Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Kinh nghiệm đi cắm trại gần TPHCM vào cuối tuần

(SGTT) - Những ngày nghỉ cuối tuần, anh Võ Công Danh phượt một mình vào rừng sâu và hạ trại để tìm cảm giác thư giãn. Còn anh Hứa Triển Xuân muốn trải nghiệm đón ngày mới trên đỉnh núi Chứa Chan.

Đầu tháng 1-2023, anh Võ Công Danh, 42 tuổi, ngụ quận 6, đã có chuyến đi cắm trại trong rừng một mình. Trước chuyến đi việc đầu tiên của anh là xác định nơi sẽ đến cắm trại và quãng đường sẽ đi, từ đó sẽ xác định được đồ đạc cần mang theo.

“Thông thường trong những ngày nghỉ cuối tuần thì chọn điểm đến cách TPHCM dưới 200km là phù hợp nhất, có thể ví dụ vài địa danh như núi Dinh, suối Đạ Huoai, suối Đạ Ploa, suối La Ngâu, biển Hồ Cốc… thuộc các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng. Những nơi này khung cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, có những nơi khá vắng vẻ, phù hợp cho việc cắm trại một mình”, anh Danh chia sẻ.

Khu vực này ở gần Hồ Cốc, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh chọn nơi này vì không gian thoáng mát, vắng vẻ, yên tĩnh.  Ảnh: NVCC

Thứ hai là phương tiện, với khoảng cách này thì hầu như những chiếc xe máy hiện tại đều có thể đi về bình thường. Chú ý là nếu người trải nghiệm muốn đi sâu vào rừng thì phải chuẩn bị thêm bình xăng dự phòng và bộ vá lốp xe khẩn cấp kèm bơm hơi sạc pin.

Khi đến nơi, du khách nên liên hệ trước và xin số điện thoại của những người dân sống gần đó để đề phòng các trường hợp hư hỏng xe bất ngờ có thể gọi giúp đỡ hoặc cầu cứu. Ngoài ra khi di chuyển, du khách nên tính toán để di chuyển vào ban ngày, hạn chế lái xe trong đêm, nhất là chạy vào trong rừng.

Thứ ba là các trang bị đi cắm trại, người đi cần chuẩn bị chỗ ngủ, bếp, dụng cụ nấu nướng, thức ăn và nước uống phù hợp với số ngày ở trong rừng, quần áo và các vật dụng vệ sinh cá nhân. Quan trọng nhất là một túi sơ cứu nhỏ với thuốc sát trùng, bông băng, thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu chảy…

Trang bị cần gọn nhẹ nhất có thể gồm lều, túi ngủ, võng, tấm lót ngồi, bếp titan gấp gọn, dao nhỏ, cưa xếp, rựa nhỏ, cạp lồng (dùng thay nồi nấu ăn), bộ muỗng nĩa xếp gọn, đèn chiếu sáng, đèn đeo đầu, sạc dự phòng… Ngoài ra còn có thực phẩm, gia vị và nước uống.

"Người bạn" đồng hành cùng anh Danh qua nhiều nẻo đường. Ảnh: NVCC

Tương tự anh Danh, anh Hứa Triển Xuân, 37 tuổi, ngụ quận Bình Tân, quyết định "chạy trốn" Sài Gòn đông đúc hối hả vào cuối tuần. Anh theo chân một nhóm bạn leo núi Chứa Chan, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách TPHCM khoảng 120km. Thời gian chinh phục đỉnh núi theo sức khỏe người bình thường là ba tiếng. Hai hướng leo cơ bản là đường chùa và đường cột điện.

15:30 giờ, anh Xuân bắt đầu leo từ cột điện số 1 đến cột 130 dừng lại lấy nước trong giếng gần đó để lau đi mồ hôi ướt đẫm trên người. Cả nhóm không ai đi nhanh, chia thành từng chặng ngắn, mệt thì dừng chân dưới bóng mát uống nước nghỉ ngơi lấy sức.

Mỗi người mang theo một chai nước lớn. Cũng chính những đoạn nghỉ ấy, mọi người trong đoàn nhắc về những ngọn núi đã từng qua, so sánh cảm giác của lần này và lần trước. Leo đến cột điện 145, cả nhóm dừng chân hạ trại. Nơi này theo anh Xuân quan sát khá yên tĩnh, tách biệt. Nhóm được hỗ trợ miếng lót giữ nhiệt. Một vài người cùng nhau trải bạt giăng lều. Riêng anh Xuân cùng porter nhóm lửa để nướng thịt gà, heo, bò.

Anh Hứa Triển Xuân trên đỉnh núi Chứa Chan. Ảnh: NVCC

Khu lều được bố trí gần nhau để tránh gió. Đêm trên núi nhiệt độ xuống khá thấp nên mỗi lều đều được trải tấm cách nhiệt, mỗi thành viên cũng tự trang bị thêm mền, áo khoác giữ nhiệt, kem chống muỗi, đèn pin…

Ở khoảng cách xa thành phố, anh Xuân không nghe được tiếng xe cộ, nhưng anh cảm giác rất mãn nguyện khi lựa chọn chuyến đi này. Bên cạnh chi phí tầm 1 triệu/người khá rẻ, điều quan trọng là anh có được sự bình yên trong tâm hồn vào những ngày nhộn nhịp nhất trong năm.

Anh Xuân chia sẻ kinh nghiệm, du khách có thể tự đi xe máy để chủ động thời gian và tiết kiệm chi phí. Việc tự lái xe máy từ TPHCM đến núi Chứa Chan cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Du khách  đi theo hướng về Suối Tiên, đi thẳng về cầu Đồng Nai. Sau đó, người đi rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp và tiếp tục rẽ phải vào QL1A.

Anh Xuân cũng từng leo núi Dinh cùng bạn trước đó. Ảnh: NVCC

Từ quốc lộ, người đi chỉ cần chạy thẳng qua huyện Trảng Bom, ngã tư Dầu Giây, thành phố Long Khánh khoảng 25km nữa là đến ngã ba Ông Đồn. Sau đó, du khách rẽ trái vào đường Hùng Vương sẽ thấy biển báo hướng dẫn vào khu du lịch núi Chứa Chan. Từ đường nhựa đi vào khoảng 3,5km là đến chân núi.

Núi Chứa Chan ở độ cao 837m. Núi có hình vòng cung với ba ngọn đồi liên tiếp nhau như những chiếc bát úp. Miền Nam là nơi có không quá nhiều dãy núi cao bởi lẽ hầu hết những ngọn núi cao nhất Việt Nam đều tập trung ở vùng Tây Bắc. Thế nhưng, tại Đông Nam Bộ, chỉ sau núi Bà Đen, núi Chứa Chan có sườn dốc 30-35 độ, có chỗ dựng đứng, hàng năm thu hút nhiều người đến đây chinh phục.

Xung quanh núi Chứa Chan, nếu có thời gian, du khách có thể tham quan nhiều chùa như Bửu Quang, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn hay nhà nghỉ mát của toàn quyền Pháp, vườn trà vua Bảo Đại.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối