Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Kéo khách hàng bằng tiêu chí “sạch”

Trước nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, nhiều cửa hàng, quán ăn đang hướng việc kinh doanh của mình đi theo tiêu chí này, từ rau xanh, hải sản đến thịt gia súc, gia cầm…

Từ quán cơm

Tình trạng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại bủa vây khắp nơi khiến người tiêu dùng lo ngại, từ gạo đến rau củ quả và cả hải sản đều có chứa chất kích thích tăng trưởng. Chính vì vậy, nhu cầu tìm mua sản phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, kéo theo những dịch vụ, cửa hàng phục vụ thực phẩm sạch mọc lên ngày càng nhiều. Sạch như thế nào và sạch tới đâu còn tùy vào cách làm của mỗi người, nhưng tiêu chí “sạch” được những người kinh doanh thực phẩm này xem là chiêu để thu hút khách hàng.

Một công ty của Thái Lan có trụ sở tại quận 1, TPHCM vừa ký hợp đồng với quán cơm Sài Gòn ở quận Bình Tân, TPHCM để cung cấp khẩu phần ăn trưa cho các nhân viên của công ty này. Theo thỏa thuận, mỗi suất cơm sẽ có giá 25.000 đồng, với điều kiện là phải hợp vệ sinh. Thời hạn của hợp đồng dài hay ngắn tùy thuộc vào điều kiện đơn giản nhưng không dễ thực hiện này.

Anh Lê Hoàng Đạo, chủ quán cơm Sài Gòn cho biết ngay từ lúc mở quán, anh đã đặt phương châm cho mình: “Không đòi hỏi sự khéo léo trong cách chế biến, tôi chỉ muốn nấu các món ăn sạch và ngon”.

Anh Đạo, chủ quán cơm Sài Gòn, đang hái rau mồng tơi do mình trồng để nấu canh phục vụ khách hàng.
Anh Đạo, chủ quán cơm Sài Gòn, đang hái rau mồng tơi do mình trồng để nấu canh phục vụ khách hàng.

Theo anh Đạo, nồi cơm sạch phải xuất phát từ khâu chọn thực phẩm tới khâu chế biến và cả khâu giao hàng. Rau xanh được mua tại các siêu thị, những nơi có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, anh còn trồng một số loại rau xanh trong vườn nhà để tự cung cấp cho quán cơm của mình. Để mua thịt gia súc, gia cầm, anh tìm đến những đơn vị giết mổ có giấy phép, có kiểm dịch đàng hoàng. Các loại gia vị cũng được mua từ những thương hiệu có tiếng trên thị trường, không mua hàng trôi nổi, nhất là không sử dụng phẩm màu hóa học. Còn hộp đựng cơm cho khách anh cũng tìm đến cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giống như anh Đạo, chị Dung, chủ quán cơm trên đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, cũng đang kinh doanh với tiêu chí sạch, từ bàn ghế đến chén muỗng. Đây là cách để quán của chị Dung thu hút khách hàng. Thực phẩm mua ngày nào chế biến hết ngày đó, không để nguyên liệu sang ngày hôm sau. Trước khi nấu, thực phẩm được rửa bằng nước muối hoặc qua nước sôi nhằm loại bỏ bớt vi khuẩn và chất dơ còn bám lại trên bề mặt thực phẩm.

Chị Dung cho biết, nhờ chú trọng tiêu chí sạch, quán đã có khá đông khách dù chỉ mới mở chừng năm tháng. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 200 suất cơm, và tăng vọt lên khoảng 500 suất nếu ngày nào Trung tâm Triển lãm Tân Bình ở kế bên có sự kiện diễn ra.

…đến hải sản

Chị Thủy, chủ cửa hàng hải sản trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, cho biết chị đến với công việc kinh doanh mặt hàng này cũng rất tình cờ và nó xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Chị kể hồi đang mang bầu, bố mẹ chồng không muốn chị ăn những đồ hải sản ở chợ vì sợ cá biển bị ướp hóa chất, còn cá nuôi nhiều nơi trộn chất kích thích tăng trọng lượng vào thức ăn. Gia đình nhà chồng đã gửi cá biển từ Cà Mau lên cho chị, nhờ nhà có người thân làm nghề đi biển.

Tham gia một số diễn đàn, chị Thủy biết được tâm tư của các bà mẹ là ai cũng muốn cho con mình được dùng thực phẩm ngon và sạch. Chị chia sẻ cho một số thành viên trên diễn đàn dùng thử hải sản của nhà chồng gửi cho và nhận được phản hồi tích cực. Thế là công việc kinh doanh bắt đầu. Hàng ngày, người nhà ở Cà Mau mua hải sản từ các ghe đánh bắt, ướp đá lạnh, rồi vận chuyển về TPHCM.

Chị Thủy cho biết trước đây những người có nhu cầu mua hải sản đặt hàng qua mạng, chị tập hợp đơn hàng rồi giao hàng mỗi tuần một lần vào sáng thứ Bảy, nay đơn hàng nhiều hơn nên chị phải giao hàng hai lần/tuần.

Chị Thủy cho biết trung bình mỗi tuần chị nhận được khoảng 150 đơn hàng, cung cấp khoảng hai tấn hải sản tươi cho khách hàng. Mặc dù giá bán mắc hơn ở chợ khoảng 10.000-20.000 đồng/kg vì phí vận chuyển, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì chất lượng sản phẩm. Từ chỗ bán hàng qua mạng ban đầu, chị Thủy đã mở thêm cửa hàng kinh doanh thực phẩm vì khách hàng ngày một đông, có người muốn mua sỉ để cung cấp cho các nhà hàng.

Còn chủ cửa hàng hải sản Thái Ngân ở quận Tân Bình cho biết, hiện nay ông đã có một lượng khách hàng ổn định, những người sành ăn đồ biển. Ông cho biết mỗi ngày cửa hàng ông bán khoảng 50 kg hải sản các loại.

…và những thách thức

Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch ngày càng cao nhưng đối với những người kinh doanh thực phẩm sạch thì để thu hút khách hàng dựa trên tiêu chí này thực sự không phải dễ dàng.

Anh Đạo của quán cơm Sài Gòn cho biết quán đã đi vào hoạt động sáu tháng và đang dần có nhiều khách hàng, song thách thức hiện nay là giá cả thị trường. Theo anh, muốn có thực phẩm sạch để chế biến đồ ăn sạch thì phải chấp nhận giá luôn cao hơn so với thực phẩm thường. Điều anh đang mong mỏi là lượng khách hàng đông hơn nữa, chứ hiện nay mỗi tháng anh phải bù lỗ 7-8 triệu đồng.

Còn chị Thủy, mặc dù đã có một lượng khách hàng ổn định nhưng kể từ khi mở cửa hàng bán sản phẩm trực tiếp, chị đã gặp không ít khó khăn. Người tiêu dùng quen với chuyện hải sản phải phơi ra ngoài cho họ lựa, trong khi hải sản của chị phải giữ độ tươi bằng nước đá, cứ một lớp hải sản là một lớp đá. Chỉ có điều nhiệt độ của đá lạnh không giữ cho hải sản tươi hơn một ngày, nên thỉnh thoảng chị vẫn phải đẩy hàng ra chợ bán để tránh lỗ vốn. Chị cho biết hiện tiền lời bán hàng trực tuyến đang gánh chi phí thuê mặt bằng cửa hàng bán hàng trực tiếp.

Tương tự, chủ cửa hàng hải sản Thái Ngân cũng đang gồng mình kinh doanh với chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Nhưng ông chủ này vẫn tin vào mô hình kinh doanh của mình. “Trong vòng hai năm nữa tôi sẽ có lãi, bởi lúc đó tôi đã xây dựng được thương hiệu hải sản sạch cho mình”, ông nói.

Nguyễn Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

10% rau củ quả ở chợ đầu mối chứa dư lượng...

0
Theo đại diện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, sau khi lấy mẫu kiểm tra tại các chợ đầu mối, số...
mãng cầu dai

Hơn nửa triệu đồng một ký mãng cầu dai

0
(SGTTO) - Cũng là trái mãng cầu dai (hay còn gọi là quả na) nhưng hàng nhập khẩu được bán với giá cao ngất,...

Đừng hám lợi mà hại đồng loại

0
 MAI THI - Sau khi Paris bị khủng bố vào ngày 13-11 vừa qua, người dân trên toàn thế giới nguyện cầu cho Paris được...

Nói dễ hơn làm

0
Ngọc Hùng Mỗi ngày, TPHCM tiêu thụ khoảng 800-900 tấn thịt và khoảng 3.000 tấn rau các loại, trong đó hơn 80% thịt và 70%...

Kết nối