(SGTT) – Nếu bạn có tình yêu với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, với những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, với những núi đồi đỏ rực màu hoa pơ lang và màu xanh bát ngát của nhưng đồi rẫy café, với hương vị rượu cần nồng nàn độc đáo, với tiếng cồng chiêng rộn rã mùa lễ hội… hãy theo tôi, chúng ta cùng đi đến thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk nằm ẩn mình trên vùng đất Tây Nguyên lộng gió.
- Du lịch giữa mùa dịch: Một lần đến Lam Kinh, Thanh Hóa
- Du lịch giữa mùa dịch: Ninh Thuận, vẻ đẹp hoang sơ và mộc mạc của vùng đất đầy nắng gió
Đầu tiên khi nhắc tới Buôn Ma Thuột, không thể không nhớ tới hình ảnh của cụm 3 thác nước hùng vĩ: Dray Sap, Dray Nur và Gia Long. Nằm trên sông Serepok, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km.
Du khách khi đến đây sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đại ngàn, dòng nước chảy siết, cuồn cuộn, tạo nên những bọt tung trắng xóa. Kết hợp với cái nắng cái gió của Tây Nguyên, du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng mỹ cảnh cầu vồng xuất hiện lung linh sắc màu.
Tiếp theo, thác Gia Long là tên gọi của con thác mà khi xưa vua Gia Long đã đặt chân đến để nghỉ ngơi và thưởng thức quang cảnh. Xung quanh thác là nghi ngút hàng cây cổ thụ rợp bóng khiến ai đến thăm cũng không khỏi trầm trồ. Thậm chí, có nhiều cây đã đạt đến tuổi thọ trăm năm, tán cây rộng lớn, cao vút, rậm rạp đem đến nguồn không khí tươi mát, trong lành, thuần khiết.
Nói đến Buôn Ma Thuột, chúng ta không thể không nhắc tới núi Đá Voi mẹ. Núi Đá Voi mẹ là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam, với độ cao hơn 30m và chiều dài xấp xỉ 200m.
Đứng trên đỉnh núi Đá Voi mẹ, du khách có thể chiêm ngưỡng quang cảnh hồ Yang Reh và mái nhà của Tây Nguyên – dãy Chư Yang Sin. Tương truyền rằng thần đá sẽ che chở cho những cặp đôi yêu nhau với nhưng lời hẹn ước khi ngồi cùng nhau trên đỉnh đá cùng ngắm mặt trời và mây núi.
Tiếp theo, tôi ghé thăm hồ Ea Kao, nơi sở hữu những con đường được bao bọc bởi sắc xanh tươi mát của cỏ cây và những ngôi nhà sàn ẩn mình bình yên giữa bạt ngàn núi rừng.
Nếu du khách ghé thăm nơi đây khi bình minh tới, ánh sáng mềm mại chiếu sáng trên mặt hồ gợn từng cơn sóng nhẹ, cái lạnh nhè nhẹ của buổi sớm mai, những giọt sương còn đang vươn mình trên tán lá, một sự khởi đầu bình yên, làm con người ta cảm thấy thật dễ chịu.
Còn hoàng hôn thì sao nhỉ? Ánh vàng đượm buồn khắp không gian, nhưng bạn yên tâm nhé, màu vàng ấy không đem lại sự buồn bã, mà đem đến một khoảnh khắc chững lại của năm tháng, khiến bản thân được thả hồn vào không gian, thời gian trôi chậm lại, cảm nhận được nhiều điều hơn nữa.
Nếu bạn theo tôi đi về hướng Đông, chúng ta sẽ đến Khu du lịch Kotam – địa điểm này chỉ cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chỉ hơn 8km và có khung cảnh tuyệt đẹp.
Nơi đây có dòng sông nguồn Kotam, có những ngôi nhà sàn dài đậm nét văn hóa của người dân tộc Ê Đê, nơi ngập tràn sắc đẹp của tự nhiên, vườn hoa thơm ngát, đàn bướm lượn quanh. Du khách có thể thả mình vào khung cảnh của tự nhiên để bỏ đi những lo toan vất vả của thường ngày.
Đối với những du khách có niềm đam mê với văn hóa lịch sử lâu đời, hay những kiến trúc đặc trưng thì sao lại không thử ghé thăm bảo tàng Đăk Lăk nằm trong khuôn viên của biệt viện Bảo Đại.
Cuối cùng, đã đến Buôn Ma Thuột, bạn không thể bỏ qua cơ hội ghé thăm làng cà phê Trung Nguyên. Đây là một trong những điểm hẹn đầy sức quyến rũ mang trong mình một bầu trời văn hóa Tây Nguyên.
Có thể nói làng cà phê Trung Nguyên là một địa điểm thể hiện rõ nhất nét văn hóa Tây Nguyên thông qua hình ảnh các nông cụ, công cụ sản xuất, những bản nhạc được thực hiện bởi nhạc cụ độc đáo và đậm chất riêng như đàn đá, cồng chiêng, đàn T’rưng.
Đến với làng, bạn có thể nghỉ ngơi trong những không gian rộng lớn với lối kiến trúc độc đáo, nhâm nhi ly cà phê thơm ngát mang cái tình của những bản làng Buôn Ma Thuột, đắm mình thư giãn trong khoảnh khắc êm đềm bình yên và khiến cho cảm xúc về chuyến đi bỗng thăng hoa hơn nữa.
Trong chuyến hành trình này, mình cũng đã có cơ hội được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng nơi đây như gỏi lá, cơm lam, gỏi cà đắng cá cơm, bún chìa, bún đỏ Buôn Ma Thuột… ngon đến nỗi không thể nào quên.
Võ Minh Thông