Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Đâu phải cứ đóng chai là nước suối

VĂN NAM –

Khi có nhu cầu, nhiều người mua nước đóng chai để uống mà có thể không quan tâm đến thành phần các chất có trong chai nước. Trên thị trường hiện có nhiều loại nước đóng chai được bán, có thể là nước suối, nước khoáng hay nước tinh khiết mà người tiêu dùng hay gọi chung là “nước suối”…

Nước tinh khiết và nước khoáng

IMG_9932Người tiêu dùng có khi mua sản phẩm chỉ vì hình ảnh tiếp thị, quảng cáo. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Trên thị trường hiện có nhiều thương hiệu nước uống đóng chai nói chung như Aquafina, La Vie, Vĩnh Hảo, Vital, Vikoda, Sapuwa, Tiền Hải, Evian, Đảnh Thạnh, Vitawa, Miru, Kim Bôi, Neva, Perrier, Dasani. Đây chỉ là những cái tên có thể thấy bán ở nhiều nơi hoặc dễ dàng tìm thấy trên Google chứ chưa nói đến hàng trăm, hàng ngàn cơ sở sản xuất nước uống đóng chai nhỏ lẻ khác khắp cả nước.

Trong số này, mỗi thương hiện đều có cách thể hiện loại nước do mình sản xuất thông qua nhãn đóng trên chai như nước khoáng La Vie, nước suối Vĩnh Hảo, nước đóng chai Aquafina, nước khoáng bình Vikoda, nước suối Sapuwa. Chẳng hạn như nhãn hàng Dasani thể hiện trên chai rằng sản phẩm được sản xuất từ nguồn nước ngầm, thông qua hệ thống thẩm thấu ngược và thanh trùng bằng ozone; La Vie thì quảng cáo nước được đóng chai chứa nhiều khoáng chất với hàm lượng nhẹ và giữ nguyên sự tinh khiết của nước từ các mạch nước ngầm; Sapuwa thì có thông tin là “sử dụng nguồn nước ngầm, thanh trùng bằng tia cực tím, xử lý bằng ozone”; Vĩnh Hảo thì ghi là “kiệt tác từ thiên nhiên”.

Theo các chuyên gia về nước sạch, “nước suối” là từ thường được gọi chung cho tất cả các loại nước uống tự nhiên đóng chai. Trong đó có hai loại phổ biến là nước tinh khiết và nước khoáng. Theo đó, nước tinh khiết là nước lọc, nước thủy cục đã qua khử trùng công nghiệp hoặc nấu sôi tại nhà được dùng cho tất cả mọi người hàng ngày. Còn nước khoáng là nước uống có chứa chất khoáng như natri, cali, canxi… được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời mất nhiều mồ hôi, người tiêu chảy cấp để bù lại các khoáng chất cho cơ thể bị mất.

Đọc kỹ thành phần

Theo ông Nguyễn Tống Đăng Khoa, Trưởng phòng kỹ thuật của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), các loại nước uống đóng chai bán trên thị trường hiện nay đều có một mẫu số chung đó là đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01/2009, Bộ Y tế). Đây là tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng nước uống tại Việt Nam cho đến nay và toàn bộ các nhà sản xuất nước phải đáp ứng quy chuẩn này. Quy chuẩn này đưa ra các giới hạn cho phép về cảm quan và thành phần vô cơ như màu sắc, mùi vị, độ đục, độ pH, tổng chất thải rắn hòa tan, clorua, nhôm, amoni, nitrat, niken, đồng… Nói tóm lại, có đến hơn 100 chỉ tiêu theo QCVN về đánh giá chất lượng nước sạch để người dân có thể uống được, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài quy chuẩn quốc gia chung về chất lượng nước uống, các nhà sản xuất cũng phải tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai (QCVN 6.1 của Bộ Y tế năm 2010). Quy chuẩn này đưa ra những chỉ tiêu chi tiết hơn đối với sản xuất nước khoáng thiên nhiên như trên nhãn chai tùy theo loại phải ghi rõ: nước khoáng thiên nhiên có ga tự nhiên; nước khoáng thiên nhiên không ga; nước khoáng thiên nhiên ít ga tự nhiên; nước khoáng thiên nhiên bổ sung ga từ nguồn; nước khoáng thiên nhiên bổ sung ga.

Cũng theo quy chuẩn này, tên nguồn nước khoáng, thành phần hóa học của nước khoáng thiên nhiên đóng chai (natri, calci, kali, magnesi, iod, fluorid, HCO3), hàm lượng, các giải pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất nước khoáng thiên nhiên phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm. Đặc biệt quy chuẩn này nghiêm cấm hành vi quảng cáo gây ra sự hiểu nhầm về bản chất, xuất xứ, thành phần và tính chất của nước khoáng thiên nhiên đóng chai khi lưu hành trên thị trường.

Theo ông Khoa, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các loại nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại QCVN 6.1 và đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn phù hợp với quy định của pháp luật. Việc ghi nhãn nước uống đóng chai phải theo đúng quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn của đồ uống (trừ rượu) phải bao gồm các yếu tố: định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Nước vòi cũng uống được

Ông Khoa cho hay gần đây Sawaco lắp đặt gần 80 vòi nước sạch uống miễn phí tại các điểm công cộng như bệnh viện, trường học, công viên và chất lượng nước sạch tại các vòi công cộng này cũng phải đáp ứng theo quy chuẩn về nước sạch của Bộ Y tế. Ông khẳng định rằng, thậm chí nước sạch do Sawaco cung cấp tận nhà là đã đủ tiêu chuẩn uống được, nếu người dân cẩn thận hơn thì dùng bộ lọc sứ để lọc hết thành phần cặn phát sinh trong đường ống nước qua quá trình truyền tải.

Như vậy, xét trên chừng mực nào đó, nước vòi công cộng hay nước được các doanh nghiệp sản xuất đóng chai bán trên thị trường đều phải thỏa mãn các tiêu chuẩn về nước sạch uống được. Vậy tại sao nhiều loại nước đóng chai bán trên thị trường có giá bán khá cao? Người tiêu dùng phải trả nhiều tiền cho loại nước đóng chai được các nhà sản xuất quảng cáo rầm rộ về chất lượng.

Theo một chuyên gia về ngành cấp nước tại TPHCM, bỏ qua công đoạn kiểm soát chất lượng nước uống đóng chai bán trên thị trường vì đây là công việc của quản lý thị trường, y tế dự phòng thì về cảm quan, đôi khi người tiêu dùng trả tiền không phải vì họ nắm rõ về chất lượng nước họ mua mà đôi khi do hiệu ứng của công tác truyền thông, tiếp thị của nhà sản xuất.

Theo chuyên gia này, quy chuẩn chung về nước sạch buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ thì hầu hết các loại nước tinh khiết (xử lý tốt) đều có chất lượng tương đương nhau. Sự khác biệt mà người tiêu dùng cần biết chính là thành phần khoáng chất có trong nước đóng chai calci, kẽm, natri… để sử dụng phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của mỗi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ cúp nước ở 9 quận, huyện vào cuối tuần

0
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, trong hai ngày cuối tuần này, đơn vị sẽ tạm ngưng cấp nước tại...

Trao học bổng và hệ thống lọc nước sạch tại Bến...

0
(SGTTO) - Viết tiếp câu chuyện “Nước sạch học đường” đã thực hiện tại huyện Thạnh Phú và Ba Tri (Bến Tre), huyện Bình...

Thú cưng cũng cần nước sạch

0
(SGTT) - Những con vật nuôi trong nhà như chó, mèo thường dễ bị bệnh hoặc chán ăn nếu chúng thường xuyên uống phải...

Tiện lợi với đầu lọc nước tại vòi

0
(SGTT) - Nhiều người thường lấy nguồn nước trực tiếp từ vòi nước trong nhà để chế biến, nấu nướng thực phẩm. Tuy nhiên,...

Nước sạch rò rỉ, tiền tỉ trôi theo

0
Văn Nam Đề tài thất thoát nước tiếp tục “nóng” trở lại khi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có buổi họp...

Tiết kiệm nước: Còn nhiều việc phải làm

0
Mạnh Tùng Câu chuyện về ý thức tiết kiệm nước sinh hoạt không mới, song nó sẽ chẳng bao giờ cũ trong bối cảnh nhiều...

Kết nối