Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024

Đầu bếp Võ Thị Thu Hà: “Ẩm thực cuốn hút tôi tìm tòi và phát triển”

Ẩm thựcDuyên ẩm thựcĐầu bếp Võ Thị Thu Hà: “Ẩm thực cuốn hút tôi tìm...

(SGTT) – Đầu bếp Võ Thị Thu Hà đã là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình theo dõi chương trình nấu ăn Món Ngon Mỗi Ngày. Dù đã có khoảng thời gian chị không thể theo nghề, nhưng mối duyên với nghề bếp vẫn dẫn dắt chị bằng nhiều cách khác nhau.

Đầu bếp Thu Hà hiện đang là giảng viên tại Đại Học Hoa Sen (TPHCM) và tham gia làm giám khảo một số cuộc thi ẩm thực, làm đầu bếp cho một số chương trình truyền hình và là thành viên Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam. Nếu từng gặp chị một lần, thật khó có thể quên dáng vẻ phúc hậu, nụ cười luôn nở trên môi, mang đến năng lượng tích cực của chị. Khi được hỏi về khó khăn trong nghề, đầu bếp Thu Hà chia sẻ: “Thật ra tôi thấy con đường theo nghề của mình khá… êm đềm. Vì đối với tôi, những khó khăn gặp phải chỉ là thử thách. Khi vượt qua được, tôi lại đạt đến một bậc mới, phát triển hơn”. 

Chọn nghề theo năng khiếu

Đầu bếp Võ Thị Thu Hà sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tây Ninh. Ngay từ những ngày còn nhỏ, chị đã sớm nhận ra bản thân có niềm yêu thích và năng khiếu đối với các hoạt động nữ công gia chánh. Chị nhớ lại, thời đó mình đã biết tự mày mò cắm hoa, cỏ dại thành những bình hoa đẹp, nhận được nhiều lời khen từ những người xung quanh. Chị cũng rất yêu thích thêu thùa, may vá, nấu nướng.

Đặc biệt, tình yêu bếp núc của chị còn đến từ mẹ. Những món ăn của mẹ tuy rất giản dị, mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm, dinh dưỡng để nuôi lớn bảy anh chị em trong gia đìnhh. Tuy nhiên, lúc này, chị vẫn chưa biết mình sẽ theo nghề bếp. 

Đầu bếp Thu Hà yêu ẩm thực Việt từ những món ăn truyền thống đầy mộc mạc, giản dị đã nuôi lớn chị cùng các anh chị em. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tốt nghiệp phổ thông xong, chị lựa chọn thi hai ngành là Nha khoa (Đại học Y dược) và ngành Nữ công gia chánh tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật. “Toàn quốc lúc đó chỉ có một trường đào tạo ngành này, lại đúng sở trường nên tôi rất tâm đắc. Tôi chọn và thi đậu luôn”, đầu bếp Thu Hà chia sẻ. Vì đã có năng khiếu và say mê, chị rất hứng thú trong quá trình học và học rất tốt. Chị được học nhiều môn về may vá, làm bếp, làm bánh, thêu, quản lý gia đình… Nhiều người nói với chị rằng, học nữ công sẽ về làm “kỹ sư vợ” hoặc đến dạy ở các trung tâm, ít nổi trội. 

Chị đã từng có dự định theo nghề may, nhưng đến với bếp, ngoài năng khiếu, chị còn cảm nhận là có duyên với nghề. Khi còn là sinh viên, chị làm thêm công việc phụ bếp cho đám tiệc. Tốt nghiệp xong, chị trở về quê nhà giảng dạy bộ môn kinh tế gia đình và thử sức mở tiệm bánh kem tên “Thu Hà”. Tiệm bánh của chị nhanh chóng nổi tiếng và bán rất chạy khi ấy. “Thời đó nghề bánh chưa có phổ biến và mở rộng, nên tôi phải mua từng thiết bị, dụng cụ làm bánh từ trên thành phố xuống quê. Nhưng sau đó, tôi lập gia đình và trở lại TPHCM, không thể tiếp tục duy trì công việc này”, chị chia sẻ thêm.

“Bỏ nghề” 5 năm và cơ duyên đến với bếp truyền hình

Trở lại TPHCM, chị không thể tiếp tục theo giảng dạy hay làm bánh kem. Vì kinh tế gia đình còn kém, chị lại phải nuôi con nhỏ và chăm lo gia đình. Chị đành duy trì công việc buôn bán để trang trải cuộc sống. Tạm gác lại công việc, nhưng tình yêu với nghề bếp – ẩm thực của chị vẫn nhen nhóm mỗi ngày. 

Đầu bếp Thu Hà đã gắn bó với khán giả truyền hình qua chương trình Món Ngon Mỗi Ngày ở vai trò cố vấn chuyên môn, đầu bếp hướng dẫn trong 13 năm. Ảnh chụp màn hình.

Xu hướng bếp và ẩm thực thay đổi mỗi ngày. Chị tích cực học hỏi mỗi ngày từ người bán nguyên liệu ở chợ, cập nhật từ các chương trình ti-vi, những người đi trước, các bà, các mẹ, các dì để không bị tụt hậu. Năm năm sau, vào năm 2004, chị có cơ hội trở lại công việc giảng dạy nghề bếp tại một cơ sở đào tạo nhỏ.

“Dù đã không đi dạy nhiều năm, nhưng có duyên ở chỗ, đúng lúc đó thì nhà trường cần một người có bằng cấp, độ tuổi và kinh nghiệm như tôi, nên tôi trúng tuyển luôn ở vị trí quản lý đào tạo, giảng dạy một vài món ăn”, đầu bếp Thu Hà kể. Công tác tại đây hơn 1 năm, chị chuyển công việc đến trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist giảng dạy. Trường Saigontourist cũng là nơi đưa chị đến bếp truyền hình. 

Chương trình Món Ngon Mỗi Ngày và nhà tài trợ đến đề nghị nhà trường hỗ trợ chương trình. Chị được chọn vào ban cố vấn chuyên môn cùng nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, sáng tạo món ăn, tuyển chọn đầu bếp và hướng dẫn họ cách diễn đạt khi ghi hình. Tất cả các món ăn đều được nấu thử trước, nghiên cứu để có hương vị phù hợp tiêu chí chương trình và dễ thực hiện để giới thiệu đến khán giả truyền hình. Sau một thời gian ở vai trò tư vấn, chị được mời ghi hình trực tiếp và theo sát chương trình này đến 13 năm. Gắn bó tại trường Saigontourist đến năm 2011, chị chính thức chuyển đến Đại Học Hoa Sen tiếp tục con đường dạy nghề bếp. 

Khó khăn chỉ là thử thách

Bước ngoặt trong nghề của chị không phải những giải thưởng lớn mà chính là những giai đoạn chuyển việc, tiếp nhận những vị trí mới. Đầu bếp Thu Hà chia sẻ: “Vì điều kiện gia đình mà tôi phải chuyển nơi làm việc, hoặc cũng có lúc là do bạn bè giới thiệu. Nhưng qua những lần thay đổi như vậy, tôi lại nhận được những thử thách mới để giúp tôi tiến lên, nâng cao chuyên môn và kỹ năng hơn nữa”.

Đầu bếp Thu Hà gắn bó với nghề bếp ở nhiệm vụ đào tạo, làm giám khảo cho nhiều cuộc thi ẩm thực. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chị cho biết, dù đến nơi nào làm việc, chị cũng cố gắng để làm hết khả năng của mình. Qua những yêu cầu công việc, chị ngày càng hoàn thiện hơn về chuyên môn và kinh nghiệm. Chẳng hạn khi làm đầu bếp cho Món Ngon Mỗi Ngày, chị nhận được những yêu cầu rất khác lạ từ khán giả, buộc chị phải tìm tòi, nghiên cứu công thức mới để đạt yêu cầu. Chương trình đã đưa chị đến khán giả truyền hình, cầu nối gửi đến khán giả những món ăn ngon, hợp dinh dưỡng, mới lạ.

Bên cạnh đó chị tập trung giới thiệu món nhanh – gọn – tiện phù hợp cuộc sống hiện đại. “Khi tham gia Món Ngon Mỗi Ngày, tôi được trở thành một phiên bản mới hơn, năng động hơn và có nhiều cơ hội chia sẻ tình yêu ẩm thực đến khán giả khắp nơi”, chị hào hứng kể.

Xem khó khăn chỉ là thử thách để học hỏi, đầu bếp Thu Hà tự nhận con đường theo nghề khá êm đềm. Nghề bếp tuy vất vả, nhưng chị lại gắn với việc đào tạo nhiều hơn là trực tiếp đứng bếp. Vì vậy, khó khăn phải kể đến đó là những lần chị gặp những sinh viên chưa tập trung, kết quả học tập không tốt. Song lúc này, chị lại có cơ hội xem xét lại cách giảng dạy để ngày càng cải thiện hơn. Bên cạnh đó, chị cũng có nhiều kỷ niệm vui khi cùng sinh viên tiến lên, có nhiều thành tích tốt ở các cuộc thi ẩm thực lớn – nhỏ. 

“Ẩm thực cuốn hút tôi”

Những món ăn đầu bếp Thu Hà mang đến thường là những món ăn Việt Nam. Chị có niềm yêu thích đặc biệt với các món ăn truyền thống Việt bởi chúng mang lại cảm giác gần gũi, như những món ăn của mẹ. Khi đi sâu vào nghiên cứu, chị càng thấy ẩm thực Việt phong phú và có nhiều giá trị đặc biệt. Đầu bếp Thu Hà chia sẻ: “Ẩm thực cuốn hút tôi tìm tòi và phát triển. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Việt mang đến nhiều giá trị cho con người”.

Ngoài giảng dạy, chị cũng tham gia Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam để có cơ hội thể hiện được mong muốn của mình – bảo tồn giá trị về văn hóa, ẩm thực để nhiều người biết đến hơn. 

Càng nghiên cứu, đầu bếp Thu Hà càng bị cuốn hút bởi những giá trị mà lĩnh vực này mang lại. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khi nghiên cứu sâu, chị nhận thấy ẩm thực Việt mang tính khoa học rất cao. Hầu hết món ăn Việt đều ăn nhiều rau, ăn nhiều cá, ít chiên xào, hương liệu, gia vị tự nhiên và phải đảm bảo tốt cho sức khỏe như cách nấu dùng nồi đất, nướng bằng lá sen… Tuy nhiên, ẩm thực truyền thống Việt vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể vươn xa hơn, phổ biến toàn thế giới. Chẳng hạn món kim chi Hàn Quốc, được nổi tiếng khắp nơi, nhưng món dưa cải dưa hành truyền thống của Việt Nam thì hầu như không ai nhớ đến. Từ đó, chị mong muốn cho người khác thấy được những tinh hoa đó và cải tiến để phù hợp với xu hướng ngày nay. 

Đầu bếp Thu Hà luôn chú trọng vấn đề dinh dưỡng cho sức khỏe trong các món ăn chị sáng tạo. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hơn nữa, đầu bếp Thu Hà còn chú trọng vấn đề ẩm thực gắn liền với dinh dưỡng, sức khỏe con người. Chị thường nói vui với sinh viên rằng: Nghề bếp và nghề y cũng có những điểm tương đồng: đều mặc áo màu trắng, đều có mục tiêu chắm sóc sức khoẻ cho con người và đều… cầm dao khi làm việc, chỉ khác là nghề y cầm dao nhỏ, còn nghề bếp thì cầm dao lớn. Ẩm thực đối với chị còn là yếu tố kết nối con người, làm cho người ta vui hơn, khỏe hơn.

“Con đường đến trái tim thường thông qua bao tử, tôi thấy câu nói này rất đúng. Vì vậy tôi hay nói với sinh viên rằng, nghề bếp quan trọng nhất phải đảm bảo sức khỏe cho người thưởng thức”, đầu bếp Thu Hà nói. 

Với niềm yêu thích ban đầu và những cơ duyên bất ngờ, đầu bếp Thu Hà đã thực sự bị nghề bếp – ẩm thực cuốn hút để ngày càng phát triển và mang đến những giá trị về sức khỏe, tinh thần cho người khác. Chị chỉ mong muốn làm sao để cho người khác ăn ngon, ăn khỏe tăng chất lượng cuộc sống. Khi theo nghề, chị được thỏa sức sáng tạo, thỏa mãn đam mê, được mở rộng thế giới quan và học hỏi nhiều điều giúp ích trong nghề và cả trong cuộc sống.

Chia sẻ về nghề bếp, chị thừa nhận đây là công việc nhiều khó khăn và vất vả từ môi trường làm việc đến yêu cầu công việc, sức khỏe, đặc biệt trong giai đoạn thế giới đang gặp phải dịch bệnh hiện nay. 

Nghề bếp giúp đầu bếp Thu Hà phát huy khả năng sáng tạo, thỏa niềm đam mê và phát triển hơn mỗi ngày. Ảnh nhân vật cung cấp.

“Thành quả của nghề bếp sẽ đến nhanh hay chậm, ở dạng thức nào tùy thuộc vào cá nhân và con đường mỗi người. Nhưng sau những khó khăn chắc chắn là những thành quả, đưa bạn chạm đến niềm vui, tiếp thêm niềm tin để bạn tiếp tục học hỏi, trau dồi và theo đuổi con đường này”, đầu bếp Thu Hà đúc kết. 

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục