Long, quận 5 là nơi tập trung của những người hành nghề xích lô. Không phải là để chở khách du lịch, cũng không phải nghỉ ngơi trong lúc làm việc mà là đợi người kêu chở hàng và chờ cơm từ thiện.

Xích lô không còn để chở khách

Cứ đến 19:00 hằng ngày, một góc công viên trở nên nhộn nhịp với đủ mọi thành phần xã hội như người vô gia cư, trẻ bụi đời, người lang thang và vài chiếc xích lô cũ kỹ. Chú Hùng (56 tuổi) đạp xe một cách nặng nhọc, chậm rãi tấp vào mép đường trống, đôi tay cháy nắng chai sạn sắp xếp lại đống đồ ngổn ngang được chú lượm được trên đường. Nào thùng xốp, nào bao bố được cột cố định chắc chắn bằng dây thừng.

Nhìn chú cặm cụi xếp cẩn thận tôi tự hỏi trong lòng tại sao chú có thể di chuyển được khi đồ đạc chất cao cả phía trước và sau khiến che cả tầm mắt người chở?

Chiếc xích lô đã cũ chất đầy đồ của chú Hùng (56 tuổi). Ảnh: Hà Xuyên

So với dòng người tấp nập đi qua, tiếng còi xe inh ỏi không ngớt, chú ngồi im một góc, vừa nhỏ bé lại vừa cô đơn. Cũng phải, ở cái tuổi đáng lý nên được vui vẻ bên con cháu thì chú lại không nhà, không gia đình, một mình ngược xuôi kiếm sống qua ngày cùng chiếc xe xích lô đã cũ.

Ban ngày, chú đi lượm ve chai hoặc chở hàng theo yêu cầu của người ta, tối đến thì tấp vào chỗ nào đó đợi cơm từ thiện rồi lại đi tiếp, tiện chỗ nào thì ngủ chỗ đó. Ngày qua ngày như một vòng lặp. Rất nhiều con đường in dấu bánh xe chú, vì tuổi cao nên chỉ đi được một lúc lại phải dừng nghỉ mệt rồi mới có thể đi tiếp.

Tôi không dám hỏi chú quá nhiều về cuộc sống trước đây vì nhìn vào đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn kia ai nào nỡ một lần nữa chạm vào góc khuất sâu “cuộc đời chú gập ghềnh nhiều lắm, mưu sinh mà”.

Tôi hỏi chú sao không tham gia nghiệp đoàn, chở khách đỡ vất vả mà lương cũng ổn định hơn? Im lặng một lúc, chú lắc đầu trải lòng: “Nói thật với con nghe, lúc trước chú cũng làm nhưng… chạy nghiệp đoàn thì người ta ăn chặn tiền rồi, đến được mình cũng không còn nhiêu hết. Mà giờ dịch giã vậy, khách cũng không có nên thôi giờ ai kêu chở gì mình chở đó. Lúc trước chú cũng có thuê trọ mà giờ… tiền chẳng đủ nên thôi”.

Người ngồi trên chiếc xích lô tróc hết sơn bị gỉ sét từ lúc nào, đang ăn vội suất cơm từ thiện là chú Tài, 50 tuổi ngụ tại quận 6. Cũng giống như chú Hùng, có khác là chú may mắn hơn vì sức khỏe còn tốt và thuê được một phòng trọ bé để ngủ.

Những người đạp xích lô ở đây không có nhiều sự lựa chọn: hoặc chở hàng hoặc “vất vưởng” trước công viên đợi cơm từ thiện, lâu lâu thì có người dúi vào tay vài đồng. Quay ngược về quá khứ, nghề này từng nuôi sống biết bao nhiêu mảnh đời, có người trở nên khá giả nhưng thời điểm hiện tại nó là cái nghề “chỉ toàn người già không ai thuê”, là hiện thân của sự nghèo đói và tăm tối.

Đương cuộc nói chuyện, chú tạm biệt rồi lại lê con xích lô già cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc từ từ hòa vào dòng người tứ phương. Nhìn theo bóng lưng đã đi qua hơn nửa đời người nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi của cuộc sống, tôi bất giác thấy xót xa.

Ở thành phố rộng lớn này không khó để bắt gặp người nghèo khổ “dưới đáy của xã hội”, vất vả bươn chải chạy ăn từng bữa mà không dám nghĩ về tương lai vì đối với họ tương lai chính là thứ vừa đáng sợ vừa vô định.

Nhưng dù vậy, những người như chú Hùng hay chú Tài dẫu cuộc sống vất vả với trăm mối lo cũng không bán rẻ danh phẩm của mình hay làm những việc trái pháp luật, mà đều là những người lao động chân chính, dùng chính sức lao động của mình để nuôi sống bản thân. Tôi chỉ hy vọng, sau này, cuộc đời sẽ đối đãi dịu dàng hơn với những người như họ.

Xích lô từ lâu không còn được sử dụng như phương tiện đi lại mà chủ yếu dùng để chở khách du lịch tham quan. Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch bị đóng băng, nhiều người đạp xích lô phải chuyển nghề sang chở hàng hóa để kiếm kế sinh nhai, tập trung nhiều ở quận 5, 6, 11. Phần lớn những người đạp xích lô tuổi đều đã cao, thu nhập không đủ để nuôi sống bản thân.

Không có ánh sáng xuất hiện cuối con đường

Tiếp xúc với các chú đạp xích lô ở đây, tôi nhận ra mỗi người đều có riêng cho mình một câu chuyện đến với nghề nhưng điểm chung lại là không ai có thể bỏ nghề mà có muốn đổi nghề thì cũng không thể vì theo lời chú Hà (54 tuổi) thì: “bây giờ muốn đổi cũng đâu đổi được, mình cũng đi xin làm bảo vệ nhưng thấy mình già nên không có nhận mà chạy xe công nghệ thì mình không có bằng lái, cùng đường mới quay lại cái nghề này, ai kêu gì chở đó kiếm được nhiêu hay bấy nhiêu”.

Ai lại không muốn cuộc sống mình sung túc hơn nhưng “nghề chọn người chứ người đâu có chọn nghề” nên thôi đành chấp nhận. Người may mắn thì là dân gốc ở đây có nhà nên không lo chỗ ngủ nghỉ, người kém may mắn đành phải chấp nhận “ngủ bờ ngủ bụi” cho qua đêm lạnh sáng mai dậy lại tiếp tục mưu sinh. Vậy nên không có gì ngạc nhiên trước hình ảnh cứ đêm xuống, trước cửa mái hiên lại có đến hai ba chiếc chăn được quấn kín người rồi khi bình minh chưa lên lại lục đục thức giấc để không thôi bị chủ tiệm đuổi đi.

Một chú đạp xích lô đang đợi cơm từ thiện. Ảnh: Hà Xuyên

Gần hai năm cả thế giới oằn mình chống dịch, những người đạp xích lô vốn khó khăn nay lại khó khăn gấp bội. Nhiều người không nhà, trong mùa dịch không biết ở đâu, lang thang ngoài đường thế là bị bắt. Nghe kể chỉ thấy đáng buồn hơn là đáng trách.

Ngoài bám víu vào con xe ba bánh di chuyển chậm chạp, kế sinh nhai duy nhất, thì mấy chú ở đây chẳng biết làm gì mà sống. “Được lúc nào hay lúc đó” là câu trả lời tôi nhận được nhiều nhất. Nếu không có ai thuê, thì mọi người sẽ ngồi ở công viên, đợi cơm từ thiện ba bữa, vậy là xong một ngày. Mà cơm từ thiện cũng phải tranh nhau, ai nhanh chân thì có phần ai chậm thì thôi xác định hôm đó bụng đói. Thật là cũng chẳng dễ dàng gì.

Tôi đã được tận mắt chứng kiến, ngoài từ sốc ra chẳng biết phải diễn tả như nào về cảnh tượng đó. Khi thấy có người giao cơm đến, một nhóm người chạy nhanh tới giành nhau từng xuất cơm đến mức người giao cơm cũng hoảng rồi phóng lẹ sau khi xong việc. Đến miếng ăn còn bữa đói bữa no thì làm gì nghĩ được chuyện khác?

Có người nói Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ, cũng có nhiều người cho tiền cớ sao cuộc sống của họ cứ mãi túng quẫn? Cứ cho không như vậy thì họ dần quen sinh ra ỷ lại mà trở nên lười nhác thì sao? Chúng ta không phải người trong cuộc nên chúng ta không thể biết họ đã trải qua những gì?

Tôi không có ý bênh vực cho bên nào, chỉ là tôi nhớ đến lời thoại trong một bộ phim rằng “Cuộc đời này không công bằng lắm đâu. Có người cả đời phải đi trên những con đường lởm chởm. Cũng có những người chạy thục mạng mà cuối đường lại là vách đá”. Chẳng ai lại muốn đi nhận những suất cơm từ thiện đó mãi, cũng chẳng ai muốn buộc phải bỏ lòng tự trọng của mình đi để nhận tiền từ người khác cả. Chỉ là cuộc sống này đôi khi dồn con người ta vào đường cùng, chẳng biết làm sao, tiến không được mà lùi cũng không được, bị kẹt lại mãi một chỗ không biết lúc nào mới có thể thoát ra.

Còn mấy tháng nữa là Tết nhưng không ai trong họ dám mơ về một cái Tết đầm ấm như bao người mà họ chỉ mong hôm nay có no hay không, có ai gọi chở hàng hay không?

Hà Xuyên

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cuộc sống của nữ giáo viên tiếng Anh trong mùa dịch...

0
(SGTT) - Cô Đặng Thị Hồng Phúc là giáo viên dạy IELTS tự do tại nhà và ở một trung tâm tiếng Anh tại...

Tuổi trẻ thêm ý nghĩa khi được tham gia chống đại...

0
(SGTT) - “Có những ngày số ca tăng rất nhanh, nhiều khi test 50 người mà đã 49 người là F0 rồi, xe cấp...

Sài Gòn những ngày tháng không thể nào quên trong đại...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, vào những tháng hè năm 2021, đại dịch Covid-19 lan nhanh khắp mọi ngõ ngách của đời sống và tàn...

Từ hiện tượng “Hội những người ghét cha mẹ”: Phụ huynh...

0
(SGTT) - Sau những lùm xùm trên mạng xã hội, thật khó khăn để tôi có thể len lỏi vào “Hội những người ghét...

Những ngày khó quên của sinh viên đi chống dịch

0
(SGTT) - Khoảng thời gian cùng chung tay với đội ngũ y bác sĩ để hỗ trợ và góp sức cho công tác phòng...

Những con người nỗ lực vươn mình sau đại dịch

1
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 ập đến và lấy đi nhiều thứ trong cuộc sống của người dân trên khắp cả nước. Những giọt...

Kết nối