(SGTT) – Huế tái hiện Lễ dựng nêu (hay còn gọi là Thướng Tiêu) xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên Đán Xuân Nhâm Dần.
- Huế mở không gian giới thiệu sản phẩm tiêu biểu phục vụ Tết Nhâm Dần
- Tục cúng ông Công ông Táo tại Cố đô Huế
Trong khuôn khổ các hoạt động mừng Xuân, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022 tại Hoàng cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ dựng nêu(Thướng Tiêu) vào ngày 25 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu) tại Triệu Miếu - Thế Miếu, Đại Nội.
Đây là nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn.
Cây nêu là cây tre già dài 15m, do các lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình thực hiện, cây nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc. Tục lễ dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời.
Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên Đán.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Lễ dựng nêu ngày Tết tại Hoàng Cung là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào sáng mồng 7 tháng Giêng, sau lễ hạ nêu thì mọi công việc mới khởi sự.
Lễ dựng nêu là một hoạt động văn hóa truyền thống giúp du khách trong và ngoài nước hiểu thêm phần nào nét văn hóa của Tết cổ truyền người xưa.
Hiếu Trương