Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lâm Đồng cấm cắm trại tự phát: Du khách ‘tiếc’, doanh nghiệp ‘chờ hướng dẫn hỗ trợ’

(SGTT) – Trước thông tin Lâm Đồng ban hành văn bản cấm cắm trại tự phát, nhiều du khách tỏ ra khá tiếc nuối, còn các đơn vị tổ chức tour du lịch dã ngoại cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để được hướng dẫn hỗ trợ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản số 1624/SVHTTDL- QLDL ngày 1-9-2022, đề nghị các huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường kiểm tra rà soát, không cho phép các công ty lữ hành, khách du lịch tự tổ chức các hoạt động, chương trình du lịch, tham quan dã ngoại tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở.

Hoạt động cắm trại được nhiều du khách ưa chuộng khi đến Lâm Đồng. Trong ảnh, du khách cắm trại tại cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Ảnh: Nguyễn Phong

Du khách ‘tiếc’, doanh nghiệp ‘chờ hướng dẫn hỗ trợ’

Đại diện Lạc Tour, đơn vị tổ chức tour du lịch dã ngoại tại Lâm Đồng, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị “Hiện đơn vị không bị ảnh hưởng trước thông tin trên. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu vô cùng tích cực cho du khách nói riêng và du lịch Lâm Đồng nói chung, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham quan. Chúng tôi đang chủ động tìm hiểu cụ thể thông tin, liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để được hướng dẫn hỗ trợ”.

Anh D.T, hướng dẫn viên có 5 năm kinh nghiệm tại TP Đà Lạt, cho biết “Tiếc, nhưng trước giờ cắm trại qua đêm vẫn không được cấp phép ở Lâm Đồng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh và sức khỏe. Tuy nhiên, việc chỉ đạo quyết liệt của ngành du lịch tỉnh lần này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng văn minh, thân thiện và an toàn”.

Khi được hỏi về cảm xúc trước thông tin Lâm Đồng cấm cắm trại tự phát, anh Nguyễn Thanh Tuấn, du khách đã có hơn 7 năm trải nghiệm du lịch cắm trại tại hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước, chia sẻ “Buồn vậy, Lâm Đồng có rất nhiều điểm cắm trại rất đẹp. Nhưng sau quyết định này, du khách nên xem lại mình, chắc chắn có lý do gì đó chính quyền mới cấm”.

Đó có thể là xả rác, chặt phá cây cối hoặc các yếu tố về an ninh xâm phạm tài sản người dân, tổ chức hát karaoke ồn ào… cho đến những vấn đề về an toàn như mưa, lũ cuốn… mà du khách chưa có kinh nghiệm ứng phó, anh Tuấn nói thêm.

Anh Tuấn chia sẻ địa điểm cắm trại phải là một nơi an toàn, có cảnh đẹp để người trải nghiệm thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất nơi đó phải an toàn, đảm bảo chuyến đi được trọn vẹn và hạn chế tối đa rủi ro.

“Dù vậy, phần lớn du khách thích cắm trại lại chuộng những nơi hoang sơ, không có người quản lý, ít người tại khu vực đó. Theo đó, sẽ có một chút không an toàn, không sạch sẽ, nhưng đổi lại sự riêng tư, tự do và không mất phí. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể lập các khu giống như công viên miễn phí, cho phép cắm trại, có nhân viên vệ sinh hàng ngày và hỗ trợ du khách khi cần thiết. Dù gì, những người đi cắm trại tự do cũng là du khách, cũng có nhu cầu mua sắm, chi tiêu, ủng hộ bà con bản địa”, anh Tuấn bộc bạch.

Cũng theo anh Tuấn, đây cũng là cơ hội để cho các đơn vị du lịch, homestay… mở các dịch vụ glamping (cắm trại dịch vụ). Tuy nhiên, các khu glamping hiện giờ khá ít, đông đúc và ồn ào vào dịp cuối tuần nên du khách chưa có được trải nghiệm trọn vẹn như mong muốn.

Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hàng trăm khu, điểm du lịch ở thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc…

Trong đó, nhiều khu du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tới trải nghiệm có tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm, du lịch dã ngoại trong rừng, như Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Khu du lịch Thác Datanla, Khu du lịch Rừng Madagui…

Lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp cận du khách mắc kẹt giữa rừng tại Lạc Dương vào ngày 30-8 vừa qua. Ảnh: Đức Thảo/Công Thương.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ yếu do diễn biến phức tạp của thời tiết, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc với du khách.

Điển hình như vụ ba du khách người Anh tử vong khi tham gia tour du lịch mạo hiểm ở thác Datanla năm 2016; vụ nam phượt thủ tử vong do lạc đường khi chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng năm 2018 hay vụ lũ cuốn trôi bốn du khách, làm hai người tử vong khi tham gia tour du lịch leo núi ở Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà năm 2020…

Mới đây nhất, ngày 30-8-2022, lực lượng chức năng đã phải dùng dây cáp căng qua suối khi lũ về để giải cứu 10 thiếu niên địa phương tự ý tổ chức chuyến dã ngoại ở khu vực con suối chảy về Nhà máy thủy điện Ankoret ở huyện Lạc Dương.

Đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa mưa, lũ

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và các khu, điểm tham quan du lịch tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách tham quan tại các đơn vị, chú ý các khu hồ, thác, sông, suối… và hệ thống giao thông nội bộ.

Lực lượng chức năng khoanh vùng, tăng cường quản lý toàn bộ diện tích được giao bảo vệ, khai thác và kinh doanh để kiểm soát tình hình tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là đối với các chương tình tour, tuyến dành cho khách tham gia các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm.

Ngành du lịch Lâm Đồng đưa ra kế hoạch đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa mưa, lũ. Trong ảnh, đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt ngập sau trận mưa to chiều ngày 1-9 vừa qua. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Các đơn vị kinh doanh du lịch được yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại đơn vị.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch không tổ chức, đưa khách đi trên các phương tiện đường bộ, đường thủy không đảm bảo kỹ thuật, an toàn, đồng thời bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp, đã qua đào tạo để hướng dẫn phục vụ du khách, nhất là các chương trình du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm…

Các công ty kinh doanh lữ hành, ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, phải thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp đồng đã ký kết.

Trước khi tổ chức các chương trình du lịch, các công ty phải thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết để kịp thời khuyến cáo đến khách du lịch và chỉ tổ chức các chương trình thể thao, thể thao mạo hiểm phục vụ khách du lịch khi được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

Nguyễn Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Khung cảnh suối Tía lọt top 10 bức ảnh đẹp nhất...

0
(SGTT) - Bức ảnh chụp từ trên cao tại Suối Tía, thành phố Đà Lạt, của tác giả Nguyễn Khánh Vũ Khoa được chọn...

Trải nghiệm cắm trại ven sông, hồ gần TPHCM vào mùa...

0
(SGTT) - Vào những ngày nắng nóng, các địa điểm cắm trại ven sông, hồ gần TPHCM được nhiều người tìm đến. Các trải...

Đỗ quyên khoe sắc giữa núi rừng Putaleng

0
(SGTT) - Những ngày tháng 3, hoa đỗ quyên bắt đầu bung nở trên dãy Hoàng Liên Sơn. Trong đó, đỉnh Putaleng nổi tiếng...

Ngắm rừng Đa Mân mùa thay lá

0
(SGTT) - Đầu tháng 3, khu rừng Đa Mân, thuộc thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đang vào mùa thay lá...

Rừng đỗ quyên cổ thụ khoe sắc hoa nơi Tây Côn...

0
(SGTT) – Được xem là “nóc nhà Đông Bắc”, đỉnh Tây Côn Lĩnh cao khoảng 2.428m, nằm trên địa phận huyện Hoàng Su Phì...

Kết nối