(SGTT) – Đây đã là mùa xuân thứ 4 hai mẹ con chị Thúy Hằng và Khánh ở Gwangju, Hàn Quốc. Do lịch học và nhất là giai đoạn năm cuối của chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Chonnam, khối lượng bài vở cần phải báo cáo nhiều nên dù nhớ nhà, chị vẫn phải ở lại Hàn Quốc.
- Tết Bắc – Nam trong một gia đình ở Đồng Nai
- Trải nghiệm tết quê đậm nét văn hóa sông nước miền Tây tại Làng du lịch Mỹ Khánh
- Tát đìa ăn Tết – nét văn hóa đã thành dĩ vãng!
Xa quê song không để thiếu hương vị quê ngày tết, chị quyết định nấu bánh chưng, bánh tét như những ngày còn ở nhà. Nguyên liệu thiếu nhiều nhưng chị vẫn mày mò tìm cho đủ món. Nếp, đậu xanh, thịt heo có sẵn trong siêu thị; lá chuối đặt mua trong một cửa hàng bán đồ Việt ở Hàn. Nhưng vì được giữ lạnh cho khỏi hư nên màu xanh đã phai đi nhiều, đem gói thì bánh không còn màu xanh như truyền thống.
Ngẫm nghĩ, chị Hằng chợt lóe lên ý tưởng về màu xanh của rau. Chị chạy vù ra chợ, mua bó rau chân vịt về xay lọc lấy nước rồi ngâm chung với nếp. Màu xanh của rau nhuộm đều từng hạt nếp, ít nhiều cũng ra sắc bánh quê hương. Ngâm xong, nếp đem quay trong lò vi sóng cho chín để giảm bớt thời gian nấu. Tìm mãi không có dây gói, chị lại biến tấu lấy dây ruy băng gói quà để gói bánh.
Xong đâu đó, hai mẹ con hồ hởi bắt tay vào làm, vén khéo cũng được ba cái bánh. Chị gói, còn cậu con trai ngồi cạnh líu lo kể chuyện nhà trẻ. Cậu bé Khánh theo mẹ sang Hàn Quốc từ lúc mới 13 tháng tuổi. Năm nào cậu cũng được mẹ dành cho một cái tết đậm đà hương Việt.
Ở nhà trọ nên chị chỉ có thể nấu bằng nồi cơm điện. Ấn tượng nhất là đoạn nấu bánh trực tuyến. Hai mẹ con nấu cùng lúc, bố mẹ và chồng chị ngồi canh bếp lửa ở Việt Nam, chị canh bếp điện trên đất Hàn.
Khuya quá nên cậu con trai đã đi ngủ, chỉ còn chị ríu rít nói chuyện với gia đình. Nhìn đốm lửa bập bùng trong màn hình điện thoại, Hằng cảm giác quê hương ở gần hơn, nỗi nhớ nhà phần nào nguôi ngoai bớt. Đến 12 giờ đêm ở Việt Nam, cũng là 2 giờ sáng ở Hàn, hai đầu cùng vớt bánh. Phải lăn, ép bánh, cột dây mới lại cho đẹp, bày biện mâm cỗ rồi Hằng mới dọn dẹp đi ngủ.
Giống Việt Nam, Hàn Quốc vẫn đón tết Âm lịch (lễ Seollal – 설날), cũng là dịp gia đình tụ họp quây quần, nhưng chỉ được nghỉ ba ngày (mùng 1, 2 và 3) rồi đi làm lại ngay. Ngày đầu năm mỗi người thường ăn canh bánh gạo (Tokkuk) để chúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc; ăn hết một chén là được thêm một tuổi. Do vậy, hai mẹ con Hằng cũng tranh thủ lên nhà trẻ chúc tết với người Hàn. Với Hằng, dù xa quê nhưng chỉ cần tết trong tâm hồn là đã có một năm mới ấm áp.
Việt An