Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Đầu bếp Lê Quốc Định: Yêu sự tổng hòa kỹ năng của nhiều nền ẩm thực

(SGTT) – Chuyên nghiên cứu công thức để cho ra đời các món ăn ngon, anh Lê Quốc Định được xem là một chuyên gia “gỡ rối”, người giải đáp và truyền đạt cho học viên kỹ năng nấu nướng để họ có thể làm ra những món ăn ngon miệng và đẹp mắt nhất. Ít ai biết, anh chàng đầu bếp sinh năm 1990 có nụ cười rất duyên này đã từng cơ cực thế nào trong những ngày đầu đến với nghề bếp.

Hết cấp 3, anh Lê Quốc Định nghe theo lời của bố mẹ thi vào khoa Kế toán, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nhưng sau một kỳ học, anh nhận thấy những con số khô cứng không phù hợp với cá tính của mình. Không nói cho bố mẹ biết, anh Quốc Định âm thầm tự xin nghỉ học tại đây, rồi anh thi lại vào trường Du Lịch Hà Nội và học nấu ăn tại đó.

Vượt khó theo đuổi đam mê

“Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, việc anh Quốc Định nghỉ học Đại học và chọn công việc nhiều người thường cho là nghề ”tay chân” khiến bố mẹ và họ hàng của anh phản đối rất gay gắt. “Căng thẳng, cãi vã xảy ra trong gia đình diễn ra thường xuyên”, anh nhớ lại. Dù vậy, anh vẫn cương quyết không thay đổi quyết định. Cuối cùng, bố mẹ anh cũng chịu thua vì không thể thay đổi đam mê của cậu con trai cá tính. Anh Quốc Định được gia đình cho phép học nghề nấu bếp với điều kiện là… tự đóng tiền học phí.

Những ngày đầu đi học đầu bếp, anh Quốc Định phải tự bươn chải đủ việc. Từ làm phụ bếp, rửa chén đến chạy bàn trong khách sạn để kiếm tiền đi học, đóng vé tháng đi xe buýt. Là một chàng trai gốc Hà Nội, vốn mười mấy năm chưa từng phải đụng vào việc nhà, những trải nghiệm ấy đối với anh là khá gian nan.

Nhớ nhất là quãng thời gian làm phụ bếp toàn cho các anh chị lớn tuổi, nóng tính, hay quát mắng rất nặng lời. Mỗi lần bị mắng là một lần anh Quốc Định mím môi chịu đựng để được học hỏi.

Mỗi tối về nhà, tôi đều tự ghi ra những lỗi sai hôm đó đã mắc phải vào một quyển sổ, rồi tự nhìn vào đó, hứa sẽ cải thiện và cố gắng không lặp lại lỗi sai thêm lần nào nữa

Những ngày tháng gian khổ đó đã trui rèn nên một Quốc Định cầu tiến và có tinh thần ham học hỏi của hôm nay.

Học mỗi ngày 

Bước vào môi trường làm bếp chuyên nghiệp, vị trí để lại nhiều ấn tượng nhất đối với anh Quốc Định là chỗ làm chính thức đầu tiên sau khi ra trường. Đó là một quán ăn nhỏ của Nhật Bản mang tên Aozora, chuyên đồ ăn teppanyaki (bánh xèo Nhật Bản, takoyaki, các loại mỳ udon, soba, cơm Nhật…). Tại đây, anh Quốc Định đã được người anh, người bếp trưởng cầm tay chỉ việc tận tình. Đó là lần đầu tiên anh được đứng nấu chính trong một nhà hàng và được tìm hiểu về nét văn hóa cũng như phong cách làm việc của người Nhật.

Cũng tại đây, các kỹ thuật xắt thái và khả năng chịu áp lực công việc của anh Quốc Định đã được nâng lên một trình độ mới. Dù ngày ấy mức lương chỉ có 3 triệu đồng, công việc đầy thử thách nhưng anh Quốc Định vẫn rất vui vì được sống đúng với đam mê của mình. Vui nhất là những khi nhà hàng vắng khách, anh Quốc Định lại tự tay làm cho mình món mì Udon xào cuộn trứng để “ăn vụng”. Đến tận bây giờ khi nhớ lại, anh Quốc Định vẫn không sao quên được vị ngon của món ăn này. Có lẽ, những món ăn, những kỷ niệm thuở hàn vi luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí con người.

Đa phong cách ẩm thực

Nhìn vào quá trình làm việc của anh Quốc Định, người ta không khỏi “trầm trồ” bởi kinh nghiệm làm việc tại nhiều vị trí của anh, khi tuổi đời chỉ mới vừa 30.

Anh Quốc Định từng làm thêm ba năm tại bếp Âu trong một khách sạn, sau khi ra trường làm một năm tại nhà hàng Nhật Bản rồi lại quay lại với đồ Âu hai năm, hai năm kế tiếp lại chuyên về đồ ăn Trung Hoa, rồi lại một năm món Âu. Sau đó, anh lên nắm quyền điều hành một chuỗi khách sạn, nắm bao quát toàn bộ thực đơn ăn uống từ bánh mì, bánh ngọt, tráng miệng đến đồ mặn… của khách sạn.

Anh Quốc Định chia sẻ: “Có thể nói tôi tổng hòa đủ kỹ năng của khá nhiều nền ẩm thực, sự khoa học chính xác của châu Âu, kỷ luật ngăn nắp của người Nhật, chút tinh tế của người Hoa cùng sự mộc mạc chất phác của ẩm thực Việt Nam”.

Đến bây giờ, có thể tự hào nói, tôi không còn ”chuyên biệt” một trường phái nấu nướng nào nữa, mà đã chuyển sang giai đoạn mới, nghiên cứu về bản chất, và chiều sâu của khoa học ẩm thực

Hiện tại, công việc của anh Quốc Định là tập trung vào nghiên cứu công thức các món ăn, đưa ra thực đơn phù hợp cho các dự án của công ty kết hợp với Viện dinh dưỡng và Bộ Y tế. Chẳng hạn như lớp học Ajinomoto cooking studio, dự án bữa ăn học đường cho trẻ nhỏ, các dự án bữa ăn cho các bệnh nhân suy thận, gan, tiểu đường, thực đơn cho bà bầu… Ngoài ra anh còn nghiên cứu thêm nhiều về văn hóa ẩm thực cũng như dinh dưỡng trong thực đơn. Anh cũng tham gia trực tiếp giảng dạy tại Ajinomoto cooking studio – lớp học nấu ăn dành cho các bạn trẻ, nơi khơi nguồn và tạo cảm hứng cho căn bếp gia đình – với bộ công thức đồ sộ lên đến vài trăm món hấp dẫn.

Trong tương lai, anh Quốc Định ấp ủ kế hoạch mở một kênh YouTube của riêng mình để chia sẻ các kinh nghiệm bếp núc và truyền thêm đam mê nấu nướng cho mọi người.

Hạnh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối