Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Đừng để mỗi khi có ca Covid-19 mới, du lịch lại phải “dắt” khách chạy lòng vòng

Chuỗi 4 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở TPHCM vừa qua không chỉ làm ảnh hưởng đến du lịch vì làm cho khách hàng hủy tour, phòng khách sạn… mà còn làm nổi lên vấn đề là rất cần sự liên kết, điều hành chung để giảm thiểu sự thiệt hại của du lịch đặc biệt là khi dịch còn diễn biến phức tạp, vắc xin chưa sẵn sàng cho việc chủng ngừa. 

Hành khách đeo khẩu trang và mặt nạ chắn giọt bắn phòng lây nhiễm virus tại sân bay. Ảnh: Nhân Tâm

Phản ứng của các địa phương sau khi TPHCM công bố ca nhiễm trong cộng đồng là rất khác nhau, có nơi không có chỉ thị gì, nơi yêu cầu khách từ một số quận có người dịch phải cách ly nhưng có nơi lại cấm luôn tất cả các tour từ TPHCM… Sự không đồng bộ này khiến doanh nghiệp ngành của TPHCM bị động và đã phàn nàn rất nhiều.

Ngày 3-12, ba ngày sau khi TPHCM công bố ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (BN1.347), UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, đề nghị tạm dừng tour từ TPHCM tới Ninh Bình và ngược lại.

Sau đó, Sở Du lịch tỉnh yêu cầu tạm dừng áp dụng từ ngày 4-12 cho đến khi có thông báo mới. Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một số địa phương khác như Quảng Bình, Quảng Nam không dừng tour nhưng đưa ra một số yêu cầu như người đến từ một số quận 6, 10, Tân Bình và Bình Tân, những nơi có liên quan đến ca nhiễm phải cách ly tại nhà 14 ngày hoặc người dân đến các quận này phải theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong 14 ngày…

“Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu cơ chế đồng bộ để điều hành du lịch. Vì sao dịch xảy ra ở một chỗ nhưng có nơi dừng đón khách, nơi lại không?”, một doanh nhân nói khi trao đổi với TBKTSG Online về việc này.

Theo đó, lãnh đạo các địa phương có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng nếu xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng, cần thúc đẩy thì khi quyết định các biện pháp chống dịch cần phải tính đến tác động với du lịch, nếu không những nỗ lực kích cầu, mời chào khách đến trước đó coi nhưng “đổ sông đổ biển”.

Việc các địa phương có biện pháp ứng phó khác nhau với cùng một sự kiện khiến doanh nghiệp du lịch bị động và rất khó khăn khi điều hành tour cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến hủy, hoãn dịch vụ.

Như vụ việc vừa kể trên, đáng lẽ trước khi đưa ra quyết định về dừng tour hay xét nghiệm, cách ly du khách, địa phương nên thống kê xem còn bao nhiêu tour, bao nhiêu khách sẽ bị tác động, doanh nghiệp phải hủy tour đột ngột sẽ chịu ảnh hưởng ra sao để đưa ra những phương án hỗ trợ doanh nghiệp và du khách.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, người từng phải đưa du khách chạy khắp nơi khi các địa phương đột ngột đưa ra lệnh đóng cửa điểm đến hồi tháng 3 năm nay, cho rằng doanh nghiệp gần như không có cách xoay xở để giảm thiểu thiệt hại trong những lần bùng dịch.

Theo ông, các hành động ứng phó được đưa ra đột ngột là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn dịch bệnh nhưng cần dựa trên một quy chế chung để doanh nghiệp có thể lường trước nhằm tính toán việc điều hành. Thực tế, nhiều tour du lịch kết nối điểm đến ở những địa phương khác nhau, nếu không có quy chế chung để ứng xử khi bùng dịch thì du khách và doanh nghiệp sẽ không biết xử lý như thế nào khi trên một hành trình tour mà địa phương này cho vào còn nơi khác lại không.

“Khi có sự cố thì doanh nghiệp phải điều chỉnh tour mà điều chỉnh lại mất tiền đặt cọc dịch vụ. Vì thế, cần có bộ quy chế đón khách trong thời điểm có dịch. Quy chế đó nên phân ra từng cấp độ, mỗi cấp độ có những hình thức đón khách tương ứng để chúng tôi có căn cứ chủ động điều hành dịch vụ”, ông Toản nói.

Doanh nhân vừa có ý kiến ở đầu bài, cho rằng nếu không muốn du lịch phải “hy sinh” khi có dịch thì phải có cơ chế xuyên suốt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương và phối hợp liên vùng nhằm giải những vấn đề bất cập. Hiệu quả phòng chống dịch và kích cầu du lịch sẽ khó đảm bảo nếu tình để xảy ra tình trạng, khi điểm đến A tái dịch thì ngay lập tức điểm B đóng cửa còn các điểm khác vẫn cứ mở toang.

Ngày 11-12, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TPHCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, một số địa phương yêu cầu cách ly với người dân đến từ TPHCM là không cần thiết vì thành phố không phải ổ dịch.

Nhiều doanh nhân thở phào trước ý kiến của người đứng đầu ngành y tế nhưng vẫn đang chờ những thông báo mới từ các địa phương để cập nhật lịch trình tour. Khó khăn của du lịch trong mùa dịch này vẫn đang tiếp diễn.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Muốn là đảo ngọc, Phú Quốc cần tránh lặp lại sai...

0
Đảo Bali có hơn 4 triệu dân với diện tích 5.632 ki lô mét vuông, gần gấp 10 lần đảo Phú Quốc về...

Các điểm du lịch hấp dẫn dịp cuối hè ở Đồng...

0
(SGTT) - Trong thời gian gần đây, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn cho các kỳ nghỉ...

Hội chợ Du lịch quốc tế lớn nhất nước sắp được...

0
(SGTT) - Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC 2022) sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-9-2022. Sự kiện được kỳ...

Kết nối