Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Du lịch cũng ‘mùa vụ’!

Nông dân canh tác phụ thuộc mùa vụ, thương nhân làm ăn theo thương vụ, giới chức nặng tư duy nhiệm kỳ đang dần thay đổi, nhưng ngành kinh tế tổng hợp du lịch thì vẫn đang cho thấy còn nặng tính mùa vụ.
Ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích của du khách. Ảnh: TL

Mùa du lịch hè năm ngoái, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ lượng khách du lịch vào tháng 4 là 10,5 triệu lượt, tháng 5 có 12 triệu lượt, tháng 6 là 12,2 triệu lượt và tháng 7 có 11 triệu lượt. Nhưng cuối năm 2022, du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn không đạt mục tiêu đề ra, bị cho là “đi trước, về sau” so với Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 102 triệu lượt khách du lịch nội địa. Dịp lễ 30-4, 1-5 và Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua là “vụ mùa” lớn của ngành du lịch. Cả nước đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó có 300.000 khách quốc tế, 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ 2022.

Phụ thuộc nhiều vào mùa vụ

Những con số nghe rất vui tươi, phấn khởi, nhưng cũng cho thấy tâm lý phụ thuộc thời vụ của ngành du lịch Việt Nam. Lượng du khách Việt đổi tour, chọn tour đi nước ngoài do giá rẻ, dịch vụ tốt hơn so với trong nước tăng mạnh. Tỷ lệ các tour lấp đầy hơn 90%, nhiều tour như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Bali (Indonesia) hết chỗ. So sánh giá tour Bangkok – Pattaya (Thái Lan), đi từ TPHCM chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/khách; trong khi vé máy bay khứ hồi TPHCM – Phú Quốc rẻ nhất đã gần 4 triệu đồng/người, thêm chi phí ăn uống ngủ nghỉ, tiết kiệm lắm cũng mất 7-8 triệu đồng, thì dễ hiểu tại sao nhiều du khách chọn tour ngoại.

Tâm lý “gom lúa theo mùa”, tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ như “té nước theo mưa”, không chỉ thấy ở hiện tượng các hãng hàng không, tàu, xe tăng giá vé dịp lễ, mà tồn tại trong tâm lý “lễ mà, Tết mà” làm một mùa, ăn cả năm của nhiều người trong ngành này. Du lịch Việt đang phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Mức tăng trưởng về lượng du khách, doanh thu dịch vụ của ngành du lịch chủ yếu dựa vào tính mùa vụ, lễ, Tết, kéo theo hàng loạt hệ lụy tắc nghẽn giao thông, tình trạng chặt chém du khách mùa du lịch.

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Chính vì vậy mà yếu tố theo mùa, tận dụng sự khác biệt giữa những không gian du lịch trong cùng một thời điểm, sự thay đổi tích cực về khí hậu, thời tiết, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo giữa các vùng miền, quốc gia hay các sự kiện thể thao qua các chuyến đi để tạo sức hấp dẫn du khách luôn được ngành du lịch tập trung khai thác. Nhưng khai thác mùa vụ khác với phụ thuộc vào mùa vụ. Du lịch chỉ dựa hẳn vào tính mùa vụ, hoạt động du lịch, các sản phẩm du lịch và người làm du lịch chỉ trông chờ vào tính theo mùa, dễ nhàm chán, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, giảm tỷ lệ trở lại của du khách.

Làm gì để du lịch thoát khỏi cảnh ăn xổi, ở thì, sức ỳ dựa vào mùa vụ? Làm gì để du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, trở thành gói du lịch tích hợp đa giá trị kinh tế, văn hóa, môi trường? Vấn đề này cần thời gian và cả sự trả giá, nhưng điều mang tính quyết định vẫn là việc thay đổi tư duy, nhận thức của ngành du lịch, người làm du lịch.

Du lịch tích hợp đa giá trị

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Ngoài việc đòi hỏi sự tích hợp đa giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường sinh thái, ngành kinh tế mặt tiền này còn có thể liên kết với chuỗi giá trị “bếp ăn” – được hiểu là các giá trị ẩm thực đa dạng, hấp dẫn của Việt Nam – để trở thành “bếp ăn của thế giới”. Điểm nhấn dịp cuối tuần, sản phẩm du lịch hấp dẫn được đầu tư không phụ thuộc mùa vụ du lịch sẽ góp phần tăng thời gian du lịch trong năm, giúp co giãn các áp lực tập trung đông người.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Ngoài việc đòi hỏi sự tích hợp đa giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường sinh thái, ngành kinh tế mặt tiền này còn có thể liên kết với chuỗi giá trị “bếp ăn” – được hiểu là các giá trị ẩm thực đa dạng, hấp dẫn của Việt Nam – để trở thành “bếp ăn của thế giới”. Ảnh: Quỳnh Như

Việc phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng Internet tích hợp, điện thoại di động thông minh, thương mại điện tử đã cung cấp các nền tảng công nghệ tốt hơn cho nhiều ứng dụng số cho ngành du lịch. Khẩn trương số hóa toàn bộ các dữ liệu du lịch, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến.

Ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ. Nguồn dữ liệu này khi đủ lớn và chi tiết có thể được khai thác như một tài nguyên chung, phục vụ tốt nhất trải nghiệm của du khách, nhằm tăng tỷ lệ khách trở lại – vốn đang là điểm yếu của Việt Nam.

Chuỗi giá trị du lịch không thể “gói” trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch; tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng.

Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn bằng cách làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, nhưng lâu dài là tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, chứ không chỉ dựa vào tính mùa vụ, hay khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên mà thiếu sự đầu tư, tôn tạo và phát huy tương xứng.

Tư duy nhiệm kỳ của quan chức, suy nghĩ thương vụ của doanh nhân và cách làm nặng tính mùa vụ của nông dân đang được chuyển đổi bằng tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật, thì ngành du lịch, một ngành kinh tế tổng hợp, không lý do gì chưa chuyển đổi để thoát khỏi sự lệ thuộc của du lịch mùa vụ.

Trần Hữu Hiệp

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối