Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Gió thổi trên xứ Cạnh Đền

ĐĂNG HUỲNH –

Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền.

Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.

Em thương anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau…

Vừa ngồi sên mẻ mứt gừng ăn tết, Ba Thúy vừa cầm micro ngó lên màn hình ti vi ngân nga. Nét rạng rỡ của cô gái xuân thì khiến thế hệ U50 của xứ Cạnh Đền ai cũng cười khà: “Thời mình bằng tuổi chúng nó, chiếc xe đạp còn không có đi!”.

Cạnh Đền là một vùng đất rộng lớn thuộc địa bàn hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, được biết đến với nhiều tên gọi khác như đồng Chó Ngáp, xứ Độn Trâu… Tên nào cũng buồn đứt ruột, mà buồn nhất vẫn là câu ca trứ danh:

Xứ đâu như xứ Cạnh Đền.

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.

Ông Út Nhỏ đã 60 năm gắn bó với Cạnh Đền, cười sang sảng khi khách nhận xét như vậy về cái tên xứ sở của mình: “Ông bà mình nói không sai, chưa đầy 20 năm trước, cánh đồng này lúa chỉ 7-8 giạ/công, ván phèn dày như da trâu”.

bai-Gio-thoi--tren-xu-Canh-Den---dad1

Ngó quanh ngó quẩn bà con ở Cạnh Đền, từ đàn bà, đàn ông đến con trẻ, ai cũng thích đeo vàng. Bà con Cạnh Đền tới mùa tôm trúng, ra chợ… xếp hàng mua vàng. Ai cũng “vàng đeo đỏ cổ”. Qua câu chuyện bên chén trà cuối ngọn gió chướng, tôi hiểu đó là một sự thụ hưởng cho thỏa ước mong một thời “cơm no buổi sáng, choáng váng buổi chiều”. Từ ngày Cạnh Đền được tháo chua, rửa phèn, cơ giới hóa trong nông nghiệp và nhất là sự có mặt của con tôm, mảnh đất như được tái sinh. Ông Út Nhỏ nói rằng, chắc ở ĐBSCL, không dễ gì có câu lạc bộ tỉ phú như xứ Cạnh Đền. Bà con nuôi tôm mà làm giàu, làm tỉ phú. Những tỉ phú từng “thử lửa” qua một thời gắn mình với đồng bưng, rẫy bái quê nghèo.

Bà con Cạnh Đền trò chuyện với khách chỉ loáng thoáng về quá khứ chứ không thích nhắc nhiều. Nhưng nói tới chuyện tết này ăn gì, làm gì, vụ tôm tới canh tác ra sao, ai cũng hào hứng chia sẻ. Làm ăn dư dả, bà con Cạnh Đền giờ ngoài chuyện sắm vàng còn sắm công nghệ, phương tiện để đổi đời theo kiểu toàn diện nhất.

Thằng Duy Lữ, cháu nội ông Út Nhỏ, nay mới học lớp 8 nhưng có máy vi tính hẳn hoi, nghe đâu còn đang tập tành viết phần mềm về vui học trên máy tính. Ông Út Nhỏ hồi xưa sáng sớm vẫn quen với việc hốt nắm lúa cho bầy gà ăn rồi châm bình trà, mở radio nghe Minh Vương, Lệ Thủy ca. Mỗi buổi sáng của hơn năm năm trở lại đây thì khác, ông Út mở máy tính, cập nhật giá cả thị trường, chuyện con tôm cây lúa. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc, quến phèn vàng cháy “lướt web” của ông Út, tôi cảm nhận được sự đổi đời của người dân xứ này.

Làn gió công nghệ đang thổi trên xứ Cạnh Đền, tưới mát bao khát vọng, hoài bão về sự giàu đẹp của người dân quê. Hễ cần biết điều gì là họ lại cầm điện thoại “hỏi ông Google”. Không chỉ cô gái 18 tên Ba Thúy, cháu họ ông Út Nhỏ, mà những chàng trai, cô gái ở Cạnh Đền bây giờ ngoài ca tài tử, hát vọng cổ nhẩn nha bơi xuồng dưới sông còn hát bolero, nhạc trẻ, nhảy hiphop sành điệu như bất kỳ người trẻ của một thành phố nào. Nghe đâu trong số đó, có đứa còn đăng ký thi “Solo cùng Bolero”, “Ngôi sao phương Nam”… ôm mộng trở thành người nổi tiếng. Dân cố cựu nghe vậy, chặc lưỡi: “Thây kệ, con nít mà, phải ước mơ!”.

Và, khách phương xa hẳn sẽ ngạc nhiên khi tới mùa xổ tôm, dọc bờ vuông tôm đậu hàng chục chiếc xe gắn máy đời mới, có chiếc hàng trăm triệu đồng, dùng để… đi vuông thay cho vỏ lãi, xuồng câu. Riêng với tôi, tôi khoái cái cảnh ngồi bên này kinh Bà Từ lai rai với ông Út Nhỏ, nghe ông hát bài ca cổ Giọt sữa cuối cùng ướt rượt, nhức nhối; bên kia kinh, mấy cậu thanh niên choai choai mở karaoke hát “Giờ em đã là vợ người ta, áo mới cô dâu cầm hoa…”. Thấy hay hay…

Hôm bữa ghé miệt Hỏa Lựu, Hốc Hỏa (Hậu Giang), nghe hai người phụ nữ trao đổi với nhau, đại khái là người này “xúi” người kia gả con gái về Cạnh Đền. “Đàn bà con gái xứ đó giờ sướng lắm, chồng nuôi tôm làm giàu, đàn bà chỉ có chuyện ở nhà nấu cơm, giữ con, coi phim đã nư luôn” – một chị nói. Đem chuyện hỏi ông Út Nhỏ, ông lấy tay vỗ đùi chan chát: “Đã chưa, vậy mà có một thời ai nghe Cạnh Đền là trốn mất dạng”. Bản thân tôi khoái nhất vẫn là câu nói gọn lỏn của ông Út khi nói về chuyện đổi thay ở quê mình: “Thành phố có cái gì, Cạnh Đền có cái đó!”.

Gần tới tết, thằng Duy Lữ, cháu ông Út Nhỏ coi chiều khó ngủ. Vừa nôn tết, nó vừa nôn nao ngôi nhà mới trị giá bạc tỉ của ông nội mới xây xong. Nằm trong căn phòng có nệm xốp, máy lạnh hẳn hoi, thằng nhỏ gác tay trên trán hát nhạc Sơn Tùng M-TP hoài, khoái trá: “Đã thiệt chớ chú!”.

CD-2

Riêng ông Út Nhỏ, vẫn thích chọn cho mình căn phòng giáp mặt mé sông, tối mở cửa sổ đón gió mà lòng thơi thới. Chắc vì mấy lẽ như vầy: gần 70 năm đời người mới có ngôi nhà mới, già Út bỗng chạnh lòng nhớ thuở ra riêng trong căn chòi lá dọc kinh Mới; bỗng nhớ xa xăm cảnh mấy đứa con lội bộ gần chục cây số tới trường, rồi trên con đường ấy ba đứa đầu đã dừng bước, nhường bước cho hai đứa nhỏ đi tiếp… Cái nhìn dài thượt của ông Út ánh niềm vui cứ nhập nhòe. Trong căn nhà ấy, tôi chú ý nhất vẫn là bàn thờ gia tiên, ngăn nắp và nghiêm cẩn. Ngọn đèn hột vịt cứ nhấp nháy, khói hương lan tỏa, hòa quyện xưa-nay. Ông Út nói, đó là cách để ông giữ lửa tình thân, giữ đạo nghĩa, nếp nhà.

Cạnh Đền, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, giờ “xưa rồi Diễm”. Ba Thúy nói: “Tối nhà báo đi với em, đầu ngã ba có điểm hát với nhau vui lắm, ca vài bài chơi”. Thằng Lữ chen lời: “Mà phải ca nghen chú, cô Ba con ca hay như Mỹ Tâm vậy đó! Mỹ Tâm Cạnh Đền đó nghen!”.

Bữa sáng cuối năm, nhà ông Út có khách. Người cháu của ông xa quê mười mấy năm về thăm cố quán, có vẻ hốc hác, con cái nheo nhóc. Thì ra là thời nghèo khổ đó, họ đã chịu không nổi, bán đất ly hương đi “làm công ty” – theo cách nói của xứ này. Mười mấy năm xứ người, trắng tay vẫn về tay trắng, không còn cục đất chọi chim. Anh đó nói với ông Út, phải chi ngày đó con đừng lỡ… Sự tiếc rẻ của một người ly nông, ly hương. Ông Út khoác tay: “Không có cái gì lỡ hết, “xuồng lở còn trét chai” được mà! Về đi con, chú tìm chuyện cho làm ăn”.

“Về đi con” – tiếng nói chắc nịch của già Út nghe sao mà thương quá chừng. Thế mới biết, dẫu ngọn gió công nghệ đang len lỏi trong mỗi mái nhà, con kinh, thửa ruộng xứ Cạnh Đền, làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của bao người; duy cái tình, cái nghèo, nét hào sảng, nghĩa khí thì vẫn vẹn nguyên, chẳng ngọn gió nào lay chuyển. Để ngày ngày, gió mới vẫn thổi trên đất Cạnh Đền, còn ngọn gió từ đồng vuông thì vẫn cứ ngào ngạt hương phèn, hương vôi nồng đượm… Cạnh Đền vẫn đang đón gió…

***

Rời Cạnh Đền trên chiếc vỏ máy xe rền vang kinh nhỏ, bất giác tôi nghĩ vùng ĐBSCL này, bao nhiêu xứ sở tôi đã đi qua, phần nhiều đã “đón gió” như thế. Ngọn gió thời công nghệ thật lành!

Già Út ấy là cha tôi; Ba Thúy, Duy Lữ… ấy là những người thân của tôi. Và hẳn nhiên, Cạnh Đền là quê hương tôi đó. Khi viết đến những dòng cuối của bài này, đã gần tết, tôi nhận được điện thoại từ già Út, nói như reo: “Trúng tôm nữa rồi con ơi. Bà con Cạnh Đền ai cũng trúng. Tết này lớn rồi!”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Kết nối