(SGTT) - Cách thành phố Đồng Hới khoảng 10km, Nhân Trạch là một làng chài yên bình ven biển, sở hữu những nét độc đáo của của vùng biển Quảng Bình nắng gió.
Tình cờ quen Lê Bá Nuyến trong chuyến du lịch của Hội lữ hành Quảng Bình, là hướng dẫn viên (HDV) chuyên về tiếng Hàn, quê ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Nuyến hẹn tác giả sắp xếp ra làng biển quê anh trải nghiệm cho biết và có tư liệu hoàn thành bài viết này gửi đến độc giả Sài Gòn Tiếp Thị.
Vóc người cao, nước da đậm vì nắng và gió biển, nhưng vẻ mặt lúc nào cũng toát lên sự nhiệt huyết tươi vui. Nghe anh kể về quê mình, một làng biển vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa với mái đình làng biển, nghề đánh bắt gần bờ và đặc biệt là nghề chế biến hải sản theo kiểu thủ công truyền thống rất đặc trưng của những vùng biển miền Trung.
Đặt đồng hồ báo thức từ 4:00 sáng, ba lô chỉ có máy ảnh và một số thứ linh tinh, tác giả phóng xe máy đi trong gió biển sớm mơn man mát rượi. Lúc này trời còn chưa tỏ, con đường bê tông chạy dọc mép biển dẫn ra các bến đợi cá.
Gọi là bến nhưng thực ra dọc bờ biển của xã chẳng có một bến cá cụ thể nào cả.
Vì Nhân Trạch là vùng biển bãi ngang, nên bất cứ đoạn bờ biển nào cũng là nơi thuyền cá của ngư dân trong xã cập bờ. Từ thành phố Đồng Hới ra đến Nhân Trạch chỉ chưa đầy 8km, nên khách du lịch lưu trú ở các khách sạn tại Đồng Hới có thể thuê xe điện chạy theo đường biển để đến đây rất thuận tiện.
Mới hơn 4:00 sáng, biển Nhân Trạch đã đông đúc. Thương lái ở các chợ cũng tập trung về đây đợi cá. Người nhà ngư dân ‘tụm năm tụm bảy’ chuyện trò, nhiều người dắt theo con trẻ, chúng chơi đùa với cát, tiếng cười trong trẻo, tiếng người nói, tiếng sóng biển lao xao cả một vùng.
Khi thuyền vào gần sát bờ, ngư dân nhảy xuống nước kéo theo những chiếc thuyền thúng chứa đầy cá, tôm, mực, ghẹ…
Đôi khi, cả người nhà, người thu mua cá thậm chí một số khách du lịch cũng hào hứng hòa với ngư dân lội ào xuống biển để kéo thuyền nhỏ hay giúp ngư dân đẩy thuyền thúng đầy cá nặng, vượt qua từng đợt sóng vào bờ.
Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, dưới thuyền cánh đàn ông chuyển từng thuyền thúng đầy ắp cá, mực vào.
Trên bờ các mẹ, các chị chờ đón, mua mua, bán bán, cạnh đó, các cơ sở chế biến đá lạnh cũng chở những cây đá nguyên khối có, đá xay nhuyễn có để phục vụ người thu mua cá sau khi mua sẽ ướp đá để chở về phân phối ở các chợ trong thành phố... tạo nên sự nhộn nhịp rất riêng.
Miên man theo chợ cá một hồi, tác giả lang thang hỏi đường để tìm đến một số cơ sở chế biến hải sản ở quanh vùng. Vào một quán nước ven đường với tấm biển có tên rất ấn tượng: Sao Đâu, thương hiệu cá nóc, mực khô.
Mùi nồng của nước biển mặn, mùi tanh của cá, mực hòa quyện trong tiếng sóng và tiếng gọi nhau của ngư dân, đưa lại cảm giác thật khó quên.
Ông chủ vừa pha một ấm trà mạn buổi sáng thấy tác giả ba lô, máy ảnh niềm nở mời vô nghỉ chân uống trà buổi sáng. Sau vài câu giới thiệu làm quen, chủ quán chia sẻ hải sản ở đây là ngon lắm.
Tất cả các thuyền chiều tối mới ra khơi, đánh bắt hải sản, sáng sớm các thuyền quay vào bờ. Chính vì vậy, hải sản vẫn còn tươi sống, không phải ướp đá.
Chỉ cần rửa qua nước ngọt đưa vào nồi hấp hoặc luộc lên chấm với nước mắm do chính các cơ sở trong làng sản xuất thì không ở đâu bằng. Giọng nói hào sảng của người vùng biển, cùng với sự chân thành của ông chủ quán nước khiến người nghe thấy cảm mến những người dân nơi đây hơn bởi vẽ mộc mạc, chân chất của họ.
Được biết tại Nhân Trạch, các loại hải sản tươi rói mới đánh bắt về thường được người dân đưa vào chế biến thành mắm, nước mắm hoặc đem phơi khô… Toàn xã có khoảng 800 hộ dân thì ngót một nửa chuyên sản xuất, chế biến nước mắm.
Trong đó, trên 50 hộ đầu tư sản xuất lớn, 10 hộ có thương hiệu và đã đăng ký thương hiệu nước mắm.
Hiện nay xã Nhân Trạch đã có thương hiệu nước mắm Nhân Nam rất nổi tiếng. Nhà của ông chủ quán nước cũng là một cơ sở chuyên chế biến mực khô và cá nóc khô có thâm niên 15 năm. Ông nói "Tôi chỉ làm để trong nhà ăn và bán cho bà con thân quen chứ không dám bán cho người ngoài, vì làm cho gia đình ăn nên phải rất cẩn thận và sạch sẽ".
Ngoài ra nhà ông còn có một cửa hàng chuyên bán các loại dụng cụ phục vụ cho việc đánh bắt hải sản. Nhấp xong chén trà, chào tạm biệt chủ quán nước quay ra thì gặp Nuyến đang dẫn một đoàn khách du lịch vừa đến. Du khách đến với làng chài chủ yếu là khách phía Bắc. Họ đến vì tò mò, đến để được trải nghiệm... hoặc đi theo tour từ Đồng Hới ra làng chài Nhân Trạch sau đó quay vào đồi cát Quang Phú.
Vẫn dáng vẻ nhanh nhẹn và tràn đầy nhiệt huyết, Nuyến dẫn đoàn khách đi tham quan chợ cá một vòng sau đó đưa họ ghé về nhà mình, người nhà anh đã chuẩn bị sẵn các tô mỳ tôm, điều đặc biệt là mỳ tôm được pha cùng với mực luộc.
Một món ăn bình dị nhưng chắc chắn những vị khách đến từ phương xa chưa một lần được thưởng thức. Nhìn ai cũng phấn khích với món ăn sáng, điện thoại chụp hình, vừa ăn vừa xuýt xoa.
Vẻ mặt hớn hở, Nuyến nói thêm, nhờ có mạng xã hội và nhiều bài chia sẻ của những người đi trước mà nay hầu như ngày nào cũng có đoàn khách du lịch ra trải nghiệm chợ cá làng chài.
Sau bữa sáng, khách du lịch được Nuyến dẫn đi thăm một điểm làm nước mắm truyền thống trong vùng, một số khách tranh thủ mua hải sản tươi hay khô từ đây để đưa về nhà. Họ biết mua ở đây có xuất xứ nên sẽ bảo đảm đúng là hàng sạch và ngon của vùng biển Quảng Bình nắng gió.
Hoàng Bùi