Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đừng để rượu bia thành “kẻ nham hiểm”(*)

LTS: Kết thúc chuyên đề về vấn nạn rượu bia, Sài Gòn Tiếp Thị xin gửi đến bạn đọc bài viết của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, hiện công tác tại trường Đại học Y dược TPHCM. Dưới góc độ của người làm ngành y, tác giả gọi bia rượu là “kẻ nham hiểm” bởi nó sẽ làm con người hao mòn dần dần, cả thể xác lẫn tinh thần.

>> Vấn nạn lạm dụng rượu bia: Chín người mười ý

>> Các hãng bia đã đến, “không say không về”

>> Rượu bia – từ văn hóa đến tệ nạn

Gục trong bạo bệnh

Rượu bia, nó không làm cho kẻ uống nó ngộ độc tức khắc (trừ trường hợp ngộ độc nặng như kiểu uống rượu dỏm chứa độc chất methanol đưa đến tử vong) mà phá hủy cơ thể người dùng nó một cách ngấm ngầm. Đến lúc nào đó, người ta sẽ nghiện, và kẻ nghiện sẽ chẳng chóng thì chầy, gục xuống trong cơn bạo bệnh không thể cứu chữa được.

Trong cơ thể con người, cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương. Uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng của nghiện ma túy. Kế đến là gan, nếu lạm dụng rượu bia, người ta dễ bị xơ gan và sau đó có thể là ung thư gan. Dạ dày tá tràng cũng là cơ quan dễ bị tổn thương khi người nghiện rượu có nhiều nguy cơ bị viêm loét dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa… Riêng đối với hệ thần kinh trung ương, rượu bia gây tác hại ở nhiều mức độ khác nhau và đặc biệt ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần.

Nhiều người trông thấy kẻ uống rượu bia như bị kích thích, nói năng có khi bất chấp, dám có những hành động bình thường không dám làm. Thực ra, rượu bia chỉ có tác dụng “ức chế” (trong Dược lý học, rượu được xếp vào nhóm thuốc gây mê tức nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương). Rượu bia ức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, biết kiềm chế của chúng ta. Nếu vùng vỏ não này bị ức chế, ta sẽ tung hê, dám làm những việc trước đây không dám làm và cứ tưởng là bị kích thích.

Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Hậu quả tất nhiên của việc lạm dụng rượu bia sẽ đến là hành vi bạo lực, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ “rượu vào… dao ra” làm chấn động dư luận. Rất nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra với sự “giúp sức” của rượu bia. Uống nhiều rượu bia, người ta dễ buông thả trong tệ nạn “bia ôm” và bất kể trong vấn đề “an toàn tình dục”. Không an toàn trong hoạt động tình dục chắc chắn vào cửa tử là nhiễm HIV/AIDS. Tệ nạn “rượu uống người” chứ không phải người uống rượu nữa cứ xảy ra hàng ngày.

Cuồng sảng vì rượu

Về tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần, ở Việt Nam trong năm 2010 đã có thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, cứ 100 bệnh nhân nhập viện trị bệnh tâm thần thì có 14 người có liên quan đến rượu.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến rượu là loạn thần, có biểu hiện hoang tưởng hoặc bị ảo giác, bạo lực với người thân, dễ gây gỗ với gia đình và người xung quanh. Có thể cắt cơn nghiện rượu tại bệnh viện nhờ sử dụng các thuốc an thần dạng nhẹ. Trong vòng một tuần bệnh nhân có thể cắt được cơn nghiện, nhưng tỷ lệ tái nghiện rượu có thể lên đến 100% do yếu tố dễ mua rượu, giá rẻ và bệnh nhân không có ý chí bỏ rượu.

Điều đặc biệt cần lưu ý là đối với những người thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy nhược, mất ngủ nhiều, đôi khi chỉ uống một lượng rượu rất ít nhưng có thể xuất hiện một loại loạn tâm thần đặc biệt, có thể gọi là say rượu bệnh lý. Đó là khi uống rượu đến mức gọi là say, ý thức người uống rượu trở nên mù mờ, rối loạn định hướng về thời gian và không gian, không phân biệt được đâu là sáng, đâu là trưa và tệ hơn là có khi không biết mình đang ở đâu. Thêm vào đó, người nghiện nặng có khi thấy những hình ảnh không có trên thực tế hay nghe những lời nói vang lên trong đầu gọi là ảo thị và ảo thính. Có người cứ nghĩ rằng mình đang bị ai đó theo dõi hay đe dọa, từ đó có các phản ứng giận dữ như tấn công người khác, đốt nhà…

Đối với người nghiện rượu lâu năm, nếu đột ngột ngưng không uống rượu sẽ bị một loại rối loạn tâm thần rất nặng nề gọi là cuồng sảng rượu cấp (delirium tremens). Triệu chứng rối loạn xảy ra khi người nghiện không tiếp tục uống rượu một đến ba ngày như lú lẫn tâm thần, run tay, ảo thị giác (như thấy rắn, côn trùng bò trong người của mình), mất nước, rối loạn chất điện giải, lên cơn co giật, rối loạn tim mạch trầm trọng. Tất cả những trường hợp này cần thiết phải vào bệnh viện điều trị.

Gần đây, dư luận nhiều chiều nổi rộ về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia của Bộ Y tế có điểm cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Những ai biết rõ về tác hại của rượu bia nếu uống vô chừng thỏa thích – tác hại nghiêm trọng nhất là gây hại cho sức khỏe tâm thần vừa nêu ở trên – thì sẽ đồng thuận. Đặc biệt, việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cánh nam giới có lối sống chừng mực, không lấy say xỉn làm thú vui trong cuộc đời.

Tuy nhiên, vấn đề này lại đụng chạm đến lợi ích của nhiều người trong xã hội. Nó chạm đến hàng triệu người thích uống rượu bia và lấy thức uống có cồn này làm phương tiện giao tiếp. Nó đụng chạm đến quyền lợi của các nhà hàng, quán ăn thường bán vào giờ khuya, thậm chí thâu đêm suốt sáng, từ đó ảnh hưởng đến du lịch đang trên đà phát triển ở nước ta. Nó chạm đến các công ty sản xuất-cung cấp rượu bia.

Dù sao Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vẫn là một luật rất cần thiết. Vấn đề là các nhà làm luật soạn thảo như thế nào để luật này bao quát mọi khía cạnh của cuộc sống, để “luật đi vào đời”.

(*) Tít bài và các tựa nhỏ do Sài Gòn Tiếp Thị đặt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt...

0
Trong đề án xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngoài nội dung...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Những lưu ý khi uống...

0
(SGTT) - Theo bác sĩ, việc ngâm rượu từ thực vật, động vật phải có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y....

TPHCM kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sau...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh...

Liên tiếp xảy ra ngộ độc rượu: Hồi chuông cảnh báo...

0
(SGTT) - Chỉ trong ba ngày, TPHCM đã xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng sau khi uống rượu. Theo...

Chuyên gia chỉ cách xử trí kịp thời khi ngộ độc...

0
(SGTT) - Trong thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước đã liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu. Đáng...

Chuyên gia lưu ý cách xử trí khi gặp tình trạng...

0
(SGTT) - Tết Nguyên đán 2022 đã qua, nhưng với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhiều gia đình vẫn liên tục...

Kết nối