Thứ Hai, Tháng Mười 7, 2024

Những cơn “sóng” trong lòng công nhân

(SGTT) - Nhiều công nhân quay trở lại làm việc, bám trụ mưu sinh trong bầu không khí phẳng lặng, ngột ngạt, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Đó là “những cơn sóng lặng trước bão lớn” mà họ phải đối mặt và khát khao vượt qua, bởi còn việc để làm vẫn đỡ hơn thất nghiệp và nhiều tháng liền không có thu nhập.

Những ngày không quên

Làm việc trong mùa Covid, ai cũng lo. Lo bản thân nhiễm bệnh, lo mình lây bệnh cho người khác. Đó là nỗi lo chung không riêng những công nhân lao động. Nhưng với nhiều công nhân, được quay lại làm việc là được trao cơ hội để thoát khỏi hàng tá nỗi lo khác.

Chị Nguyễn Thị Kim Huệ, 38 tuổi, giữ chức vụ kỹ thuật chuyền may, quản lý một chuyền gồm 30 công nhân ở Công ty Neobags. Ngày công ty điện thoại gọi chị quay lại làm việc, chị khó chối từ. Một phần lý do là vì trách nhiệm, nhiều phần là vì tình cảnh hiện tại của gia đình còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh bùng phát, chồng chị mất đi công việc hiện tại, dự định học lấy bằng lái xe tải để rẽ hướng sang một nghề khác cũng tan tác. Một mình chị gồng gánh kinh tế cho cả gia đình bốn miệng ăn.

Thêm vào đó, chi phí cho việc học của các con cũng gây áp lực không nhỏ lên đôi vai của chị. Những ngày không quên với chị là những ngày công ty cho tạm nghỉ gần hai tháng, với mức lương mỗi tháng nhận được chỉ bằng một nửa lương cơ bản. Hai tháng đó như dài đằng đẵng. Nghỉ việc ở nhà, tay chân được nhàn hạ nhưng tâm trí chị luôn bận rộn với nhiều nỗi lo.

Ngày quay lại làm việc công ty chuyển chị lên chi nhánh ngoài tỉnh nơi gia đình hiện sinh sống. Xa nhà, nhớ nhà nhưng ngày nghỉ chị cũng không dám về thăm con vì lo sợ chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh, sẽ vô tình lây bệnh cho con. Khối lượng công việc dồn dập vì công ty giới hạn số người quay lại làm, không gian làm việc lại ngột ngạt, bức bối, nhiều lần chị mệt mỏi thế nhưng chưa bao giờ chị muốn bỏ cuộc.

“Cứ 1 tuần công ty cho test nhanh Covid-19 tới 2-3 lần, lần nào đợi kết quả cũng hồi hộp, lo sợ hết.  Mặc dù tiêm 2 mũi vắc-xin, luôn đeo khẩu trang nhưng mình cũng cầu trời… mong vẫn khỏe để tiếp tục làm việc”, chị nói.

Chị Huệ trong ngày quay lại công việc. Ảnh: NVCC

Gần 6 năm nhọc nhằn gắn bó nghề làm gốm tại doanh nghiệp Mỹ Đức Hưng (ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã mang lại nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống anh công nhân Lê Độ. Bố mẹ đều đã qua đời, đa số anh, chị ruột thì lập gia đình và làm ăn ở nhiều khu vực, tỉnh thành khác nhau, anh sống một mình trong căn nhà cũ kỹ, tối om. Mọi ngày, anh vẫn đều đặn theo dõi tình hình bệnh dịch của đất nước và hỏi thăm tin tức của người thân trong vùng dịch. Với anh, những ngày không quên được là những ngày cặm cụi ngồi ghi chép lại từng thông tin về dịch bệnh vào quyển vở nhỏ. Đó có lẽ là một trong những cách giản đơn và khả thi nhất, giúp anh có được cảm giác “tự chủ” trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh.

Quyển vở anh Độ dùng để ghi chép chi tiết tình hình dịch bệnh. Ảnh: MT

Đến nay đã hơn 2 tháng, anh Độ đã quay lại làm việc sau thời gian công ty cho tạm nghỉ.  “Mình chưa có thuốc trị thì mình phòng là chủ yếu. Mình giữ khoảng cách nè, sát khuẩn, sử dụng kháng sinh thực vật như tỏi, gừng,.. để tăng sức đề kháng”, anh nói.

Anh Độ mở xem lại từng trang. Ảnh: MT

Lạc quan là liều vắc-xin “xịn”

Những công nhân quay lại làm việc hầu hết là những người đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Trong thời điểm hiện tại, nó được xem là lá chắn hữu hiệu nhất trước dịch bệnh và là thứ trang bị tương đối vững vàng để những công nhân yên tâm quay lại với công việc. Khi trò chuyện với họ, tôi còn phát hiện một loại vắc xin “xịn”, đã ngấm trong suy nghĩ của những người lao động chân chất và nay phát huy tác dụng hữu ích cho xã hội - đó là sự lạc quan.

Tìm đến dãy trọ cho công nhân lao động ở ấp An Hương 1, xã Mỹ An, tỉnh Vĩnh Long, tôi gặp anh Trần Đức Thịnh, công nhân “bỏ rọ” tại Công ty Bê tông Hùng Vương.

Lần công ty gọi để quay lại công việc, anh không ngần ngại nhận lời. Không gian làm việc ngày trở lại chỉ gồm 4-5 người, luôn được trang bị xịt khuẩn, khẩu trang y tế và mỗi người làm việc cách nhau 1-2m, nhưng nguy cơ lây nhiễm trong công nhân là luôn tiềm tàng bởi công nhân ngoài thời gian làm việc cũng có đời sống riêng và sự tiếp xúc trong phạm vi gia đình- xã hội là nằm ngoài khả năng của quản lý của công ty.

Anh Thịnh tự chuẩn bị bữa ăn cho ngày mai. Ảnh: MT

Từ khi quay lại làm việc, công ty anh cũng xuất hiện công nhân F0, nhưng nhờ luôn xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho toàn thể công nhân đều đặn 1-2 lần/tuần nên ca nhiễm ngay lập tức được phát hiện và đưa đi cách ly. Khi hỏi rằng có cảm xúc gì khi biết rằng có F0 trong công ty, anh vừa cười xòa vừa trả lời: “Cũng bình thường à, đâu có gì đâu, tại mình đã tiêm 2 mũi, trước khi vô công ty làm cũng đi trực cách ly ở Bình Tân [Vĩnh Long] một thời gian nữa, nên cũng có kiến thức”.

Anh nói thêm “Giờ ở đâu cũng có dịch, mình cũng không sợ nữa”. Sự chuẩn bị kiến thức từ trước và hơn hết là thái độ bình tĩnh, lạc quan, đã giúp ích rất nhiều cho “ngày trở lại” của nhiều công nhân.

Cùng dãy trọ, chị Võ Thị Thanh Tuyền, công nhân may ở Công ty NeoBabgs cũng có những chia sẻ thành thật: “Ở nhà chị không quen, chị cũng sợ mất việc”.

Với chị, còn có việc để làm đã là một niềm may mắn và chị quyết bám trụ lấy công việc bất chấp những nguy cơ bị lây nhiễm: “Hầu như ai cũng vậy, tại mình không biết người nhà họ có đi đâu, tiếp xúc đâu, nên ai cũng sợ bị dính [Covid-19] nhưng chị nghĩ biện pháp của công ty cũng có ích.

Chị Tuyền khi kể về những “dự định” tương lai. Ảnh: MTTrong những căn trọ nhỏ, biết bao dự định “lớn lao” về tương lai đã được nhen nhóm, trong những tháng ngày thui thủi, quẩn quanh chỗ làm, chỗ trọ, biết bao khát khao đoàn tụ, kề cận cùng gia đình đã không ngừng cháy bỏng.

Thái độ lạc quan và trạng thái không lơ là của những công nhân lao động đã giúp họ vượt qua được những ngày tháng khó khăn và góp phần tạo động lực để đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện thời.

Lê Nguyễn Minh Thu

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối