Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Du lịch cộng đồng trong dân cư, không dễ như nhiều người lầm tưởng

(SGTT) – Xu hướng khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa lại không thể đi du lịch theo đoàn đông, đại trà thì việc phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất thuận lợi và các mô hình du lịch cộng đồng cần nắm bắt ngay cơ hội.
Một khoảng không gian của rừng núi Tây Bắc.

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Du lịch cộng đồng là loại hình do cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững.

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân tại điểm du lịch thông qua làm các dịch vụ phục vụ du khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới, nhiều quốc gia đã xem du lịch cộng đồng như là một công cụ xóa đói giảm nghèo. Các quốc gia nằm trong tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan đã xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng nhất.

Du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Phương thức này được xem là một trong những loại hình du lịch có trách nhiệm, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Còn với du khách, loại hình này giúp họ có cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm sâu hơn cuộc sống hàng ngày của cộng đồng bên cạnh các hành trình thông thường.

Chúng ta cũng thấy rõ là Việt Nam đã và đang khai thác loại hình du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch. Đây được xem là hoạt động kinh tế cơ bản vừa đáp ứng nhu cầu của du khách vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Các hình thức du lịch cộng đồng thường thấy ở nước ta như du lịch homestay, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tìm hiểu lối sống thường ngày của  người dân bản địa, tham quan các bản làng dân tộc, tham quan nghiên cứu đa dạng sinh học… tại các tỉnh Đông và Tây Bắc bộ, khu bảo tồn Cù Lao Chàm, tại làng rau Trà Quế Hội An, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên…

Từ hơn mười năm qua đã có nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch thông qua việc xây dựng các tuyến trekking, tổ chức các tour, tuyến, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay để thu hút du khách, đào tạo nhân lực phục vụ…

Còn nhiều việc phải làm…

Nhưng để du lịch cộng đồng thật sự cất cánh, còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần phát huy giá trị cốt lõi của loại hình này là gìn giữ bản sắc, yếu tố chân thực của văn hoá bản địa.

Một điểm nghỉ du lịch cộng đồng tại Lai Châu.

Các hoạt động hiện nay của du lịch cộng đồng chỉ mới mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, chưa đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hoá của cộng đồng và chưa thật sự có các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng ở Việt Nam đang thiếu liên kết, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, công tác quảng bá du lịch còn hạn chế.

Qua kết quả khảo sát của trường Đại học Cần Thơ, năm 2019 chỉ có 10% khách đến tham quan điểm du lịch thông qua các công ty lữ hành, 90% là du lịch tự túc. Đã thiếu kết nối với các doanh nghiệp đưa khách đến lại thiếu các kênh truyền thông, quảng bá thì việc kiếm khách đương nhiên là khó khăn.

Hơn nữa, chúng ta phải vượt qua định kiến du lịch cộng đồng là “cây nhà lá vườn”, không cần đào tạo bài bản. Nhu cầu sử dụng dịch vụ của du khách ngày càng cao, khách có thể cùng người dân trải nghiệm nguyên bản các hoạt động thường ngày nhưng phải được sử dụng dịch vụ lưu trú tiện nghi đạt chuẩn, ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia, nhân sự trong du lịch cộng đồng cũng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp.

Ông Dương Minh Bình, nhà sáng lập CBT Travel, người được người dân du lịch cộng đồng các tỉnh miền núi Tây Bắc gọi là “phù thủy homestay” chia sẻ: “Du khách thích thú khi cùng người dân tham gia các hoạt động chân lấm tay bùn hàng ngày nhưng sẽ hài lòng khi ở trong các homestay kiến trúc dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có tại địa phương, lồng ghép tinh tế vật liệu tre, đá hài hòa với khung cảnh xung quanh nhưng dịch vụ như năm sao, giá chưa tới một sao càng tốt”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các mô hình du lịch cộng đồng vốn chỉ dành cho khách nước ngoài đang rất khó khăn để duy trì và phát triển nên Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng, khuyến khích sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Với các điểm đến cần tự cứu mình. Cần chuẩn bị chuyển hướng đẩy mạnh khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa; lồng ghép việc quảng bá sản phẩm, điểm đến, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch giáo dục, du lịch học đường đến các điểm đến du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, điểm đến cũng cần nghiên cứu, tạo ra một phong trào “staycation” trong nước, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, về địa phương mình đang sống nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch tại điểm đến bằng chính những du khách tại địa phương hoặc các khu vực lân cận.

Với xu hướng phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới như hiện nay, khi khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa lại không thể đi du lịch theo kiểu đoàn đông, đại trà thì việc phát triển mô hình này tại Việt Nam trong thời gian tới vô cùng thuận lợi và các mô hình du lịch cộng đồng cần nắm bắt ngay cơ hội.

Du lịch cộng đồng ở Lai Châu: Lợi thế và khó khăn

Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch, được livestream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị qua ứng dụng Zoom vào lúc 9:30 Thứ Năm, ngày 26-8.

Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của Đài Truyền hình Hậu Giang.

Trong chương trình này, chị Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch sẽ làm người dẫn chuyện (Moderator).

Khách mời của chương trình là chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Lai Châu và chị Hảng Thị Sú, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, nơi được biết đến từ câu chuyện “bản nghiện” đã thay đổi thành bản du lịch cộng đồng độc đáo. Tất cả người dân trong bản không hút thuốc, không chơi cờ bạc, không uống rượu, không vứt rác bừa bãi, đặc biệt, từ năm 2015, bản cũng không còn người nghiện hút.

Phan Yến Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đừng làm du lịch cộng đồng trá hình!

1
(SGTT) - Làm du lịch theo kiểu "giả trang" thì không bảo tồn được văn hóa, cũng không thu hút được khách du lịch...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Kể chuyện làm du lịch cộng đồng ở ngoại ô TPHCM

0
(SGTT) - “Hồi trước chưa biết làm du lịch là gì, mình toàn lo chuyện nội trợ hoặc làm lụng ruộng vườn, với ở...

Ra ngoại thành, ngồi chiếu cói mạn đàm du lịch cộng...

0
(SGTT) - Ngày 15-4, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn cùng Công ty TNHH Thuyền...

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Kết nối