(SGTT) – Theo Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác lĩnh vực y tế và hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
- TPHCM chi 1.000 tỉ đồng chuẩn bị mặt bằng thi công hạ tầng kỹ thuật cho tuyến metro số 2
- Mở đường phát triển hạ tầng từ dự án vành đai 3
Theo trang web thanhuytphcm.vn, tại buổi họp báo giữa kỳ tài khóa 2023 diễn ra hôm 18-10, đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết, JICA cam kết tiếp tục việc hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực gồm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, JICA Việt Nam thông tin, tuyến đường sắt đô thị metro số 1, TPHCM đã đạt tiến độ khoảng 96%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và có thể đi vào vận hành từ tháng 7-2024. Ngoài ra, những dự án về cải tạo hạ tầng giao thông công cộng ở tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng đô thị và chuỗi cung ứng nông sản.
Về hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực, JICA đã bắt đầu triển khai một dự án hướng đến cải thiện môi trường tuyển dụng các thực tập sinh kỹ năng làm việc tại Nhật Bản, trong đó kế hoạch sẽ có cổng thông tin, giúp cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản dễ dàng cập nhật tình hình.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực y tế, đơn vị này sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống đào tạo từ xa có ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển năng lực y tế tuyến dưới cũng như chất lượng khám chữa bệnh. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, tổ chức phi chính phủ, trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao kỹ năng phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng.
JICA đang thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam trong giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, đồng thời cải thiện độ chính xác trong dự báo khí tượng trên cả nước. Cơ quan này cũng nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng khoản tín dụng thuộc khuôn khổ của hoạt động tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, đơn vị sẽ sử dụng Quỹ khí hậu xanh để xây dựng lộ trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đảm bảo thực hiện mục tiêu về trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.
TTXVN đưa tin, trong tài khóa năm 2022, tức từ tháng 4-2022 đến hết tháng 3-2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là 18,9 tỉ yen, tương đương 3.100 tỉ đồng. Trong tài khóa 2023, JICA và Việt Nam đã ký thỏa thuận vay ODA cho ba dự án. Tổng trị giá lên hơn 60 tỉ yen, tương đương với 10.672 tỉ đồng. Dự án thực hiện ở ba lĩnh vực là cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hậu đại dịch Covid-19.
Trúc Đào