Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Rượu bia – từ văn hóa đến tệ nạn

Chuyện luật hóa để hạn chế một thói xấu, một căn bệnh trong xã hội như thói ham mê rượu bia say xỉn là việc cần làm, vì một đời sống lành mạnh và văn minh. Nhưng với một thứ sản phẩm được xem là không thể thiếu trong đời sống văn hóa, đi vào tập quán ẩm thực, tập tính sinh hoạt của người dân, thì chuyện không hề đơn giản.

>> Vấn nạn lạm dụng rượu bia: Chín người mười ý

>> Các hãng bia đã đến, “không say không về”

Ngàn đời xưa, rượu vốn không xấu

Trong nhiều nền văn hóa, rượu được xem là một thức uống của thần thánh. Người Hy Lạp cổ coi rượu tượng trưng cho máu của thần Dionysos, là biểu tượng của thứ thức uống bất tử, của niềm vui trần thế, của một đời sống tinh thần tích cực. Rượu xuất hiện trong các lễ nghi tín ngưỡng, hội hè dân gian ở nhiều truyền thống tôn giáo, của nhiều dân tộc.

uu tien 1

Văn hóa Việt Nam không phải là ngoại lệ. Rượu xuất hiện trong sinh hoạt đời sống của người Việt không chỉ mang màu sắc nghi lễ mà còn gắn với quan niệm về thú tiêu khiển. Trong sách Việt Nam phong tục, ở phần bàn về các “cuộc tiêu khiển” của kẻ nhàn dật, người hưu quan trí sĩ như gảy đàn, ngâm thơ, đánh cờ, hút thuốc phiện, đánh tổ tôm, đánh kiệu, chơi cây cảnh (kiểng), thì cụ Phan Kế Bính viết về thú uống rượu như sau: “Lắm người bất đắc chí ở đời, mượn chén rượu để cho giải khuây, những khi buồn bực. Khi chiều hôm, lúc ban sớm, ngật ngù tay đũa tay chén, ngẫm nghĩ sự đời, coi như một giấc mộng hoàng lương. Hoặc khi gặp bạn tri âm mượn chén quỳnh, để giãi lòng tâm sự, có khi nhân cơn hứng thú, giốc bầu tiên mà đối cảnh thiên nhiên, vậy cũng là thú vị. Song uống lắm cũng say, những lúc khướt cò bợ mà nói cà nói xiên, cũng là nhân chứng tửu mà sinh ra bậy bạ thì rượu lại là một vật vô ích cho người” (trang 462, Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, NXB Văn hóa Thông tin, 2005).

Và trong Việt Nam văn hóa sử cương, nhà sử học Đào Duy Anh cũng ghi nhận rượu (tửu) thuộc một trong bốn thứ tiêu khiển của người giàu có phong lưu, nhàn hạ (cầm, kỳ, thi, tửu). Ông viết: “Uống rượu là cái thú của người hoặc buồn bực vì cảnh nhà, hoặc bất đắc chí vì công danh, hoặc về già đã chán cuộc đời, bèn mượn chén rượu để giải khuây. Cũng có khi người ta gặp bạn bè dùng chén rượu để trợ hứng, trong khi tỏ bày tâm sự, hoặc bàn tán cuộc đời. Song cái thói uống rượu này, nếu lạm dụng mà sinh ra nghiện thì là rất bậy” (trang 167, sđd, NXB Thế giới, 2014).

“Hội cự rượu” và luật cấm bán theo giờ

Như vậy, cái quan niệm lấy rượu làm tiêu khiển của người Việt có thể nói, từ xa xưa, phát xuất từ một đời sống tinh thần tích cực, coi trọng cái nhàn, cái phong lưu. Song, sự lạm dụng đến mức nghiện thứ thức uống này đã sinh ra cái những “vô ích”, cái “bậy”, tâm lý thoát ly thực tại trong sinh hoạt xã hội. Vì thế mà thời nào đã sinh ra lắm kẻ uống rượu thì cũng sinh ra có lắm kẻ chống rượu. Trên tờ Trung lập (số 6141 ra ngày 7-5-1930), ông Phan Khôi viết bài tán thành việc người ta lập ra cái gọi là “hội cự rượu” ở Sài Gòn, như bên Pháp đã từng làm. Phan Khôi lý luận: “Cái chủ nghĩa của hội cự rượu chẳng có gì là kịch liệt hay bạo động. Họ chỉ căn cứ theo phép vệ sanh và phép ưu sanh (eugénique) mà đi tuyên truyền cho người ta chừa cái hại uống rượu đi. Về đằng vệ sanh, cái hại của rượu là kém sức khỏe; về đằng ưu sanh, cái hại của nó là đẻ con ra yếu ốm khờ dại, có lẽ làm cho nhân loại càng ngày càng sa sút. Như vậy, lập hội cự rượu là một việc có ích cho loài người; nước nầy đã có thì nước kia cũng nên có”.

Chắc chắn ở những năm 30 của thế kỷ trước, dân Việt Nam không uống rượu bia, say sưa nhiều như bây giờ. Vậy mà cái “hội cự rượu” ở Sài Gòn vào những năm 1930 được ông Phan Khôi viết báo tán thành kia cũng từng bị người ta “bàn ra”, huống hồ chi là cái bản dự thảo có tên Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia mà Vụ Pháp chế, Bộ Y tế vừa công bố.

Chuyện luật hóa để hạn chế một thói xấu, một căn bệnh trong xã hội như thói ham mê rượu bia say xỉn là việc cần làm, vì một đời sống lành mạnh và văn minh. Nhưng với một thứ sản phẩm được xem là không thể thiếu trong đời sống văn hóa, đi vào tập quán ẩm thực, tập tính sinh hoạt của người dân, thì chuyện không hề đơn giản. Kế sách cấm bán theo giờ mà Bộ Y tế đưa ra xem ra không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Ví dụ, để “lách luật”, người ta vẫn có thể mua, xuất hóa đơn giờ này và uống vào giờ khác; khi người ta có thể sắp xếp cái sự say sưa vào những giờ giấc mà luật không cấm… Mới chỉ riêng điều này thôi, đã có thể thấy sự rối ren trong biện pháp thực thi, giám sát, tính khả thi của một dự luật. Và việc cả nước tiêu thụ đến 3 tỉ lít bia cho thấy rằng tuyên truyền thì cứ việc tuyên truyền, người uống thì cứ việc uống.

Trông chờ người dân tự điều chỉnh hành vi và nhận thức, hạn chế việc uống rượu bia theo đối sách cải thiện vị thế con người và văn hóa xem ra là giải pháp căn cơ gốc rễ và đòi hỏi sự kiên trì. Đó là một lộ trình rất dài, cần những thay đổi tích cực từ tâm cảnh xã hội.

Những biện pháp thực thi pháp luật trong trường hợp này có thể hạn chế, nhưng không thể là thứ hoàn chỉnh, triệt để nếu không cắt nghĩa được điều gì khiến cho một tập quán văn hóa đã chuyển hóa thành một thứ tệ nạn đang làm trì trệ xã hội, suy thoái sức khỏe nòi giống. Giải phẫu được yếu tố tâm lý, căn tính cộng đồng để có những sách lược phát triển con người và văn hóa bài bản hơn trong tương lai; giúp người dân có trách nhiệm với đời sống mình và người khác, yêu mến và làm chủ được cái thực tại mình đang sống mới là giải pháp căn cơ, toàn diện.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Kỳ tới: Đừng để rượu bia thành “kẻ nham hiểm”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt...

0
Trong đề án xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngoài nội dung...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Những lưu ý khi uống...

0
(SGTT) - Theo bác sĩ, việc ngâm rượu từ thực vật, động vật phải có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y....

TPHCM kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sau...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh...

Liên tiếp xảy ra ngộ độc rượu: Hồi chuông cảnh báo...

0
(SGTT) - Chỉ trong ba ngày, TPHCM đã xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng sau khi uống rượu. Theo...

Chuyên gia chỉ cách xử trí kịp thời khi ngộ độc...

0
(SGTT) - Trong thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước đã liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu. Đáng...

Chuyên gia lưu ý cách xử trí khi gặp tình trạng...

0
(SGTT) - Tết Nguyên đán 2022 đã qua, nhưng với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhiều gia đình vẫn liên tục...

Kết nối