Thứ Năm, Tháng Mười 10, 2024

Đằng sau hành trình chinh phục 100km đường địa hình của nữ runner

A.I
(SGTT) – Hồ Thị Thảo My (sinh năm 2002, ở tỉnh Hậu Giang) tìm ra niềm đam mê chạy bộ của mình từ năm 17 tuổi. Thảo My đã sớm chinh phục cột mốc 100km đường chạy địa hình khi mới 20. Cô bật mí hành trình tập luyện để đạt cự ly “khủng” này không hề dễ dàng.

20 tuổi nên duyên với giải trail đầu tiên

Qua giải chạy Mekong Delta Marathon 2019, cũng là một trong những giải chạy marathon đầu tiên ở miền Tây sông nước, chị Thảo My chính thức có cơ hội tìm hiểu về chạy bộ một cách nghiêm túc. Cũng từ đây, những cột mốc thành tích của chị tăng dần từ đường chạy marathon đến đường chạy địa hình.

Quá trình tập luyện gần 3 năm giúp chị My chinh phục từ cự ly số 0 đến 21km và tập 42km vào năm 2021. Năm 2022, cô nàng thử sức với đường địa hình. Cụ thể, chị My đã tham gia cự ly tăng dần từ 70km, 80km và đạt 100km trong vòng 26 tiếng đồng hồ tại giải Vietnam Mountain Marathon Sapa (VMM) năm 2022.

Những lần được vinh danh tại các vị trí cao trong giải chạy. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, từ một người chạy bộ “tay mơ” đến khi đạt được thành tích như hiện tại, chị My cho rằng thế mạnh của tuổi trẻ là sức khỏe, tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh đó, để cán mốc những cự ly xa hơn thì cần quá trình chuẩn bị bài bản.

Nhớ lại kỉ niệm 100km đầu tiên ở giải chạy trail VMM, chị My đánh giá đây là một cự ly khó và nguy hiểm. Được biết, lộ trình vận động viên tham gia đa phần là đường rừng đồi núi hiểm trở, thậm chí có thú rừng. Thời gian hoàn thành cự ly giới hạn khiến nhiều vận động viên áp lực nếu không trang bị đầy đủ.

Thảo My trên đường chạy trail hiểm trở. Ảnh: NVCC

“Tôi biết mình sẽ có cảm giác chán nản, đau đớn và mất ngủ trong hành trình. Tuy nhiên ai cũng phải gặp trường hợp này dù là cự ly nào nên tôi chủ động chuẩn bị tập luyện rõ ràng kèm sức khỏe tinh thần đủ tự tin để bắt đầu hành trình mà mình chọn”, My kể.

Sắp tới, nữ vận động viên đặt mục tiêu hoàn thành cự ly 160km giải Laan Ultra Trail 2024. Kết quả về đích thành công chính là món quà sinh nhật cô nàng tự dành cho mình khi bước qua tuổi mới.

Bí quyết là tích lũy và... hơn thế nữa

Thảo My có khoảng 3 tháng rưỡi để tập luyện cho cự ly 70km tại giải Đà Lạt Ultra Trail 2022. Về quãng đường tập luyện, nữ runner hoàn thành số km chạy hàng ngày trung bình từ 10-20km/ngày và bài chạy dài 30-70km vào cuối tuần. Cô cũng sắp xếp thời gian leo đồi núi khoảng 2 đến 3 lần và tập trung đi dài nhất có thể từ 40-70km trên núi, hạn chế đi đường bằng để tích lũy khả năng chịu độ cao và ngưỡng hiếm khí.

Nữ runner chạy đa dạng địa hình từ marathon đến trail. Ảnh: NVCC

Sau giải chạy Đà Lạt, chị My bắt đầu lộ trình tiếp theo của 100km VMM Sapa. Với 6 tháng cuối để rút nhanh về đích, chị cho biết có những giai đoạn cơ thể cảnh báo khả năng hồi phục chậm, biểu hiện ăn uống không ngon lắm hoặc cơ thể không còn năng lượng.

Những lúc như vậy cô tập trung vào bản thân và dành thời gian nghỉ ngơi vài hôm để cho cơ thể được phục hồi tốt hơn. “Quá trình nghỉ vài hôm sẽ không làm ai chậm lại. Tôi sẽ chậm lại chỉ vì cố quá sức và không hiểu chính mình, quan trọng nhất vẫn là phải tự mình biết lắng nghe cơ thể”, chị My bộc bạch.

Trong lộ trình chuẩn bị cho giải chạy 100km VMM Sapa, số km mà My tập luyện tăng lên hàng ngày dao động từ 15-20km/ngày và cuối tuần từ 50-100km tùy theo khả năng sức khỏe đáp ứng như thế nào. Chị My cũng sắp xếp thời gian tập luyện nhiều ở núi Chứa Chan.

Có những tháng nữ runner tập luyện ở núi từ 7 đến 10 buổi theo lịch biểu có thể sắp xếp. Khi tập trung chạy trên đồi núi nhiều, cơ thể dễ thích nghi hơn với đường đua chính thức vì quen với các chướng ngại vật và địa hình.

Đối với trường hợp người chạy ở những địa hình đồng bằng thiếu đồi núi, runner có thể tập bổ trợ thêm với cầu dốc và cầu thang để tăng ngưỡng chịu đựng, đồng thời tăng cường ít nhất hai đến ba buổi chạy dài. Ngoài ra, việc tập thêm những bài tập bổ trợ từ dây kháng lực hoặc tạ để giúp phát triển các nhóm cơ chịu lực cũng cần thiết.

Về dinh dưỡng, chị My cho biết khẩu phần ăn của mình cũng bình thường như những bữa ăn của gia đình miền Tây. Tuy nhiên chị sẽ tập trung ăn nhiều rau củ quả và thịt cá trứng, đặc biệt không thể thiếu tinh bột. Những bữa phụ, nữ runner bổ sung thêm các loại trái cây nhiều màu khác nhau trong ngày. Chị cũng dùng nước điện giải để cung cấp cho cơ thể trong quá trình tập chạy.

Trước buổi tập, My gợi ý runner có thể ăn nhẹ những món ăn mà thường ngày ăn quen bụng như bánh ngọt, xôi, chuối, dưa hấu... “Khi tập luyện ăn uống như thế nào thì nên giữ những món quen vào trong ngày thi để tránh lạ bụng, gặp vấn đề về tiêu hóa”, chị My nói thêm.

Hoàng An

3 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn chị , một bài viết được chị chia sẻ cùng em những nội dung được tinh gọn tuyệt vời ngoài mong đợi của em . Biết ơn, chị An …❤️

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giải chạy phong trào ngày càng chú trọng vào chất lượng

0
(SGTT) – Hiện nay không khó để tìm các giải chạy phong trào tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Tuy vậy, trong...

Nữ kế toán Việt chinh phục cự ly chạy siêu dài...

0
(SGTT) – Không dừng lại ở những giải đấu có cự ly chạy lên đến 160km, tháng 9 vừa qua, nữ runner Lê Phương...

10.000 vận động viên sẽ tham gia giải marathon Đất Sen...

0
(SGTT) - Tại Quảng trường Văn Miếu ở TP Cao Lãnh vào ngày 12,13-10, giải Marathon Đất Sen Hồng Đồng Tháp 2024 - Cúp...

Sáng 7-7, 10.000 VĐV sẽ tham gia Giải Marathon Hậu Giang

0
(SGTT) - Với chủ đề “cùng nhau toả sáng”, giải Marathon quốc tế “Vietcombank Mekong Delta” tỉnh Hậu Giang lần thứ V - năm...

Những điều cần lưu ý để đảm bảo sức khoẻ khi...

0
Theo các bác sĩ, những vận động viên nghiệp dư khi tham gia giải chạy đường dài sẽ dễ gặp nguy hiểm nếu không...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Kết nối