Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Đầu bếp Đặng Anh Huy: Học không ngừng để mở rộng cơ hội làm nghề

(SGTT) – Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TPHCM chuyên ngành địa lý nhưng chàng trai Đặng Anh Huy quyết định chọn nghề bếp vì mưu sinh. Mười lăm năm sau, anh Huy quay lại với nghề sư phạm, làm thầy dạy học những với chuyên ngành giảng dạy không có liên quan đến địa lý.

Đầu bếp Đặng Anh Huy.

Đầu bếp Đặng Anh Huy hiện là giảng viên của trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, trường dạy nghề Việt Úc, Chủ nhiệm CLB Ẩm thực Việt thuộc Hội đầu bếp chuyên nghiệp TPHCM. Sau nhiều năm tích lũy kiến thức, anh chọn công việc giảng dạy như một cách để lan tỏa giá trị của nghề bếp đến thế hệ trẻ.

Học nghề từ bằng hữu

Nói về người đã đem đến cho mình những trải nghiệm đầu tiên với gian bếp, đầu bếp Đặng Anh Huy cho biết đó chính là mẹ anh. Khi còn nhỏ, anh thường được mẹ dẫn đi chợ, chỉ dạy về các nguyên liệu và những khâu căn bản trong bếp. Tuy nhiên, để gọi là bén duyên thật sự cùng công việc này thì anh lại nhớ đến “bố Hải” – người bếp trưởng đầu tiên dẫn dắt anh vào nghề.

Những năm 2000, Đặng Anh Huy – chàng sinh viên sư phạm lần đầu trải nghiệm công việc phụ bếp dưới sự giới thiệu của người anh rể. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ công việc này có thu nhập để tôi trang trải chi phí sinh hoạt và đi học, hơn nữa lại được bao ăn cơm”, anh Huy nhớ lại lý do đến với nghề bếp.

Anh cho biết, vào thời điểm đó, ngành du lịch ở Việt Nam chưa phát triển mạnh, đồng nghĩa với ngành ẩm thực cũng chưa có nhiều cơ hội làm việc hay có chỗ đứng ổn định. Chính vì vậy, anh lựa chọn phương án vừa học đại học, vừa đi làm và học hỏi thêm về nghề bếp.

Ở trong bếp, nhiều đồng nghiệp của anh có xuất thân khó khăn, có người đi nghĩa vụ, có người thất nghiệp mà vào học tay ngang… và ít ai biết đến việc anh đang theo học đại học. Do đó, khi khoác lên mình chiếc áo bếp, anh xem mình như những người anh em bằng hữu khác để hòa nhập và học hỏi thêm nhiều điều.

Với tính cách sôi nổi, nhiệt tình, anh luôn có được những người anh, người bạn tốt ở mỗi nơi làm việc và được học hỏi kinh nghiệm làm bếp qua những lời truyền dạy từ bằng hữu.

“Tôi cố gắng làm tốt phần việc của mình, khi còn dư thời gian, tôi hỏi han thêm đồng nghiệp ở bộ phận khác để học hỏi”, anh Huy bật mí phương pháp học việc của mình. Anh cho biết, bản thân anh luôn giữ quan điểm làm việc gì cũng cần sự nghiêm túc và cầu tiến. Vì vậy, sau một thời gian ngắn, anh đã được cân nhắc lên vị trí cao hơn và được tiếp thu thêm nhiều kiến thức quý giá từ những người thầy, người anh dày dạn kinh nghiệm. “Sau khi rời khỏi căn bếp đầu tiên, tôi đã có cho mình những kiến thức làm bếp khá vững và có thể đáp ứng yêu cầu của những nơi làm việc mới. Lúc này, tôi không gọi những người anh là “thầy” nữa, mà chúng tôi là những người anh em tốt, cùng chia sẻ kinh nghiệm và cả phong cách sống”, anh tâm đắc về những người bằng hữu đi lên từ gian bếp cùng mình.

Vì vừa học vừa làm, anh mất đến sáu năm để hoàn thành chương trình học sư phạm địa lý. Cầm tấm bằng loại khá trên tay, anh được chuyển công tác đến xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM để bắt đầu công việc giảng dạy với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng và thêm 200 ngàn đồng chi phí hỗ trợ giáo viên xa nhà. Sau khi đến Bình Chánh tham khảo điều kiện làm việc, anh bắt đầu trăn trở giữa ngã rẽ “cầm phấn” hay “múa chảo”. Tình bạn với các anh em ở căn bếp là một trong những lý do khiến anh quyết định theo nghề bếp chuyên nghiệp. “Lúc đó tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm và được lên bếp chính, mức lương khi ấy cũng đủ cho tôi sống ổn định ở thành phố. Tôi đã chọn theo đuổi nghề bếp chuyên nghiệp”, anh nói.

Trở lại nghiệp “lái đò”

Sau khi quyết định theo nghề bếp, Anh Huy bắt đầu dấn thân và đầu tư nhiều hơn. Anh đảm nhận vị trí bếp trưởng ở nhiều nhà hàng lớn trong thành phố. Dù đã có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, tuy nhiên, anh vẫn đăng ký theo học thêm khóa học Nâng cao châu Á tại trường dạy nghề chuyên nghiệp để được đào tạo bài bản hơn. Chính khóa học này đã thay đổi định hướng của anh từ bếp Âu sang bếp Á. Bếp trưởng Anh Huy giải thích: “Thời điểm đó, vì ngành ẩm thực cũng chưa phát triển, khách đi ăn món Tây chủ yếu là trải nghiệm chứ chưa thật sự có nhiều cơ hội cho đầu bếp học hỏi chuyên nghiệp và thể hiện khả năng của mình”.

Năm 2011, khi đang là bếp trưởng tại chuỗi nhà hàng lớn ở trung tâm thành phố, anh học thêm khóa Quản lý bếp – khóa cao nhất trong chương trình ngắn hạn. Đến năm 2015, anh nhận được lời mời đến giảng dạy ngành bếp tại trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn. Bếp trưởng Anh Huy quyết định học thêm chứng chỉ sư phạm để bổ sung kỹ năng giảng dạy. Đối với anh, lộ trình phát triển bản thân cần phải theo thời thế, cần phải bổ sung liên tục những bằng cấp hoặc kỹ năng tương ứng với vị trí mình đang đảm nhận. Anh nói: “Khi yêu cầu xã hội cao hơn thì người làm nghề cần phải được đào tạo bài bản để chuyên nghiệp hơn”.

Anh chính thức trở về sự nghiệp sư phạm với công việc giảng dạy bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn tại Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn từ năm 2015 đến nay. Trước khi bước vào khóa học, anh cho biết việc đầu tiên anh hỏi các sinh viên của mình là các bạn muốn làm ở vị trí nào trong nghề bếp? “Tất nhiên cả lớp đều nói rằng muốn làm bếp trưởng, nhưng tôi nói với các bạn trẻ rằng, chức danh chỉ là một vị trí ở nơi làm việc, đó có thể là quán ăn nhỏ hay nhà hàng sang trọng. Quan trọng nhất là bản thân các em phải tự nâng cao kiến thức, bổ sung thêm các kỹ năng mềm khác như: vi tính, giao tiếp, ngoại ngữ… thì chức danh sẽ tự đến với mình”, giảng viên Anh Huy chia sẻ.

“Mục đích trở lại con đường giảng dạy của tôi chính là mong muốn truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn cho các bạn trẻ yêu nghề bếp mà trên hết là truyền đạt thái độ nghiêm túc với nghề, góp phần dẫn dắt sinh viên có một lộ trình phát triển bản thân hiệu quả nhất”, giảng viên Đặng Anh Huy cho biết. Trong mỗi bài giảng của mình, anh chú trọng tích hợp lý thuyết và thực hành, kèm theo là những bí quyết, kinh nghiệm trong bếp mà chỉ có những đầu bếp lâu năm mới có thể chia sẻ.

Nhi Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Bếp trưởng Đinh Công Sơn: ‘Nụ cười thực khách là động...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, ẩm thực Bình Dương nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người bởi các món như gỏi...

Giảng viên ẩm thực Thái Hoàng Minh Lê: ‘Học nấu ăn...

0
(SGTT) - Cô Thái Hoàng Minh Lê, cựu giảng viên của Trung tâm Dạy nghề quận 6 bén duyên với ẩm thực bằng công...

Gặp gỡ đầu bếp Nhật 34 năm kinh nghiệm, từng chế...

0
(SGTT) - Từng có 34 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực và đầu bếp, ông Kazuhiro Matsuishi, Bếp trưởng Nhà hàng Sokichi,...

Bếp trưởng Hồng Phải: ‘Tôi hạnh phúc khi phục vụ những...

0
(SGTT) - Theo nghề bếp từ sớm, ngay khi vừa học xong trung học, anh Ngô Hồng Phải đã trải qua nhiều cấp bậc...

Kết nối