Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Không xây chợ mới trong nội thành TPHCM

TPHCM không có kế hoạch phát triển chợ truyền thống mà muốn đi sâu theo hướng kinh doanh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị... Nếu nhìn ra các nước trên thế giới, đây cũng là một xu hướng không thể tách rời khi kinh tế càng phát triển.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart, TPHCM. Ảnh Vũ Yến.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên bốn lĩnh vực cốt lõi: xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn - bán lẻ.

Bà Trang cho biết, quy hoạch sẽ không có việc xây dựng chợ truyền thống mới trong khu vực nội thành. Đối với các chợ hiện nay, thành phố sẽ đề ra giải pháp hoàn thiện các công trình phụ trợ như bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng… và nâng cấp, sửa chữa hạ tầng chợ đã xuống cấp.

Đối với ba chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, quy hoạch sẽ hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm, du lịch của khu vực phía Nam.

Sẽ có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu

Theo bà Trang, TPHCM trước đây chưa có quy hoạch này, chỉ có Quyết định 17 của UBND TPHCM ban hành quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2009-2015. Vì vậy, quy hoạch tổng thể ngành thương mại lần này sẽ cung cấp những dữ liệu cơ bản để doanh nghiệp tham khảo cũng như định hướng phát triển.

Theo đó, TPHCM sẽ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh, để đến giai đoạn 2025-2030 hình thành tối thiểu năm tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Đồng thời, thành phố phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch, khuyến khích phát triển giao dịch thương mại trên thiết bị di động, đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh.

Thêm vào đó, quy hoạch sẽ phát triển ba trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành; hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua địa bàn TPHCM được đặt tại các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, khu vực đầu mối giao thông liên tỉnh.

Nguy cơ bị thâu tóm

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu của Sở Công Thương TPHCM, cho biết thành phố có lợi thế về thương mại dịch vụ do có vị trí địa lý đặc biệt, có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ hạ tầng thương mại, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, vấn đề của ngành thương mại TPHCM là cơ sở hạ tầng kỹ thuật của kênh mua sắm hiện đại đã xuống cấp, quản lý lỗi thời. Việc hội nhập, giao thương kinh tế với nền kinh tế của khu vực và trên thế giới mở ra cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp, đối với ngành bán lẻ, thương mại trong nước.

“Nhiều nhà bán lẻ ngoại đầu tư chiếm thị phần dẫn đến cạnh tranh thị trường gay gắt và nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết về nguyên tắc, việc thành lập được càng nhiều tập đoàn bán lẻ trong nước để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài càng tốt. Tuy nhiên, điều này cần có sự định hướng, phân công hóa cho các tập đoàn bởi bán lẻ gồm nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh trên nhiều lĩnh vực của các tập đoàn, tạo thành sức mạnh tổng hợp. “Trên nguyên tắc là thành lập càng nhiều càng tốt nhưng theo tôi cũng cần cân nhắc xem bao nhiêu tập đoàn là vừa”, ông Đức nói thêm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, việc thành lập 5 tập đoàn bán lẻ của Việt Nam và mong muốn tái cơ cấu, chiếm lĩnh thị trường là cần thiết sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, hàng hóa các nước ASEAN, nhất là từ Thái Lan đang ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ nước ta. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất là thiếu kết nối giữa sản xuất và bán lẻ, tiêu thụ theo "chuỗi giá trị", trong khi nông nghiệp Thái Lan đã hình thành những công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong nông nghiệp. Để cạnh tranh có hiệu quả, bên cạnh việc nông nghiệp Việt Nam cần kết hợp giữa sản xuất và các tập đoàn bán lẻ; thì cần sớm vận dụng, đẩy mạnh công nghệ thông tin, bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà để giữ vững và mở rộng thị phần.

Vũ Yến

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối