(SGTTO) - Nam Du thuộc hai xã đảo An Sơn và Nam Du, là quần đảo xa nhất thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Giang. Nơi đây với 21 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành quần thể sinh thái đẹp mắt giữa biển Tây.
Biển Tây bao la gió lộng
Nam Du cách thành phố Rạch Giá hơn 80km. Đúng 7:20, tàu Ngọc Thành xuất bến Rạch Giá, phăm phăm xé nước, tiến ra biển Tây mênh mông. Tàu đi ngang Hòn Tre, rồi cặp bến Hòn Sơn cho một số hành khách xuống, sau đó tiếp tục chuyến hải hành đến Nam Du.
Quần đảo Nam Du hiện dần lên, nổi bật giữa biển Tây bao la gió lộng. Tàu rú một còi dài, cặp cảng Nam Du đúng 10:30, khách với hành lý và người thân háo hức “đổ bộ” lên hòn Củ Tron - đảo chính của quần đảo Nam Du. Từ bến cảng, khách đi xe ôm về các nhà nghỉ nghỉ ngơi đôi chút để buổi chiều có thể bắt đầu dạo chơi, khám phá Nam Du.
Thuê xe máy 120.000 đồng/ngày, bạn sẽ thong dong chạy xe vòng quanh đảo trên con đường đèo dài hơn 9 km lượn sát những vực biển. Phong cảnh kỳ thú với một bên là núi rừng, một bên là biển xanh sóng vỗ rì rầm, tung bọt trắng xóa.
Bãi Cây Mến được những người yêu thích du lịch cho rằng đây là bãi tắm đẹp nhất của Nam Du. Bãi biển này có hình vòng cung, cát trắng nhuyễn như bột, dọc dài là những hàng dừa xanh lả lơi trong gió biển. Du khách có thể thoải mái đắm mình trong làn nước như ngọc…
Tạm biệt bãi Cây Mến thơ mộng, du khách đi một đỗi, ghé dinh Nam Hải Ngư thần trên lưng chừng núi trông xuống Bãi Ngự, sẽ cảm nhận được khung cảnh như tranh vẽ. Tại biển Nam Du, theo lời ông từ Lê Quốc Xoàn - thủ dinh, vào lúc các cơn bão số 10,11,12 năm 2017 hoành hành, đã có một vị “ngư thần” cá voi “lụy” (chết) dạt vào bãi Ngự. Bà con ngư dân đã thu thập toàn bộ xương “Ông” về Dinh Nam Hải để lưu giữ.
Bộ xương cá Ông này có chiều dài trên 15m, với đầy đủ các xương đầu, sườn, xương sống, vây, đuôi… Theo dân gian, những khi biển nổi phong ba, bão tố, cá Ông thường hay kè, đưa tàu, thuyền sấp bị đắm vào bờ an toàn. Do vậy, người dân miền biển rất tôn kính loài cá này.
Tham quan các đảo
Ngày thứ hai của chuyến đi, khách thuê tàu nhỏ 250.000 đồng/ngày hoặc 150.000 đồng/nửa ngày, tham quan các đảo của Nam Du. Đầu tiên tàu sẽ đưa khách đến hòn Dầu sau 15 phút rời bến hòn Củ Tron.
Hòn Dầu là một đảo nhỏ có rừng nguyên sinh bao phủ. Trên đảo Hòn Dầu có bãi tắm dài chừng 100m, cát vàng với những hàng dừa rợp bóng. Bãi biển ở đây có hai phần. Ở lớp cát nông gần bờ, bạn thoả thích đùa giỡn, đắm mình trong làn nước trong xanh.
Ra xa chút nữa là rạn san hô với đủ sắc màu. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật biển. Bạn có thể đeo kính thợ lặn ngắm san hô, và bắt nhum biển.
Nhum ở đây khá nhiều, chỉ cần lặn vài mươi phút là bắt được cả rổ. Ruột nhum nấu cháo là một món ăn “ngon, bổ, rẻ”. Hòn Dầu còn rất nguyên sơ, như một thiên đường biển chưa được đánh thức.
Rời hòn Dầu, tàu băng qua hòn Ngang. Hòn Ngang là một đảo nhỏ nhộn nhịp, nghề nuôi cá bè trên biển phát triển. Theo ngư dân, cá bóp, cá mú của Hòn Ngang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Các lồng bè, các tàu thuyền thu mua, đánh bắt cá quần tụ với nhau, xa trông như một thành phố nhỏ nổi giữa một vùng biển.
Qua khỏi hòn Ngang chừng ba hải lý, tàu đến hòn Mấu. Tàu neo đậu cách bãi Tây chừng gần 100m, khách sang đò nhỏ vào bờ, bước lên một bãi sỏi với muôn ngàn viên đá đủ sắc màu, hình dạng.
Băng qua khúc eo đảo chừng 80m, bạn sẽ bất ngờ bởi không gian mênh mông sóng biển bạc đầu đuổi nhau tràn lên bãi cát trắng. Tắm biển thỏa thích rồi lên bờ hóng gió, ăn hải sản tươi sống như ghẹ, cá, mực, các loại ốc… thì còn gì tuyệt hơn.
Về đêm, du khách có thể ra cảng Nam Du dạo chơi, xem các cửa hàng bày bán hải sản. Muốn thưởng thức đồ biển thứ gì cũng có, giá cả có hơi đắt hơn đất liền nhưng tươi sống như lời người bán.
Ngồi ăn hải sản, ngắm biển đêm với ánh đèn lung linh của các tàu ghe, bè cá, ta sẽ lắng đọng với suy nghĩ ngư dân biển Tây tự bao đời nay dù nhọc nhằn gian khó vẫn luôn bám tàu, bám biển quê hương, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đi chơi đảo Nam Du, bạn nên tham khảo đặt trước nhà nghỉ. Chủ nhà nghĩ sẽ lo chu tất các dịch vụ cần thiết cho bạn với giá thỏa thuận phải chăng.
Hoàng Thám