Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Đón khách Ấn Độ: tiềm năng cao nhưng không dễ phục vụ

(SGTT) - Với dân số hơn 1,4 tỉ người và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, Ấn Độ trở thành thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen chi tiêu, việc phục vụ cho đối tượng khách du lịch Ấn Độ đòi hỏi những yêu cầu khác chuyên biệt, thậm chí là khắt khe. Đây cũng là những trở ngại và thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp lữ hành, nghỉ dưỡng.

Qua nhiều năm, vẫn chỉ là thị trường tiềm năng

Sau dịch Covid-19, thị trường khách châu Âu chưa hồi phục lại hoàn toàn ở Việt Nam thay vào đó là sự nổi bật của nhóm khách đến từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Họ có xu hướng chọn du lịch tại các thành phố lớn ở Việt Nam như TPHCM, Hà Nội và các điểm đến quen thuộc như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Hội An, Đà Lạt.

Được biết, lượng khách Ấn Độ tới Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019, tăng từ 85.000 lượt khách đến 169.000 lượt khách và từng vươn lên top 16 thị trường có khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra nước ta đón khoảng 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đáng chú ý là thị trường Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh với hơn 141.000 lượt khách, đứng thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam.

Ghi nhận từ một số điểm lưu trú, dịch vụ ở các vùng du lịch, các đại diện chia sẻ mùa hè 2023 khách châu Á chiếm phần lớn công suất phòng. Khách từ những quốc gia lâu nay như Mỹ, Canada, Úc, Nga… với những ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách thị thực chưa thông thoáng (trước ngày 15-8) có thể là một trong nhiều nguyên nhân chưa gia tăng lại ở Việt Nam.

Ẩm thực Ấn Độ đang dần phổ biến hơn tại nhà hàng khách sạn Việt Nam. Ảnh: Le Pavillon Hoi An

Đại diện khách sạn Viễn Đông ở TPHCM cho biết lượng khách Ấn Độ tăng mạnh từ đầu năm đến nay cả đối tượng khách bình dân và khách có thu nhập cao. Ở khách sạn khác ngay trung tâm thủ đô Hà Nội cũng ước tính khách Ấn Độ hiện nay tăng khoảng 30% so với những thời điểm khác tại đây, chiếm khoảng 25% doanh thu của doanh nghiệp bên cạnh các tệp khách truyền thống.

“Chúng tôi khá bất ngờ vì thấy khách Ấn Độ đến Hà Nội ngày càng nhiều và đem lại nguồn thu đáng kể cho đơn vị kinh doanh lữ hành. So với trước đây đội ngũ quen tiếp đón khách Âu là chính, khách Ấn không mới nhưng giờ đường phố ngày càng xuất hiện nhiều hơn những năm về trước. Từ đó, chúng tôi cũng ý thức được việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cho thị trường mới”, chị Ngọc Phượng kể.

Qua khảo sát, các điểm đến du lịch khác trong mùa hè này cũng hút khách từ Ấn Độ như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang với các nhu cầu như nghỉ dưỡng dài ngày theo tệp khách gia đình, tổ chức lễ tiệc với quy mô lớn tại các không gian chất lượng 5 sao, đi theo đoàn từ New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore, Kolkata của Ấn Độ. Hiện ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Indigo (Ấn Độ) đang khai thác 21 đường bay thẳng với hơn 60 chuyến bay mỗi tuần kết nối giữa các thành phố lớn của hai nước.

Lượng khách tăng mạnh nhưng không dễ phục vụ

Việc đón khách Ấn Độ được đánh giá có điểm đặc thù vì đây là quốc gia đa tôn giáo, các nhóm khách sẽ theo nhiều tôn giáo khác nhau. Dựa vào sự đa dạng tín ngưỡng, văn hóa, việc cung cấp dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cũng cần được doanh nghiệp đầu tư thêm và đào tạo lại nhân lực.

Đại diện của Le Pavillon Hoi An tại Hội An, Quảng Nam, cho biết khách sạn này từng đón nhiều du khách Ấn Độ và ấn tượng bởi sự khác biệt hoàn toàn của họ về khẩu vị ẩm thực, thói quen sinh hoạt so với khách nội địa hoặc khách châu Âu. Đơn cử, người Ấn thường ăn chay hoặc kiêng sử dụng một số thực phẩm từ thịt bò, họ thích ăn gia vị cay nồng, phong cách chế biến đậm vị hăng cay.

Ở Việt Nam có lợi thế nguồn rau củ quả phong phú, thịt heo, gia cầm cũng đa dạng có thể bổ sung vào thực đơn của du khách Ấn. Tuy vậy để đào tạo cách nấu món Ấn hoặc tìm đầu bếp chuyên còn khá ít, cần gửi nhân lực đi học hoặc tuyển mới nhân sự nếu lượng khách càng ngày càng chiếm thị phần lớn. Bên cạnh đó cũng có nhiều đoàn khách yêu cầu không gian riêng để thực hiệp tập tục, nghi lễ cầu nguyện, từ phía doanh nghiệp nhà hàng khách sạn khó đủ cơ sở vật chất để đáp ứng hoàn toàn.

Theo đại diện khách sạn Le Pavillon Hoi An, thực tế khách Ấn khi đến Việt Nam vẫn thích ăn món Ấn nhiều hơn. Nếu chỗ lưu trú không có không gian ẩm thực riêng và xung quanh không có nhiều nhà hàng Ấn phục vụ, cộng đồng kinh doanh sản phẩm văn hóa Ấn cho tệp khách bình dân và cao cấp chưa phổ biến, thì đây là một trở ngại khó giữ chân họ lâu hơn. Ngoài ra, người Ấn cũng thường chọn lui tới trung tâm thương mại mua sắm hàng hóa, vật phẩm, quà lưu niệm… điểm vui chơi sôi động để giải trí.

“Vì thế để thu hút khách Ấn chọn thành phố nào đó làm điểm đến, ngoài phục vụ tốt việc ăn uống, tín ngưỡng thì hệ sinh thái xung quanh có những dịch vụ liên quan cũng rất quan trọng”, vị này nhìn nhận.

Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố nghiên cứu năm 2020 chỉ ra khách Ấn Độ là thị trường tiềm năng với mức chi tốt. Trung bình, một lượt khách Ấn Độ có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú sẽ chi khoảng 1.200 đô la Mỹ, cao hơn trung bình của nhóm khách châu Á đến Việt Nam (khoảng 995,7 đô la Mỹ). Cơ cấu chi tiêu bao gồm một số khoản như thuê phòng (37,61%), ăn uống (24,42%), đi lại (14,71%), mua hàng (13,03%), tham quan, giải trí (7,05%).

Khách Ấn Độ được chào đón tại Furama Resort Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu

Chị Ngọc Phượng, quản lý tại một khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay khi tiếp đón khách Ấn Độ, đội ngũ không gặp nhiều khó khăn giao tiếp vì người Ấn có thể dùng tiếng Anh. Về chuyện ăn uống, trong trường hợp có khách đoàn đặt trước, nhà hàng sẽ linh động phục vụ món ăn thuần chay, món Halal và làm thành khu vực riêng biệt. “Tuy vậy với những nhóm khách nhỏ lẻ, chúng tôi chỉ cố gắng tạo điều kiện hết sức để chia sẻ văn hóa cùng họ như làm một vài món riêng trong thực đơn. Trong tương lai nếu tệp khách Ấn được kích cầu mạnh hơn, chiếm tỉ lệ lớn trong khách sạn, chúng tôi sẽ đầu tư để phục vụ đồng đều cả khách Ấn lẫn khách châu Á, châu Âu khác”, chị nhấn mạnh.

Đại diện khách sạn Viễn Đông nhận định doanh nghiệp lữ hành đón nhiều đoàn khách là tín hiệu khả quan của du lịch Việt và đội ngũ nhân sự cố gắng “chiều”, đáp ứng trong mức có thể chứ không phân biệt nhóm khách nào. Người này cho biết đầu bếp cũng tìm hiểu thêm các món ăn địa phương Ấn để làm thực đơn riêng bên cạnh món cố định lâu nay. Việc vệ sinh buồng phòng được làm kĩ lưỡng hơn chứ chưa có phân luồng, tách biệt không gian riêng cho nhóm người Ấn.

“Chúng tôi khai thác triệt để và đưa ra những dịch vụ tốt nhất cho mọi đối tượng khách. Khách Ấn trở lại Việt Nam nhiều hơn, chúng tôi sẽ cố gắng thích ứng tốt trong thời gian tới”, bà nói.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối