Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 116/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch trên địa bàn huyện Kon Plông.
- Phát triển du lịch xanh từ văn hóa bản địa tại làng Vi Rơ Ngheo, Kon Tum
- Chàng trai Kon Tum với khát khao phát triển bộ môn dù lượn ở quê hương
Theo báo Kon Tum, UBND tỉnh vừa công nhận làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông là điểm du lịch. Đồng thời giao UBND huyện Kon Plông thực hiện việc quản lý điểm du lịch làng Vi Rơ Ngheo theo quy định hiện hành.
Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ, hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xơ-đăng. Hiện nay làng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ.
Với phong cảnh đẹp và văn hóa truyền thống được lưu giữ khá đầy đủ, từ năm 2020, làng Vi Rơ Ngheo được UBND huyện Kon Plông đưa vào kế hoạch phát triển xây dựng thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng với định hướng phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa.
Đến nay, các hạng mục giao thông, địa điểm tham quan dã ngoại, cơ sở lưu trú, phục vụ ẩm thực, đội nghệ nhân cồng chiêng đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ các hoạt động du lịch tại làng.
Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đi về phía Tây Bắc tầm 40km theo tỉnh lộ 676 đến cầu Măng Bút, sau đó rẽ vào đường liên thôn 7,5km nữa là đến làng Vi Rơ Ngheo, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác.
Làng Vi Rơ Ngheo nằm ở độ cao 1.250m so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi Ngọc Măng Chu ở phía Nam, Ngọc Ki Ruông, Ngọc Chăng ở phía Tây, còn ở phía Đông và Bắc là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp bên những cánh rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, người Xơ-đăng thường chọn những nơi có sông suối hữu tình, những cánh rừng già nguyên sinh chở che để lập làng và Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cũng là ngôi làng như thế.
Điều khiến ngôi làng nhỏ này trở nên đặc biệt là người dân có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, gìn giữ môi trường sống sạch sẽ và giữ rừng để làm du lịch.
Đăng Huy