Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đẩy mạnh khai thác, phát triển loại hình “du lịch văn hóa”, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, thu hút đông đảo khách đến tham quan, báo Kon Tum đưa tin.
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống, các loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế.
Công tác bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng… cũng được địa phương quan tâm. Ngành du lịch tỉnh đã xây dựng các khu trưng bày, không gian văn hóa các dân tộc thiểu số; xây dựng các tour hướng dẫn nghệ thuật chế biến món ăn đậm nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách. Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, đều là những sản phẩm mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, thu hút sự quan tâm của khách du lịch.
Qua đó, các sản phẩm du lịch góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, truyền thống lịch sử – văn hóa của cộng đồng các dân tộc Kon Tum với những nét riêng biệt, độc đáo.
Đối với du lịch văn hóa – tôn giáo, Kon Tum có các sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch văn hóa – tâm linh kết hợp tham quan các công trình văn hóa tôn giáo chùa Khánh Lâm – Măng Đen; Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục Kon Tum.
Du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng với hệ thống các điểm du lịch độc đáo như Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum; Khu di tích lịch sử Ngục Đăk Glei; Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen…; cầu treo Kon Klor và hệ thống tượng nhà mồ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tượng dân gian Tây Nguyên; Di tích lịch sử Điểm cao 1015, 1049.
Cùng với các điểm đến văn hóa, lịch sử, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn được khám phá, tìm hiểu những hoạt động trong đời sống thường ngày của người dân, những tập tục xa xưa.
Về du lịch sinh thái, tỉnh chú trọng phát triển loại hình du lịch tham quan, dã ngoại như Vườn quốc gia Chư Mom Ray, điểm du lịch thác Pa Sỹ – Măng Đen, điểm du lịch Hồ Đăk Ke – Măng Đen…
Đối với du lịch cộng đồng, du khách được thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, trong đó toàn tỉnh có các điểm du lịch cộng đồng được công nhận, đó là làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum); điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum); điểm du lịch hồ Đam Bri; thác Pa Sỹ; làng Văn hóa – du lịch Kon Pring; điểm du lịch nhà máy rượu vang sim; Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); điểm du lịch sinh thái Êban Farm; Thiện Mỹ Farm (xã Măng Cành, huyện Kon Plông); làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông).
Được biết, ngành du lịch tỉnh Kon Tum đang tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch văn hóa, qua đó góp phần phát triển lĩnh vực du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đăng Huy