Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Du lịch Việt Nam: còn rác thải đừng nói đến bền vững

(SGTT) – Môi trường và trải nghiệm của du khách đang bị ảnh hưởng bởi nước thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa tại các điểm du lịch, bãi biển.

Nhiều người còn gọi đây là “vấn nạn”, cần phải giải quyết nhanh nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.

Hè rồi, chuyến du lịch tại Phước Tĩnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của gia đình anh Nguyễn Minh (TPHCM) đã phải rút ngắn lại. Thay vì ở ba ngày hai đêm, cả nhà chỉ lưu lại một đêm rồi về vì không chịu nổi mùi hôi cùng rác thải tại đây.

Đi chơi mất vui vì… rác

Trước tình trạng rác thải tràn ngập một số vùng biển Việt Nam, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi xả rác. Ảnh: Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.

“Bãi biển đầy rác, mép biển thì dập dềnh túi nylon, ly nhựa, lưới đánh cá… cộng thêm mùi hôi từ những ống nước thải đen ngòm của các khu nghỉ đổ ra biển làm chúng tôi không chịu nổi”, anh Minh nói.

Theo anh, khu nghỉ cả nhà thuê chưa được xếp hạng sao, lại ở trong vùng du lịch chưa phát triển nhưng có giá gần 900.000 đồng/đêm là không rẻ.

Tuy nhiên, gia đình chấp nhận vì nghĩ rằng nơi vắng khách du lịch thì biển sẽ sạch, không khí sẽ trong lành để cả nhà có thể quay về với thiên nhiên nhưng trải nghiệm của chuyến đi lại hoàn toàn ngược lại.

Câu chuyện của anh Minh không là cá biệt. Chị Thanh Thùy (TPHCM) sau chuyến du lịch Mũi Né, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận về đã cho biết bản thân rất ngán ngẩm với tình trạng rác thải nơi này.

“Khu vực bậc thang dẫn xuống bờ biển Mũi Né người dân bày bán hải sản nướng, kế bên là rác thải nylon, chai nhựa, thức ăn thừa… bốc mùi. Tìm một chỗ không có rác vương vãi để chụp ảnh cũng khó”, chị nói.

Tương tự, một số khách du lịch khi tắm biển ở Cần Giờ, TPHCM cũng e ngại tình trạng rác nylon, lưới cá vứt đi… quấn vào ống chân, hoặc rác vùi trong các bờ đá dẫn ra biển.

Nhiều du khách, doanh nghiệp và các chuyên gia du lịch cũng than phiền về tình trạng tương tự ở các khu du lịch, các bãi biển trên khắp cả nước.

Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, vịnh Hạ Long, Sa Pa… đều đang phải đối mặt với tình trạng này.

“Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ở Phú Quốc quá nhiều và cần phải giải quyết nếu không sẽ ảnh hưởng đến du lịch,” ông Pieter De Weerd, tổng quản lý resort Pullman Phú Quốc, nói trong một hội nghị tại TPHCM.

Cụ thể, theo báo cáo tháng 7-2018 của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), mỗi ngày huyện đảo này phát sinh 155 tấn rác nhưng chỉ thu gom được 91 tấn.

Rác thải sau khi thu gom được đưa đến các bãi rác, chưa qua xử lý nên gây ra tình trạng ô nhiễm, chủ yếu là chai nhựa, bao bì nylon, vỏ kẹo bánh…

Nhiều doanh nhân khác cũng có nhận định tương tự, cho rằng vấn đề lớn ở Phú Quốc, Côn Đảo và nhiều điểm du lịch biển khác là lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh; hệ thống nhà hàng, khách sạn mở thêm nhiều nhưng lại chưa có nhà máy xử lý rác.

Tình trạng này kèm theo việc nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển đang xả nước thải ra biển làm cho môi trường ngày càng xấu đi.

Mới đây, trao đổi với những người đứng đầu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, một số doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản còn cho rằng họ rất muốn đưa khách du lịch Nhật Bản đến Phú Quốc nhưng vẫn băn khoăn chưa làm được vì đảo ngọc đang bị ô nhiễm do nạn xả rác bừa bãi, nước thải đổ thẳng ra biển.

Thói quen xả rác bừa bãi

Trong báo cáo có chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, mặc dù đã có một số cải thiện từ năm 2013 nhưng vẫn còn một tỉ lệ lớn du khách ra về mà chưa thỏa mãn với một số yếu tố quan trọng về trải nghiệm của chuyến đi.

Trong đó, ấn tượng xấu của du khách nước ngoài là thói quen xả rác bừa bãi của người dân địa phương.

Nếu không xử lý, những vấn đề đó kết hợp với tình trạng quá tải ngày càng tăng ở các điểm đến sẽ gây rủi ro, khiến những khách đến lần đầu không muốn quay trở lại và châm ngòi cho những lời giới thiệu và bình luận tiêu cực.

Theo WB, khi lượng khách tiếp tục đổ về ngày càng nhiều thì áp lực về xử lý nước thải và mức độ tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao. Những điểm đến có yếu tố thiên nhiên hấp dẫn đang chịu nhiều rủi ro.

Thực tế, những đống túi nhựa và rác thải đang trở thành những hình ảnh phổ biến trên các bãi biển trước đây còn nguyên sơ ở Việt Nam.

Chẳng hạn, tại vịnh Hạ Long, ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các chuyến tàu du lịch và làng chài trong vịnh gây ra vẫn là vấn đề đang tồn tại dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp như tái định cư làng chài, thắt chặt quy định xả thải của tàu thuyền.

Rủi ro vẫn tiếp diễn diễn do lưu lượng tàu thuyền quá lớn và nhiều tàu cũ.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách, theo báo cáo của WB.

Bắt tay vào dọn rác

Một điều đáng ghi nhận là ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng xả rác và rác thải nhựa của những người làm du lịch đang ngày càng tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp không những kêu gọi du khách cùng bảo vệ môi trường mà còn lồng ghép các hoạt động như dọn rác, loại bỏ rác thải nhựa vào chương trình tour và hoạt động của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, có công ty còn tổ chức những chương trình riêng tại các điểm đến để giảm rác thải.

“Chúng tôi đã mời khách uống nước bằng ly thay vì dùng loại nước uống đóng chai nhựa”, ông Nguyễn Thế Khải, Giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ ở TPHCM nói.

Ông Khải cho biết thời gian đầu khách đến giao dịch không quen nhưng công ty vẫn quyết làm để giảm thải rác thải nhựa.

Nhiều công ty khác như Jack Trần Tour ở Hội An thì liên tục tổ chức các chương trình thu gom rác ở Hội An và Cù Lao Chàm cũng như đặt các thùng thu gom rác lớn để làm sạch môi trường.

Vietravel ở TPHCM vừa hợp tác với Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình bảo vệ môi trường du lịch “Du lịch xanh” nhằm hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần trong các cơ sở kinh doanh du lịch tại các điểm đến du lịch.

Công ty này còn khuyến khích khách du lịch sử dụng, mang túi có chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong khi đi du lịch, bỏ rác và phân loại rác đúng nơi quy định…

Người dân làm du lịch ở một số điểm du lịch cũng có ý thức tốt hơn trong việc hạn chế rác thải trong quá trình khai thác du lịch.

Chẳng hạn Cồn Sơn, một điểm du lịch cộng đồng có lượng khách lớn ở Cần Thơ vẫn giữ được vệ sinh môi trường, cảnh quan dù lượng khách tăng cao.

Đặc biệt, người dân đang hợp tác với doanh nghiệp lữ hành thực hiện chương trình không mang rác nhựa đến Cồn Sơn để bảo vệ môi trường.

Chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ

Chính quyền nhiều địa phương cũng vào cuộc. Trong đó, Phú Quốc, Côn Đảo… đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải, xử lý rác.

Ngành du lịch nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Bình Thuận kêu gọi hạn chế rác thải nhựa.

Đặc biệt, từ ngày 1-9 tới, Ban quản lý vịnh Hạ Long, Quảng Ninh sẽ cấm sử dụng chai nhựa dùng một lần trên vịnh.

Thay vào đó, các đơn vị kinh doanh sẽ dùng vật dụng bằng giấy, bằng thủy tinh và vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.

Sau ngày này, ban quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra và doanh nghiệp cố tình không thực hiện sẽ bị xử phạt bằng các biện pháp như dừng hợp đồng cung cấp dịch vụ trên vịnh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những hành động như ở vịnh Hạ Long là rất cần thiết để giải quyết tình trạng rác du lịch tràn lan.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên vào cuộc mạnh mẽ hơn, thay vì kêu gọi ý thức của du khách và những người làm du lịch thì nên có chế tài mạnh hơn nữa với những hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, cần phải có quy hoạch đồng bộ, đầu tư mạnh hơn cho hệ thống xử lý rác và nước thải tại điểm đến tại các khu du lịch.

“Việc đầu tư cho hệ thống thu gom rác, nhà máy xử lý rác, nước thải cần phải làm trước khi phát triển điểm du lịch. Theo tôi, đây là khoản đầu tư mà địa phương phải bỏ ra chứ không thể chờ du lịch phát triển rồi mới kêu gọi doanh nghiệp đầu tư như nhiều nơi đang làm”, một doanh nhân trong ngành du lịch chia sẻ.

Theo thông tin từ cơ quan Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (thuộc Liên Hiệp Quốc) công bố cuối năm 2018, mỗi năm Việt Nam xả từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa ra biển, chiếm 6% lượng rác thải nhựa thải ra biển trên toàn thế giới và đứng thứ tư thế giới. Dẫn đầu là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.Còn theo số liệu từ Viện nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, lượng rác trôi ra biển sẽ dẫn tới tình trạng phá hủy môi trường đại dương, khiến nhiều loài sinh vật biển tổn thương vì nhầm tưởng đó là thức ăn.

Minh Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lonely Planet gợi ý 13 hoạt động nên làm khi du...

0
(SGTT) - Joe Bindloss, cây viết của Lonely Planet đã chia sẻ những trải nghiệm khám phá ẩm thực, chạy xe máy và tắm...

Chuyện trò du lịch thời nay: Kỳ vọng một năm ‘bay...

0
(SGTT) - Khép lại năm Quý Mão 2023 cũng là năm du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và tuy đạt được mục...

Tripadvisor vinh danh 3 điểm đến của Việt Nam

0
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội An là ba điểm đến được xếp hạng ở giải thưởng “Travelers' Choice Best of...

Việt Nam qua góc máy của du khách Thái Lan

0
(SGTT) - Blogger Jatiewpainai đến từ Thái Lan với hơn 1,6 triệu lượt theo dõi trên Facebook vừa có chuyến du lịch Việt Nam...

Du khách Thái Lan ấn tượng với cảnh sắc và ẩm...

0
(SGTT) - Phong cảnh đẹp, ẩm thực đa dạng, nền văn hóa độc đáo và mức giá phải chăng là những lý do khiến...

Tam Đảo, Bắc Ninh lọt top điểm đến mới nổi của...

0
Agoda vừa chia sẻ danh sách Vietnam’s New Horizons (Những điểm đến nổi bật mới của Việt Nam), bao gồm những điểm đến mới...

Kết nối