Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Hai tuyến buýt nhất định phải thử khi đến TPHCM

(SGTT) – Nếu có dịp đến TPHCM mà chưa biết đi đâu, bạn hãy thử trải nghiệm tuyến xe buýt 2 tầng và buýt đường sông để cảm nhận những nét đẹp đa sắc màu của thành phố sôi động ở đất phương Nam này.

Buýt đường sông

Tuyến buýt đường sông (Saigon Waterbus) ở TPHCM hoạt động từ ngày 21-8-2017. Từ đó đến nay, hình ảnh con tàu màu vàng trắng nổi bật trên sông Sài Gòn đã trở nên khá quen thuộc với du khách.

Buýt sông Sài Gòn. Ảnh: Linh Giang

Chỉ cần khoảng 30 phút – 1 giờ ngồi tàu, tận hưởng gió lộng từ sông thổi về, khám phá vẻ đẹp của thành phố với những tòa cao ốc san sát nhau, những khuôn viên xanh mướt mát mà không bị dòng xe cộ chen chúc cản trở, bạn sẽ thấy một Sài Gòn rất nhẹ nhàng, phiêu lãng, không chút hối hả vội vàng.

Lộ trình và giá vé buýt sông

Tuyến buýt sông trải dài trên 10,8km, có 12 điểm, đón trả khách nhưng đến năm nay mới có 5 bến đi vào hoạt động. Xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1), tàu chạy dọc sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến phường Linh Đông (TP Thủ Đức). Điểm đầu: bến Bạch Đằng, điểm cuối: bến Linh Đông. Các điểm giữa: bến Bình An (Thủ Đức), Thanh Đa (Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức).

Hành trình cả tuyến kéo dài khoảng 60 phút, thời gian đón – trả khách tại bến khoảng 3 phút. Hằng ngày tàu xuất bến từ 8:30 đến 17:10. Từ ngày 16-12-2021, tuyến buýt đêm Bạch Đằng – Bình An – Bạch Đằng được đưa vào khai thác, chạy từ 17:30 đến 21:30, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm ngắm sông Sài Gòn và thành phố hoa lệ về đêm.

Vé buýt sông. Ảnh: Việt An

Điểm đặc biệt là từ lúc hạ thủy đến nay, giá buýt sông vẫn giữ nguyên ở mức 15.000 đồng/chặng, đồng giá cho tất cả các bến. Nghĩa là dù bạn đi chặng ngắn hay chặng dài thì giá vé vẫn như nhau, cứ một lần xuống tàu là 15.000 đồng.

Tiện nghi trên buýt sông

Tàu buýt sông Sài Gòn được sơn chủ đạo là màu vàng rực rỡ, cùng màu với logo Saigon Waterbus, nhìn từ xa có thể dễ dàng nhận ra ngay. Ghế ngồi bằng nhựa màu xanh biển, điểm thêm màu vàng ở phần trên. Cách phối màu hiện đại từ bên ngoài đến bên trong tàu tạo điểm nhấn cho các bức hình trở nên lung linh nổi bật, nên nhiều bạn trẻ đã chọn buýt sông làm nơi thực hiện những bộ ảnh ấn tượng.

Bên trong tàu là 6 dãy ghế chia đều 2 bên, tổng cộng 75 ghế với lối đi ở giữa khá rộng rãi. Vì đi trên sông nên dưới mỗi ghế đều để sẵn áo phao, đảm bảo an toàn cho khách. Trên tàu có thông báo hành trình di chuyển bằng bảng điện tử giúp khách dễ dàng biết mình đã đến đâu. Thành tàu lắp các ô cửa sổ kính để khách có thể ngắm cảnh bên ngoài.

Nhiều khách lại thích ngồi ở dãy ghế ngoài khoang, nằm phía đuôi tàu, vừa hít thở trong không khí trong lành vừa dễ dàng ngắm toàn cảnh thành phố. Từ đây, bạn cũng có thể chụp các bức ảnh ảo diệu hai bên bờ sông với tầm nhìn rộng và đẹp. Nhà vệ sinh trên boong tàu cũng khá hiện đại, sạch sẽ.

Hệ thống bến tàu

Không chỉ thiết kế con tàu buýt với sắc màu bắt mắt và hiện đại, hệ thống các bến tàu cũng được đầu tư khá sạch sẽ và thu hút. Mỗi bến có hình dáng khác nhau nhưng đều thống nhất theo sắc màu chủ đạo của logo Saigon Waterbus là vàng, xanh dương và xanh lá. Bến Bạch Đằng là lớn nhất và được chăm chút kỹ lưỡng hơn. Ở đây có phòng chờ, quán cà phê. Sơ đồ hành trình in trên bảng kính để khách dễ theo dõi. Các bến còn lại cũng được trang trí khá dễ thương, có bán nước giải khát cho khách nghỉ ngơi trong thời gian chờ tàu.

Toàn cảnh tòa nhà Vinhomes và Landmark 81 nhìn từ buýt sông. Ảnh: Việt An

Nên đi buýt sông khi nào

Thời điểm đẹp nhất để chụp hình là lúc hoàng hôn, khi ánh mặt trời đỏ ối bắt đầu lặn sau đám mây, đàn chim bay về tổ, thành phố lên đèn lấp loáng. Lúc này sông nước, mây trời trở nên lung linh hơn. Nhưng nếu không bắt được khoảnh khắc này thì những khoảng thời gian còn lại cũng rất đẹp. Ban ngày trời xanh ngắt, tha hồ cho bạn phóng tác nhiều kiểu ảnh khác nhau.

Đặc biệt, tàu chạy chậm khi ngang qua tòa nhà Landmark 81 – một biểu tượng mới của thành phố – nên hầu như ai cũng tranh thủ chụp lại cảnh này vì không gian thoáng, không bị các tòa nhà khác hay dòng xe cộ làm nhiễu khung hình. Vì vậy, dù đi buổi nào thì bạn cũng nên mang theo máy ảnh, điện thoại… để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của thành phố.

Xe buýt 2 tầng

Từ năm 2020, hình ảnh những xe buýt mui trần 2 tầng bắt đầu xuất hiện trên các tuyến đường ở TPHCM. Với nước sơn nền màu đỏ nổi bật, bên ngoài thân xe được tô vẽ hình ảnh các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam như chùa Một Cột, Kinh thành Huế, Nhà thờ Đức bà… góp phần quảng bá một cách khéo léo cho du lịch nước nhà.

Xe buýt 2 tầng-City Tour, góc chụp từ phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Dương Kiệt.

Xe buýt có 2 tầng, tầng dưới trang bị hệ thống máy lạnh, tầng trên là mui trần để khách có thể thoải mái ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Xe chạy một vòng qua các địa điểm nổi tiếng của thành phố như Thảo Cầm Viên, chợ Bến Thành, phố đi bộ, UBND TPHCM, Nhà hát thành phố, nhà thờ Đức bà, Dinh Độc Lập…

Gần các điểm này có trạm dừng, khách có thể xuống xe đi tham quan, sau đó quay lại trạm và lên một xe buýt bất kỳ trong hành trình, miễn sao trong thời gian vé còn hiệu lực. Chính điều này khiến xe buýt 2 tầng trở thành lựa chọn linh động và phù hợp với du khách.

Thành phố về đêm trở nên “ảo diệu” với góc nhìn từ xe buýt Hop-on Hop-off. Ảnh: Hồng Trần

Chị Hồng Trần, đến từ Quảng Ngãi chia sẻ, chị không bị phụ thuộc vào thời gian tham quan như trong các tour cố định và còn có thể lựa chọn điểm đến mà mình ưa thích. Hơn nữa, ngồi trên tầng 2 của xe, ngắm cảnh phố phường từ trên cao mang đến cảm giác thú vị.

Hiện nay xe buýt 2 tầng ở TPHCM có 3 loại là vé 1 giờ, 24 giờ và 48 giờ. Vé 1 giờ giá 150.000 đồng (giới hạn 1 lần lên và xuống xe). Vé 24 giờ giá 475.000 đồng, vé 48 giờ giá 650.000 đồng (không giới hạn số lần lên xuống xe). So với giá thuê xe máy thì vé xe buýt 2 tầng đắt hơn. Nhưng những sự hấp dẫn và khác lạ mà nó mang lại thì hoàn toàn đủ sức chinh phục những du khách, nhất là các khách hàng nhí.

Do hạn chế về các điểm đến nên buýt sông hay xe buýt 2 tầng chủ yếu phục vụ du lịch hơn là phương tiện giao thông công cộng. Thế nhưng, hãy thử một lần khám phá Sài thành từ trên cao và từ trên sông, bạn sẽ có cơ hội ngắm thành phố phồn hoa bậc nhất ở một góc nhìn khác đầy ấn tượng khó quên.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dự kiến tăng hơn 100 chuyến bay/ngày dịp lễ 30-4 và...

0
(SGTT) -  Các hãng hàng không đã báo cáo về việc đang xây dựng kế hoạch bổ sung chuyến bay trên các đường bay...

Ngày cuối tuần, về Đà Nẵng khám phá “bán đảo xanh”...

0
(SGTT) – Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà là địa điểm khám...

TPHCM muốn ưu tiên thủ tục xuất nhập cảnh cho khách...

0
(SGTT) - Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị nghiên cứu, xem xét các giải pháp như làn ưu tiên, dịch vụ...

Khách quốc tế tăng nhưng thắt chặt chi tiêu

0
(SGTT) - Mặc dù lượng khách quốc tế tăng cao trong hai tháng đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng...

Thăm thú 3 cung điện nổi tiếng tại thành phố Jaipur,...

0
(SGTT) - Thành phố Jaipur - thủ phủ bang Rajasthan, một trong những bang lớn nhất Ấn Độ, nổi tiếng với tên gọi "thành...

Trần giá vé máy bay tăng, công ty lữ hành thiết...

0
(SGTT) – Sau khi chính sách tăng giá trần vé máy bay có hiệu lực, các công ty lữ hành cũng nhanh chóng thiết...

Kết nối