Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Đừng ngồi đó khi còn nhảy được!

Tặng Đ. Đừng ngồi đó khi còn nhảy được thực chất là tên tạm dịch của một cuốn sách của nữ nhà văn Mỹ Jo Giese (Never Sit If You Can Dance: Lessons from My Mother) nhưng tôi lại thấy nó phù hợp và thực sự cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0.

Sự tiện nghi của mạng xã hội, của công nghệ thông tin khiến cho chúng ta có thể không cần giao tiếp với bất cứ ai hàng ngày cũng có thể có được thu nhập, không cần phải tới cơ quan làm việc cũng có thể có nguồn thu.

Thậm chí, mải hăng say với công việc, chúng ta có thể ngồi trên chiếc ghế lót đệm, xoay 380 độ tới 24 giờ, căn nhà 70 mét vuông chúng ta không đi hết phân nửa. Và rồi, những giác quan – có thể trừ ra vị giác, bởi lẽ phải đặt mua đồ ăn giao về tới tận cửa nhà – đều bị “đói tiếp xúc” với thế giới xung quanh.

Và tôi thật sự muốn nói gì đó về chủ đề này khi gặp anh Đặng Hoàng An, một cộng tác viên cũ cũng đã quen tới vài năm. Hai anh em đã nói chuyện, trao đổi công việc không ít lần trên điện thoại, tám chuyện tới khuya, được nhìn hình trên trang mạng xã hội Facebook cả trăm lần nhưng gặp gỡ trực tiếp chỉ một lần duy nhất.

Tôi biết anh bị gì đó về cơ xương khớp thông qua những bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân và tôi cũng biết anh đã phải ngưng công việc là giảng viên khoa Tâm lý của một trường đại học vì căn bệnh. Nhưng điều ấy cũng lướt qua thật nhanh và chẳng đọng lại bao nhiêu giữa bộn bề cuộc sống, công việc, gia đình…

Tôi cũng quen với hình ảnh của anh trên Facebook – những bức ảnh anh chụp khi đây khi đó hàng ngày thật trọn vẹn, chỉn chu và đẹp đẽ với nụ cười hiền.

Tôi cảm thấy yên tâm rằng cuộc sống của anh không đến nỗi nào. Đâu ai biết được, thực tế anh thường ngồi trên chiếc xe lăn. Đâu ai biết rằng, nó là những bức ảnh chụp vội sau những buổi dạy, buổi nói chuyện với những cô, những cậu học trò.

Thậm chí, bước những bậc thang lên quán cà phê như đã hẹn trong lần gặp này, tôi đã tự huyễn mình rằng, chắc anh đã chữa được chân sau nhiêu đó thời gian. Sự tươi tỉnh và chỉn chu khi ngồi chờ sẵn, khiến tôi chẳng hoài nghi gì và cho rằng mình đã đúng.

Sự hiền lành, niềm nở, thận trọng và trách nhiệm như cái cách anh vẫn làm qua điện thoại khiến chúng tôi nhanh chóng cuốn vào những câu chuyện về viết lách, về làm sách và ti tỉ những “căn bệnh” tâm lý mà nhiều người đang mắc phải, dù rằng công việc làm thầy giáo anh đã nghỉ từ lâu.

An bảo, lúc đầu An cũng tuyệt vọng lắm, nhưng rồi An thấy mẹ mình không còn trẻ nữa nên mình phải cố gắng thôi. An bảo, An cố gắng được bao nhiêu, những người xung quanh mình đỡ cực bấy nhiêu.

Sự độc lập và nhanh nhẹn, cũng như cái cách mà An đi từ miền Nam xa xôi ra tới Hà Nội một mình mà không có người thân đi cùng, như cái cách mà ta vẫn tưởng tượng về một người có đôi chân không lành lặn, khiến tôi tin và trân trọng.

Tôi cứ tin cho tới khi ra về, trong phút nhói tim khi chứng kiến anh thoăn thoắt trườn xuống khỏi chiếc xe để xuống những bậc cầu thang, tay vẫn nhanh nhẹn kéo theo chiếc xe lăn. Tôi đứng như trời trồng, tay chân bỗng như thừa thãi, muốn giúp đỡ nhưng lại sợ sự lúng túng của mình sẽ khiến anh mệt hơn, hoặc lỡ đâu làm anh hụt chân mà ngã.

Đúng lúc ấy, tôi lại bắt gặp nụ cười của anh, bừng sáng từ khuôn mặt nỗ lực không mệt mỏi – thứ ánh sáng mang cho người khác tiếng reo vui của sự tin tưởng, kéo sự yêu thương thêm thật gần.

Thôi thì lại mỉm cười và cổ vũ anh thôi! Ủng hộ anh trên mọi hành trình lan tỏa những năng lượng tích cực, “chữa lành” những tâm hồn bị tổn thương. An sẽ thành công thôi, cũng như cái cách An vượt qua con đường mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ ai.

Cát Lâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối