Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

Khi “buôn” trên ứng dụng di động là chuyện bắt buộc

(SGTT) – Song song với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ngày nay xu hướng đa kênh đa nền tảng mới thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm cung ứng sản phẩm và dịch vụ trên ứng dụng di động.

Chị Đỗ Thị Kim Hồng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), chủ một doanh nghiệp tư nhân, hay dùng điện thoại vào các trang Lazada hay Tiki để đặt mua sản phẩm vì rất tiện. Mới đây, chị cũng đã vào trang Tiki.vn để tìm mua máy in cá nhân và thanh toán ngay trên chiếc iPhone 8 của mình. Trong khi đó, chị Võ Như Hằng, Giám đốc một công ty truyền thông có trụ sở tại quận 3, TPHCM, thường xuyên sử dụng điện thoại để vào Tiki.vn, Grab và Foody.vn để mua sách, gọi xe đưa, đón con đi học và gọi đồ ăn.

Dùng điện thoại thông minh để mua… hầu như mọi thứ

Theo tìm hiểu, các trang thương mại điện tử phổ biến hiện nay như Tiki, Lazada, Now… đều chú trọng phát triển nền tảng ứng dụng di động để cung cấp dịch vụ và bán hàng bên cạnh bản dùng trên máy tính.

Theo vị đại diện của Tiki, “buôn” trên ứng dụng di động là chuyện bắt buộc trong xu hướng hiện nay khi càng nhiều người tiêu dùng thích dùng điện thoại để mua sắm hơn vì những tiện lợi của nó. Ông Tridiv Vasavada, Phó Tổng giám đốc Công nghệ Cấp cao Tiki, đưa ra một số gợi ý mà doanh nghiệp có thể sử dụng để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng.

“Trong thế giới mở của Internet và điện thoại di động, người tiêu dùng có thể bình luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về sản phẩm, dịch vụ đã mua. Doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng và thu nhận những ý kiến phản hồi về một sản phẩm nào đó từ người tiêu dùng, từ đó có những cải tiến”, ông nói và đưa ví dụ riêng trên ứng dụng di động của Tiki App, công ty cũng tích hợp TikiLIVE, mang đến cơ hội tương tác trực tiếp giữa người dùng và nhà bán, từ đó giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng hơn.

… kể cả bảo hiểm

Không chỉ các doanh nghiệp thương mại điện tử cần nền tảng ứng dụng di động mà những ngành kinh doanh khác đều thấy sự quan trọng của chiếc điện thoại di động thông minh. Đơn cử là ngành bảo hiểm nhân thọ.

Vào Việt Nam mới được ba năm, nhưng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD đã liên tiếp tạo những “cú sốc” trong ngành bảo hiểm nhân thọ với những đột phá trong cách tiếp thị. Đây cũng là doanh nghiệp đi tiên phong phân phối sản phẩm thông qua trang thương mại điện tử bên cạnh các kênh phân phối truyền thống. Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng dễ dàng theo dõi hợp đồng bảo hiểm, FWD cũng đã cho ra mắt ứng dụng FWD Portal. Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng (app) về thiết bị di động của mình để theo dõi những thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

Được biết, với những động thái từ FWD, những doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi. Công ty bảo hiểm của Hàn Quốc Hanwha Life Việt Nam thiết lập bộ câu hỏi trắc nghiệm ngay trên nền tảng di động, nhằm tư vấn khách hàng sản phẩm phù hợp. Những công ty lớn như Manulife hay AIA thì áp dụng thanh toán trực tuyến ngay trên điện thoại dành cho khách hàng với những cam kết về bảo mật thông tin và tài khoản.

Tiềm năng để phát triển

Khảo sát chung trong cả nước của Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) cũng chỉ ra có khoảng 17% số doanh nghiệp cho biết có trang web phiên bản di động và tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệch nhiều trong vòng ba năm trở lại đây. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có trang web phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có 43% số doanh nghiệp cho biết đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quy trình mua sắm trên thiết bị di động, 31% số doanh nghiệp cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa, dịch vụ và 45% số doanh nghiệp cho biết có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.

Xét về mức đầu tư, xây dựng và vận hành trang web, ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư thương mại điện tử của doanh nghiệp thì có tới 62% số doanh nghiệp cho biết mới đầu tư dưới 20% trong tổng ngân sách đầu tư về thương mại điện tử và khoảng 9% doanh nghiệp đầu tư trên 50% ngân sách chung của thương mại điện tử.

Về phần người tiêu dùng, theo Sách trắng về thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố mới đây có đến 92% người dân sử dụng điện thoại di động để truy cập Internet. Thiết bị di động cũng là công cụ để đặt hàng trực tuyến phổ biến nhất với 81%, cộng với đó chủ yếu người dân vẫn sử dụng trang web thương mại điện tử để mua sắm với 74%, tiếp theo là mạng xã hội với 36%.

Điều này cho thấy việc phát triển thương mại điện tử trên các nền tảng di động được coi là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng. Vấn đề quan trong là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo các chính sách bảo mật liên quan đến thanh toán, thông tin và ứng dụng – những vấn đề nhạy cảm của thương mại điện tử. Đây cũng là điều mà chị Kim Hồng, Như Hằng quan tâm hiện nay.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Bán hàng trên Tiktok Shop có dễ thu tiền tỉ?

0
(SGTT) - Gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin một chủ kênh TikTok cho biết đã đạt doanh thu đạt trên 75...

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

2 tỉ đồng đã được chi để mua sô cô la...

0
(SGTT) – Năm nay, ngày lễ tình nhân (Valentine) rơi mùng 5 Tết âm lịch. Do đó, khách hàng có xu hướng đặt hàng...

Kết nối