(SGTT) – Dự án MERIT-WB11 với nguồn vốn vay có trị giá 17.759 tỉ đồng từ Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ 10 tỉnh miền Tây thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2024
- Việt Nam là nơi khởi động dự án lúa carbon thấp ở ASEAN
Tại buổi làm việc ngày 12-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ đề xuất dự án MERIT-WB11, TTXVN đưa tin.
Dự án thuộc Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, được triển khai tại các tỉnh gồm Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và An Giang, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bằng việc kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình, dự án sẽ cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tập trung, hiện đại.
Tổng vốn đầu tư là 17.759 tỉ đồng, tương đương 741 triệu đô la Mỹ. Cụ thể, vốn vay là 13.092 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng và viện trợ. Trong đó, Bộ Nông nghiệp đóng góp hơn 6.500 tỉ đồng còn 10 tỉnh miền Tây là 11.180 tỉ đồng.
Đề xuất dự án đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3-2024, hiện đang trong giai đoạn thu thập dữ liệu, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến sẽ được trình Thủ tướng vào tháng 10 năm nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát và đánh giá sự phù hợp của các dự án MERIT, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15-8. Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đảm bảo tính toàn diện và khả thi.
Bộ Nông nghiệp đẩy nhanh các bước chuẩn bị ngay khi được phê duyệt, đảm bảo dự án có thể ký được hiệp định như đã cam kết với Ngân hàng Thế giới trong năm 2025. Hiện nay, đã có 5 tỉnh trình lại đề xuất dự án theo yêu cầu, các tỉnh còn lại đang cập nhật, dự kiến trình trong tháng 8.