Thứ Năm, Tháng Chín 12, 2024

Đầu năm đi xem Lễ hội Đình làng Túy Loan

(SGTT) – Sau hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, hôm qua (30-1) và nay (nhằm mùng 9 và 10 tháng Giêng âm lịch), UBND xã Hòa Phong phối hợp với Trung tâm VHTT&TT huyện tổ chức Lễ hội Đình làng Túy Loan và Lễ hội Rau năm 2023, mở màn cho một mùa lễ hội truyền thống của người dân TP Đà Nẵng.

Theo ban tổ chức, Lễ hội Đình làng Túy Loan bắt đầu từ 14:00 ngày 30-1 với phần rước sắc và lễ tế truyền thống; cũng như chính thức khai mạc vào lúc 7:3 ngày hôm nay tại Đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Cảnh rước sắc phong về đình. Ảnh: Tiên Sa

Các bậc cao niên nơi đây cho hay, làng cổ Túy Loan có hơn 500 tuổi, do các vị tiền hiền thời vua Lê Thánh Tôn nhận chiếu chỉ đi mở mang bờ cõi phương Nam. Đình làng xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), hiện còn lưu giữ 25 sắc phong của triều Nguyễn ban tặng và chỉ được làm Lễ rước sắc phong từ nhà thờ tộc Đặng Công (phái Nhì) về đình vào dịp lễ hội đầu năm.

Các bậc cao niên bưng mâm lễ dâng cúng tổ tiên. Ảnh: Tiên Sa

Đình làng Túy Loan được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1999. Đình làng với cây đa, bến nước, sân đình, do không bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nên lễ hội luôn mang bản sắc văn hóa làng quê rất riêng. Ngoài phần lễ: rước Sắc phong quanh làng, nhạc lễ dâng hương tế cổ truyền; phần hội phong phú với nhiều trò chơi dân gian như Hát hò khoan đối đáp trên sông, hô bài chòi, thi đấu cờ người, đua ghe; kết hợp các hoạt động tôn vinh, quảng bá làng nghề bánh tráng, bánh tét truyền thống; làng nghề trồng rau…

Đánh cờ người. Ảnh: Tiên Sa

Bên cạnh đó, các gian hàng ẩm thực, trưng bày sản phẩm đặc trưng giới thiệu với du khách một số món ăn dân dã như Mì Quảng, các loại bánh truyền thống và các loại rau quả sản xuất tại địa phương. Ngoài ra, trong chương trình có phần trao quà cho những hộ khó khăn.

Quầy mì Quảng. Ảnh: Tiên Sa

Đặc biệt năm nay, Lễ hội làng Túy Loan mang một sắc thái mới với sự tham gia trưng bày sản phẩm của 40 hộ dân canh tác gần 30 loại rau ăn lá, ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 6ha ở thôn Túy Loan Tây 1 với doanh thu mỗi năm hơn 3 tỉ đồng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cũng được chú trọng, tạo động lực phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề.

Người dân làng rau tổ chức cúng Thần nông đầu xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Tiên Sa

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, cho hay Lễ hội Rau diễn ra từ 10:30 đến 16:30 ngày 31-1 tại hợp tác xã. Đây là lần đầu tiên Làng Túy Loan tổ chức lễ hội rau nên địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động như Lễ cúng Thần nông, dâng rau cúng các bậc tiền nhân, phát động trồng rau, thi kiến thức kỹ năng trồng rau hiệu quả và an toàn thực phẩm. Những năm không có dịch, làng rau đón mỗi năm khoảng 6.000 người đến tham quan, trải nghiệm, check-in.

Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho hay thông qua lễ hội, địa phương tiếp tục giúp người nông dân giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu mua bán nông sản, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh làng rau để du khách tham quan và cùng trải nghiệm các công đoạn trồng rau an toàn với dân làng, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch ở vùng ven thành phố.

Ông Đặng Công Bán (72 tuổi, Chánh hội chủ đình làng Túy Loan), chia sẻ trừ những năm dịch bệnh, hằng năm, thể theo nguyện vọng của dân làng, mọi người cùng tổ chức lễ hội đình làng đầu năm để nguyện cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, giáo dục thế hệ cháu con biết trân trọng giữ gìn phát huy thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hoá truyền thống của tiền nhân, duy trì nét đặc trưng văn hóa ẩm thực quê hương.

Ông Đặng Công Bán, Chánh hội chủ đình làng Túy Loan sửa soạn mâm lễ dâng cúng tổ tiên. Ảnh: Tiên Sa

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang, cho biết Lễ hội làng Túy Loan năm nay được tích hợp thêm yếu tố mới là dâng rau củ quả – những thứ thổ sản mà người Làng rau sạch Túy Loan trồng được trên mảnh đất họ đang sống. Đây là cách thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng vọng của dân làng đối với Thành hoàng bổn xứ và tiền nhân khai khẩn ra vùng đất mà nay hậu hiền đang hưởng lợi. Văn hóa làng luôn vận động và biến đổi, cái cũ không còn phù hợp tự nó sẽ mất cơ sở tồn tại và nhân tố mới, hợp lý sẽ được tích hợp vào một cách tự nhiên.

Như vậy, kể từ mùa Xuân năm Quý Mão 2023, nghề trồng rau sạch Túy Loan chính thức được tôn vinh và lòng biết ơn của người trồng rau đối với tổ nghề được tích hợp vào nghi thức tín ngưỡng dân gian trang trọng nhất ở địa phương là hội làng.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có thể tìm nhà vệ sinh công cộng qua app khi...

0
Những ứng dụng (app) như “Hue-S” của Thừa Thiên Huế và “Danang Smart City” của thành phố Đà Nẵng có tính năng giúp người...

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lọt top 99 điểm đến...

0
(SGTT) - Là điểm du lịch nổi bật tại TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện trưng bày nhiều thiết bị, hiện vật...

Làn gió mới có tạo nên sức bật cho công nghiệp...

0
Vừa xoay sở khôi phục sau thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, ngành công nghiệp giải trí vừa nỗ lực thay...

Tết Bắc – Nam trong một gia đình ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Xuất thân trong một gia đình gốc Bắc và hiện sinh sống tại Đồng Nai, tôi luôn háo hức được nhìn thấy...

Khách Việt chọn châu Á trong chuyến đi chào đón năm...

0
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, du khách Việt vẫn ưa chuộng các chuyến du lịch ngắn ngày ở các điểm đến...

Hà Nội: Phố Hàng Mã, Hàng Lược ngập tràn sắc đỏ,...

0
(SGTT) – Những ngày giáp Tết, phố Hàng Mã, Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) tràn sắc đỏ của đèn lồng, lì...

Kết nối