Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Du lịch xanh – con đường khó nhưng phải đi

Thách thức của ngành du lịch tại Quảng Nam hiện nay là tìm cách để mô hình du lịch xanh có thể được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp hơn từ lữ hành đến lưu trú, nhà hàng… vì đây được xem là hướng đi phù hợp hiện nay và trong tương lai.
Khu vườn rau và thảo dược hữu cơ tại Sea’lavie Boutique Resort & Spa, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Những “cánh én” cùng góp sức cho mùa xuân

Sea’lavie Boutique Resort & Spa tại thành phố Hội An trong hai năm nay chuyển sang hoạt động lưu trú theo mô hình du lịch xanh. Khách khi đặt phòng trực tuyến sẽ được nhận tin nhắn tự động rằng khách sạn hoạt động hướng đến giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồ dùng một lần sẽ hạn chế đến mức tối đa nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Những người chủ nơi đây đầu tư khu vườn xanh, trong đó điểm nổi bật là khu vườn rau và thảo dược được trồng từ phân hữu cơ. Bên cạnh sử dụng rau trong vườn để làm thức ăn, thức uống cho khách, khu vườn cũng là một gợi ý cho khách có thể thực hiện tại nhà của mình, cộng đồng của mình.

“Tại đây, nhân viên đều có ý thức và có kỹ năng xử lý phân hữu cơ từ rác nhà bếp và rác cộng động”, cô Phạm Thị Hải Nguyên, chủ cơ sở Sea’lavie, nói và chia sẻ thêm hiện nay cơ sở phát triển thêm sản phẩm vườn thảo dược, hướng đến giáo dục khách sử dụng sản phẩm hữu cơ để chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, An Villa với 6 đơn vị phòng cho cá nhân và 3 phòng dành cho gia đình đi vào hoạt động từ 2017 đã được thiết kế theo mô hình xanh. Theo đó, An Villa được thiết kế như làng quê Hội An thu nhỏ, gần gũi thiên nhiên.

Nhân viên tại An Villa, thành phố Hội An giới thiệu góc phân loại rác tại cơ sở của mình. Ảnh: Nhân Tâm

Và cũng như tại Sea’lavie, khi khách nhận phòng tại An Villa, khách được “nhắn nhủ” ở đây hoạt động theo những tiêu chí xanh. Ví dụ như không cung cấp đồ dùng một lần để hạn chế xả thải ra môi trường. Khi khách ở đây sẽ trải nghiệm những mô hình xanh.

Rác tại khu lưu trú này được phân chia thành nhiều loại khác nhau để thuận tiện cho việc xử lý. Chị Nguyễn Thanh Tâm, quản lý của An Villa, đưa ra ví dụ thức ăn từ nhà bếp hay thức ăn thừa sẽ được chế biến làm thức ăn cho gà, ủ làm phân hữu cơ để để trồng cây và rau hay làm nước enzym để rửa chén.

Những rác nhựa hay nylon được tận dụng tái chế tối đa trước khi đưa cho đội vệ sinh môi trường. Nhân viên cũng ghi lại nhật ký đổ rác. Hiện nay, An Villa cứ ba tuần mới đổ chất thải rắn một lần, mỗi lần khoảng 8-9kg, chủ yếu là chai nhựa, chai ước uống hay bao nylon của khách để lại.

“Tại các phòng của An Villa không còn cung cấp các đồ dùng một lần thường thấy như kem đánh răng, bàn chải đánh răng…Thay vào đó, chúng tôi khuyến khích khách dùng đồ cá nhân của mình”, chị Tâm chia sẻ và cho biết thêm An Villa cũng có đặt máy nước lọc tại sảnh chung để khuyến khích khách dùng chai của mình đong đầy nước để dùng thay vì dùng những chai nhựa.

Vận hành cơ sở lưu trú có số lượng phòng lớn hơn Sea’lavie và An Villa, ông Vương Đình Mạnh, Giám đốc Hoi An La Siesta Resort & Spa, đã đưa ra những con số cụ thể khi áp dụng các tiêu chí du lịch xanh tại cơ sở của mình.

Nhờ không dùng bao nylon, thay vào đó là các loại vật liệu khác và các đồ dùng thủy tinh, La Siesta đã giảm hơn 10 triệu tiền mua bao nylon hằng năm so với trước kia. “Chúng tôi cũng giảm được rất nhiều tiền điện từ khi trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan đẹp và thêm hồ bơi”, ông Mạnh nói và phân tích việc làm giảm nhiệt các bức tường và tạo không gian để khách ra ngoài nhiều hơn giúp giảm được tiền điện hàng tháng ít nhất 20% so với trước kia.

“Các chị làm buồng phòng tại La Siesta hằng ngày thực hành các mô hình sinh thái, sau đó họ về lan tỏa tại gia đình và cùng người nhà thực hiện các hoạt động hướng đến môi trường xanh tại gia”, ông Mạnh – cũng là Chủ nhiệm CLB Du lịch Xanh (thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) – cho hay.

Con đường dài cần nỗ lực, hợp lực

Họ là ba trong số 10 doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, nhà hàng, khu du lịch sinh thái, cộng đồng…) ngày 7-12 vừa qua được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận du lịch xanh dựa theo Bộ tiêu chí du lịch xanh được ban hành vào tháng 12-2021.

Chị Vũ Mỹ Hạnh (đeo kính), Giám đốc Công ty giải pháp môi trường REED và Green Youth Collective, giới thiệu cách trồng cây theo phương pháp hữu cơ cho các chủ doanh nghiệp. Ảnh: Nhân Tâm

Đây cũng là 10 doanh nghiệp đầu tiên trong tổng số hơn 300 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội du lịch Quảng Nam (QTA) đạt chứng nhận du lịch xanh. Đây là một con số khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương miền Trung này.

Theo những người trong cuộc, để chuyển đổi sang mô hình hoạt động đáp ứng các tiêu chí du lịch xanh từ mô hình truyền thống lâu này là một con đường dài, có nhiều thách thức, nên cần sự kiên định và sự tham gia nhiều bên. Vì vậy, trong thời gian qua, QTA cùng các bên liên quan như SSTP (Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ) hay UNESCO tổ chức nhiều buổi tập huấn hay hướng dẫn thực tế cho các doanh nghiệp để hỗ trợ họ phát triển đúng theo bộ tiêu chí du lịch xanh mà Quảng Nam chính thức áp dụng từ năm nay.

Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp du lịch đang hoạt động tại Quảng Nam mới đây để giúp họ tháo gỡ những nút thắt để có thể chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh và đáp ứng các bộ tiêu chí du lịch xanh, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch QTA, đưa ra vấn đề thực tế nếu làm được du lịch xanh, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được một lượng khách lớn tiềm năng ưa thích trải nghiệm xanh hiện nay. “Những vị khách này cũng sẽ đồng hành cùng điểm đến, tạo them lợi ích cho doanh nghiệp và điểm đến”, ông Thanh cho hay. “Điều quan trọng là chúng ta phải hợp lực và có tác động chính sách mạnh hơn”.

Có được những hỗ trợ cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp đang có ý định chuyển đổi qua mô hình du lịch xanh.

Ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Emic Travel – đơn vị đang thực hiện các tour du lịch xanh – chia sẻ để thực hành du lịch xanh cần bắt đầu từ những vấn đề cơ bản của việc quản lý chất thải, phát triển nguồn lực nội bộ và đối tác, hỗ trợ cộng đồng… để đảm bảo cân bằng 3 trụ cột của sự phát triển bền vững. Đó là con người, lợi ích và trái đất.

“Từ các bộ tiêu chí [Bộ tiêu chí du lịch xanh], chúng ta tạo ra hệ sinh thái phù hợp với doanh nghiệp của mình để phát triển. Xanh đây không chỉ là màu xanh của cây cỏ. Xanh phải từ nhận thức của doanh nghiệp, nhân viên, chính quyền và cộng đồng. Hơn nữa, phải có những cơ chế bảo hộ cho những doanh nghiệp tiên phong thực hiện du lịch xanh”, ông Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, tại buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn QTA có nhiều hoạt động hướng dẫn thực tế hơn để họ có thể kinh doanh “xanh” hơn.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại – dịch vụ Tâm Group, năm 2019 mở dịch vụ du lịch bằng đường sông tại Quảng Nam phục vụ du khách. Bên cạnh giúp du khách có được những trải nghiệm về thiên nhiên, anh Tâm còn thiết kế các trò chơi dân gian, đưa du khách đi lặn ngắm san hô, câu cá, chèo thuyền thúng…

Tuy nhiên, sau 2 năm dịch, anh phải làm lại từ đầu và anh bắt đầu học cách làm du lịch xanh. “Xanh và bảo vệ môi trường là xu thế”, anh chia sẻ. “Vì vậy tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các bên để có thể phát triển du lịch đường song theo hướng xanh và bên vững”.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh Nga cùng chồng của mình (một doanh nhân người Thái Lan) đang kinh doanh mô hình farmstay tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ấp ủ một ước mơ giúp nông dân trồng lúa bền vững hơn. Cụ thể, nông dân trồng lúa tím than theo phương pháp hữu cơ không dung phân bón hóa học. Xung quanh các cánh đồng trồng lúa tím than là những phòng lưu trú được xây dựng theo tiêu chí thân thiện môi trường, một cái lò gạch cũ để khách “check-in” và một nhà hàng trên cánh đồng để khách dừng chân.

“Chúng tôi đang đơn độc làm một mình nên khó thành công”, chị nói và chia sẻ ước muốn có sự hỗ trợ từ QTA cũng như các đối tác để có thể phát triển mô hình này bền vững, không chỉ giáo dục cho doanh nghiệp và khách hàng, mà cỏn giáo dục người dân và học sinh.

Đại diện các doanh nghiệp khác cũng mong muốn cần có nhiều hơn những buổi tập huấn thực tế dành cho các nhân viên của họ để họ “thấm” và hiểu cách vận hành mô hình du lịch xanh.

Đưa ra những gợi ý để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn với du lịch xanh, chị Vũ Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty giải pháp môi trường REED và Green Youth Collective, đã đề cập đến vấn đề quản lý rác thải tại nguồn trong doanh nghiệp du lịch.

Các doanh nghiệp cần nhiều hơn các buổi hướng dẫn thực tế để có thể tiếp cận mô hình du lịch xanh. Ảnh: Nhân Tâm

“Các doanh nghiệp phải xác định chi phí bỏ ra làm tuần hoàn, du lịch xanh phải là chi phí đầu tư chứ không phải phí gánh nặng và cần có các nhà cung cấp nằm trong cùng hệ sinh thái dể cùng thực hiện”, chị Hạnh nói. “May mắn là tại Hội An có nhiều nhà cung cấp nằm trong hệ sinh thái này. Chúng tôi sẵn sàn hỗ trợ để kết nối với doanh nghiệp”.

Đứng trên quả điểm của doanh nhân làm du lịch xanh trong những năm qua cũng như chủ tịch QTA, ông Phan Xuân Thanh cho hay trong thời gian tới, hiệp hội sẽ cùng các bên liên quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, đào tạo để có nhiều doanh nghiệp hơn đạt chứng nhận du lịch xanh.

“Du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch Quảng Nam và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới”, ông Thanh nói và cho hay vì vậy tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam là nền móng cơ bản, nhằm thiết lập nền tảng cho sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch. Từ đó tạo giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, cho hoạt động du lịch ở Quảng Nam làm bước đệm mở rộng tiêu chí và vương tầm quốc tế.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh thách thức lớn nhất của việc thực hiện mô hình này là cần kiên định mục tiêu du lịch bền vững và thực hành tiêu chí du lịch xanh, nương tựa vào tự nhiên và giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam. Các doanh nghiệp không thể chuyển đổi quá chậm vì ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh nhưng cũng không thể thực hiện quá nhanh vì dễ dẫn đến đi chệch hướng.

“Du lịch xanh Quảng Nam phát triển từ nhận thức, ý niệm đến mô hình và sản phẩm hiện thực. Nhiều doanh nghiệp, cở sở hoạt động du lịch tiên phong đã nhận lại giá trị và lợi ích khi bước trên con đường gian khó của du lịch xanh bền vững này”, ông Vương Đình Mạnh, Chủ nhiệm CLB Du lịch xanh, chia sẻ.

Nhân Tâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối