Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Để trẻ trưởng thành sau mỗi lần Vào bếp cùng mẹ

(SGTTO) - Từ những đứa trẻ biếng ăn, sợ bẩn hay vụng về khi nấu nướng, sau những lần được thuyết phục theo chân mẹ vào bếp, các bé đã dần bén duyên cùng gian bếp.

Để "ghét" thành "yêu"

Là một trong hai đội giành chiến thắng tại vòng loại tuần 3, mẹ Nguyễn Thụy Thanh Trúc cho biết bé Trần Nguyễn Lan Phương chỉ mới chịu vào bếp cách ngày thi... một tuần vì bé luôn cảm thấy khó chịu khi phải vào bếp.

Bé Lan Phương thích đọc sách, chơi đàn piano nhưng từng cảm thấy khó chịu khi làm bếp. Ảnh: Ngô Kiếm.

Nhớ lại lần đầu vào bếp, bé Lan Phương cho biết: “Lần đầu tiên vô bếp con thấy... dơ và không dễ như con nghĩ vì phải cầm dao, nêm nếm gia vị thì lúc mặn, lúc ngọt. Lúc con xắt hành thì cứ bị dính vô tay làm con khó chịu”. Vậy mà, chỉ sau vài lần được mẹ khuyến khích vào bếp để chuẩn bị cho buổi thi vòng loại tuần 3, cô bé đã thay đổi 180 độ. “Bây giờ thì con thấy vào bếp rất vui. Con có thể sáng tạo nhiều món ăn ngon, trong đó, con thích sushi nhất. Con muốn tự mình nấu một món ăn ngon cho cả nhà”, bé Lan Phương chia sẻ.

Nói về bí quyết giúp con từ “ghét” trở nên “yêu” nấu nướng, chị Thanh Trúc bật mí: “Để giúp bé vượt qua nỗi sợ dơ thì mình sẽ sơ chế sạch sẽ trước các nguyên liệu rồi cho bé làm quen dần". Chị cho biết, từ hồi học mầm non, bé đã được dạy theo phương pháp Montessori (phương pháp học thông qua các giáo cụ trực quan) nên các cô giáo đã dạy cho bé những bước cơ bản trong gian bếp, chị chỉ dạy thêm cho bé lặt rau, bóc tỏi, xắt rau củ quả...

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chị Trúc vẫn luôn kiên trì để hướng dẫn bé Lan Phương. “Thay vì tự tay nấu nướng đã quen, bây giờ phải kiêm thêm việc dạy cho bé thật cũng rất khó. Mình hơi nóng tính mà bé thì mới nên phải từ từ", chị nói.

Với quan điểm “con gái có thể không giỏi nấu ăn nhưng cần phải biết làm”, gia đình đã bắt đầu cho bé Lan Phương tập làm quen với việc bếp núc và bước đầu thái độ của con đã dần trở nên tích cực hơn. Ảnh: Ngô Kiếm.

Trải nghiệm vào bếp thay vì đi... du lịch

Do bố mẹ khá bận rộn nên mùa hè này, gia đình chị Võ Như Nhi không thể đưa bé Đỗ Như Ngọc đi du lịch, chính vì vậy, chị Nhi quyết định cho bé tham gia cuộc thi Vào bếp cùng mẹ để con được trải nghiệm. Nhờ sự gắn kết giữa hai mẹ con, đội chơi này đã xuất sắc chinh phục ban giám khảo với hai món Mì Ý chả cá thác lác và nấm xào tỏi.

Mẹ Võ Như Nhi và bé Đỗ Như Ngọc chụp hình lưu niệm tại cuộc thi Vào bếp cùng mẹ.

Chị Nhi cho biết, từ khi bé Ngọc vào lớp một, bé đã bắt đầu có khái niệm về việc lặt rau, rửa rau, nặn bột, làm mì... là như thế nào. Bên cạnh đó, bé cũng được mẹ cho tham dự những hoạt động liên quan đến nấu ăn và từ thiện để rèn luyện tính cách lanh lợi và năng động.

Chia sẻ về phần dự thi, bé Ngọc cho biết, món nào có mẹ nấu cùng thì không cần phải ngon, bé đều rất thích. Với ba lần vào bếp và bị đứt tay, bé Ngọc vẫn bày tỏ sự hào hứng với công việc bếp núc: "Con thích nấu ăn lắm, nếu nấu một mình được thì con sẽ nấu cho bố mẹ ăn”.

Đại diện ban tổ chức trao giải nhất vòng loại tuần 3 cho hai đội chơi, gồm đội của mẹ Nguyễn Thụy Thanh Trúc - bé Trần Nguyễn Lan Phương, 11 tuổi (bên trái) và đội chơi gồm mẹ Võ Như Nhi - bé Đỗ Như Ngọc, 11 tuổi (bên phải). Ảnh: Quang Đức.

Làm bếp để hết biếng ăn

Đối với gia đình mẹ Nguyễn Ánh Ngọc và bé Phùng Ngọc Hà My, việc nấu ăn đã giúp bé vượt qua chứng biếng ăn và tìm thấy niềm vui trong ẩm thực.

Mẹ Nguyễn Ánh Ngọc và bé Phùng Ngọc Hà My (11 tuổi). Ảnh: Ngô Kiếm.

Nhớ về những ngày con bị biếng ăn gầy ốm, chị Ngọc vẫn còn bồi hồi: “Bé My hồi nhỏ cực kỳ biếng ăn, đến tận năm lớp ba bé vẫn còn biếng ăn. Khi con lên lớp bốn, chị bắt đầu "nhờ" bé phụ giúp nấu nướng và làm những việc lặt vặt trong bếp với mục đích chữa chứng biếng ăn cho bé.

Dù mới học nấu bếp từ năm ngoái nhưng bé Hà My lại có khả năng cảm nhận mùi vị rất tốt, giúp cho việc nêm nếm đúng chuẩn, vừa vặn hơn. Với sự đồng hành hết lòng của mẹ, cô bé đã biết làm nhiều món ngon như trứng cuộn phô mai, pancake... Từ đó, cô bé cũng trở nên yêu thích ẩm thực và đã tự mình tìm tòi, học hỏi qua những video dạy nấu ăn trên YouTube và các chương trình ẩm thực.

“Bé rất sẵn sàng giúp mẹ, bé thích nấu nướng đến mức nhào bột hoài khiến bột bị chai không nướng được nhưng cả mẹ và con đều cảm thấy rất vui. Nếu làm sai thì mình tìm hiểu vì sao món đó dở rồi rút kinh nghiệm”, chị Ngọc nói.

Sau những lần “tự làm, tự ăn”, bé Hà My cũng không còn biếng ăn và cơ thể dần trở nên khỏe mạnh hơn, đây chính là niềm hạnh phúc mà chị Ngọc luôn hằng mong đợi trong nhiều năm qua.

“Các bạn nhỏ đã nỗ lực rất nhiều. Mỗi một năm, mức độ am hiểu về ẩm thực của các bé ngày càng cao hơn”, đầu bếp SamMy - một trong ba giám khảo xuyên suốt của cuộc thi từ mùa giải đầu tiên chia sẻ. Bên cạnh đó, đầu bếp SamMy cũng khuyên các đội thi nên phân chia công việc hợp lý để tránh tình trạng lúng túng, không kiểm soát được phần gia vị. Đặc biệt là sau khi gần hoàn thành món ăn, cá đội nên nêm nếm lại trước khi cho ra món để hương vị được như mong đợi.

Giám khảo SamMy. Ảnh: Trần Linh.

Vòng loại cuối cùng của cuộc thi Vào bếp cùng mẹ 2019 - tuần 4 sẽ diễn ra vào lúc 9:00 sáng, Chủ Nhật, ngày 21-7 tại Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Sau buổi thi này, tám đội chơi giành chiến thắng qua các tuần thi vòng loại sẽ tiếp tục tranh tài ở vòng chung kết.Vào bếp cùng mẹ 2019 chân thành cám ơn các đơn vị, nhãn hàng đã đồng hành cùng cuộc thi: Gigamall, Giga Deli, Organica, Satra Foods, Acecook Việt Nam, Maggi (Công ty Nestlé Việt Nam), Furama Resort Đà Nẵng, Vedette.

Bài: Minh Yến

Video: Ngô Kiếm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối