Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đi thuyền thúng ngắm ‘san hô nở hoa’ tại Hòn Yến

(SGTT) – Thời gian qua, nhiều người dân, du khách ngang nhiên giẫm đạp để săn cái đẹp, check-in, làm “khổ” san hô ở Hòn Yến. Để bảo vệ san hô, địa phương tổ chức nhiều cuộc họp bàn biện pháp bảo vệ. Theo đó, du khách đến đây có thể trải nghiệm ngắm san hô từ… thuyền thúng.
Rạn san hô tại Hòn Yến. Ảnh: Hồ Văn Trung

Quần thể Hòn Yến, bao gồm Hòn Yến, Hòn Đụn (Hòn Sắt), Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi tạo thành danh lam thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp bên bờ biển xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là danh thắng rất có giá trị tự nhiên, từ địa chất đến hệ động thực vật, đa dạng sinh học. Trong đó, Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật của quần thể thắng cảnh này.

Hòn Yến là điểm đến tham quan du lịch của nhiều người, nhất là từ khi quần thể này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là thắng cảnh quốc gia vào năm 2018. Đến đây, du khách sẽ tận mắt nhìn cảnh những phiến đá bám đầy rêu xanh, những đợt sóng bạc đầu dào dạt cùng những dải cát vàng chạy theo chân sóng rồi hòa mình vào giữa những bờ phi lao xanh thẳm.

Mùa hoa san hô nở

Thời gian qua, mạng xã hội lan truyền chuyện du khách đến tham quan giẫm đạp san hô Hòn Yến, trước vẻ đẹp như một bức tranh có nhiều màu sắc, cộng đồng mạng kêu gọi chung tay bảo vệ san hô.

Ông Phạm Bốn, Trưởng lạch Nhơn Hội, cho hay “Người dân ở đây xem san hô Hòn Yến là của quý cất giấu dưới biển vì một năm chỉ lộ ra ba tháng mùa hè, khi triều cường rút mới ló ra, mà một ngày san hô hiện ra chỉ ba giờ đồng hồ, từ 15:00-17:00 chiều, đó là thời gian nước rút cạn”.

Hòn Yến nhìn từ lăng Ông –  miếu Bà. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Cũng theo ông Bốn, khi nước rút lộ ra gò san hô, trong gò san hô ngăn cách các con kinh, thành đám san hô trên cạn nở ra đủ sắc màu nên người dân quanh vùng gọi là mùa hoa san hô nở trên cạn.

“Về câu chuyện hình thành rạn san hô, san hô là cốt đá, ban đầu hình thành còn non, mềm, sau 10 -15 năm mới cứng rồi trải qua thời gian dài gần 100 năm hình thành đá san hô. Có những san hô hình cánh quạt, tỏa búp sen và tai bèo, chồng thớt lên nhau với nhiều sắc màu”,  ông Bốn nói.

Ông Lê Văn Kim, thành viên lạch Nhơn Hội, kể san hô tai bèo uốn éo đường viền, hình cánh quạt nở ra nhìn rất đẹp mắt. Có du khách ra chỗ san hô, cúi xuống nhìn không đã, nên bẻ san hô để trong lòng bàn tay đưa lên trước mặt ngắm.

“Gò san hô có hai loại, san hô mềm và san hô cứng. San hô mềm là san hô non mới đội ra nhỏ như nụ hoa, có người dùng tay đụng vào nụ san hô vô tình làm rụng ra. Còn san hô già cứng nhưng giòn, khi sức người giẫm đạp bị gãy, chết, sóng biển đánh dạt vô bờ”, ông Kim nói.

Biển báo du khách không được giẫm đạp san hô. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Gò san hô này nằm ở sân sau Hòn Yến, nhìn từ lăng Ông – miếu Bà thôn Nhơn Hội, cách Hòn Yến 200m. Ông Kim đưa chúng tôi tiến sát về phía Hòn Yến, giới thiệu dưới thềm Hòn Yến có rừng san hô dưới biển.

Trong đám rừng san hô, có lùm san hô và có bụi san hô hình thù gai góc đủ sắn màu, xanh, đỏ, vàng, tím, nâu, đẹp lung linh huyền diệu nhìn như một thiên đường dưới lòng biển.

Thời gian qua, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Viện Nghiên cứu quy hoạch nông nghiệp nông thôn, Bảo tàng Địa chất, Công viên Địa chất toàn cầu đến thuê ca nô, bơi thúng ra lặn nghiên cứu rừng san hô lung linh… đều có chung nhận, vùng này hoang sơ, nước trong xanh, ngắm san hô thấy các loài cá, các nơi khác biển gần khu dân cư thì nước đục.

Ven biển Phú Yên độc đáo với các hệ sinh thái đầm, vịnh, các rạn san hô quanh các đảo, phong phú các giống loài hải sinh còn đang chờ được nghiên cứu chi tiết thêm. Phú Yên có tiềm năng to lớn về di sản địa chất – tự nhiên, di sản văn hóa để xây dựng đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Cũng theo ông Kim, san hô đủ sắc màu ‘dụ’ đàn cá cảnh đến sống dựa vào rạn, chưa nói khi san hô lộ ra có những con ốc với hình dáng lạ mắt. Thế nhưng khi bị bước chân người giẫm đạp, sức nặng đè lên san hô ‘bị thương’, nhưng nhiều bước người giẫm đạp lên khiến san hô chết.

Ngắm san hô… từ thuyền thúng

Tác giả xuống cạnh bờ biển gặp một người ngỏ lời ra tận nơi xem gò san hô nằm ở sân sau Hòn Yến. Người này nói “cấm rồi không cho ra!”. Mấy con nước ròng đợt trước du khách ùa ra giẫm đạp, cấp trên chỉ đạo, mấy hôm nay địa phương tổ chức 4-5 cuộc họp bàn biện pháp bảo vệ san hô, địa phương thảo công văn với dòng thông báo du khách không được giẫm đạp san hô.

Thông báo được lan truyền, người dân ai cũng ngăn chặn… du khách không được lội bộ giẫm đạp san hô, khi thấy du khách có ý định đi bộ ra bãi biển.

Khu vực gò san hô, du khách đến đây ngắm san hô đi thuyền thúng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Người này tiếp lời, du khách muốn ra chỗ san hô phải đi thúng lướt lên trên san hô nếu đó là thời điểm nước sắp cạn, còn thời điểm thủy triều rút thì bơi thúng giữa dòng kinh, đứng trên thúng…ngắm san hô hai bên.

Khách có nhu cầu ngắm toàn cảnh san hô, từ gò san hô qua rừng san hô dưới biển thì từ gò san hô bơi thuyền thúng vòng qua Hòn Yến ngắm san hô dưới mặt biển xanh trong. Nói rồi người này chỉ tay, tấm biển cấm to ở đầu đường và bảng cấm nhỏ gần bờ để du khách thấy.

Tác giả lại chỗ lăng Ông – miếu Bà, đứng từ đây nhìn ra, Hòn Yến cao gần 100m, quay mặt bốn phía bởi những tầng đá dốc. Gần đó là hòn Đụn cũng là núi đá, nhưng thấp hơn, như hình vợ chồng, trông rất duyên dáng và thơ mộng. Dưới chân núi đá là những lằn sóng ăn sâu, tạo thành dấu vết thời gian.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, cũng là thành viên lạch Nhơn Hội, chia sẻ “Từ gò san hô qua hòn Đụn đến Hòa Yến có rừng san hô gần 100 năm tuổi dưới biển trải dài phơi ra đủ sắc màu. Thời gian qua nhiều du khách đến đây ngồi trên thuyền thúng ngắm san hô rồi chụp ảnh Hòn Yến. Có người canh chụp hình Hòn Yến “đổi màu”. Đó là lúc mặt trời vừa lên đi thúng chụp từ ngoài vào Hòn Yến ngời lên sắc đỏ. Khi mặt trời lên cây sào thì Hòn Yến màu đỏ lửa. Lúc mặt trời đè Hòn Yến, tức là là lúc trưa tròn bóng thì Hòn Yến màu đen nâu. Còn xế, chiều ánh nắng mặt trời tạt vào thì Hòn Yến màu đỏ gạch”

Khi hỏi về thời gian qua có người đạp bừa lên san hô, bà Bùi Thị Huệ, ở xã An Hòa Hải, cho hay “Tôi rất bức xúc khi nhiều người check-in chụp ảnh không có ý thức bảo vệ, lại sẵn sàng giẫm đạp lên san hô. Không phải năm nay mà từ mấy năm trước, cứ vào mùa hè, khi triều cường rút, san hô nổi lên, rất nhiều du khách khắp nơi lại tìm đến đây tham quan, săn cái đẹp thản nhiên giẫm đạp khiến san hô Hòn Yến”.

Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết “Hệ sinh thái san hô Hòn Yến rất có giá trị, cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt. Chỉ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thông tin phản ánh về tình trạng nhiều người dân, du khách, nhiếp ảnh gia dẫm đạp lên san hô tại Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến. Cùng với đó giao UBND huyện Tuy An chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan, khẩn trương triển khai các biện pháp hiệu quả để bảo vệ, bảo tồn di tích danh thắng. UBND huyện đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo các ngành liên quan có biện pháp bảo vệ rạn san hô quý giá này”

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trao ‘hộ chiếu xanh’ khi du lịch xứ dừa

0
(SGTT) - Đã có 15 du khách được trao "hộ chiếu xanh" (passport Net Zero) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”...

Thăm làng chài gần Gành Đá Đĩa, ít người biết ở...

0
(SGTT) - Làng chài An Hải khá gần danh thắng Gành Đá Đĩa, nhưng ít người biết đến khi du lịch Phú Yên. Với...

Người dân Nhà Bè thức đêm làm du lịch

0
(SGTT) - Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có...

Rác thải nhựa làm khổ doanh nghiệp du lịch

0
(SGTT) - "Có một thực tế không muốn nói ra nhưng vẫn phải nói, chúng tôi đã từng bước hạn chế chất thải nhựa...

Hành trình ‘săn’ bình minh ở Phú Yên

0
(SGTT) – Trong ánh bình minh, cảnh sắc Phú Yên hiện lên thanh bình, không gian yên tĩnh, phù hợp để du khách thư...

Cùng doanh nghiệp lữ hành định hình ‘du lịch có trách...

0
(SGTT) - “Được cho là ‘ngành công nghiệp không khói’ nhưng du lịch vẫn có thể xấu đến môi trường tự nhiên. Rác thải,...

Kết nối