Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

COP27 thảo luận về bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu

Các cuộc đàm phám mở đầu hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã có sự đột phá khi các đại biểu nhất trí thảo luận vấn đề bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu cho các nước nghèo.

Khoản hỗ trợ các nước nghèo để thích ứng với biến đổi khí hậu thấp hơn 5-10 lần
ADB thu xếp gói tín dụng biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu đô la Mỹ phát triển giao thông xanh tại Việt Nam

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu trong phiên khai mạc tại hội nghị COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập hôm 6-11. Ảnh: Reuters

COP27 khai mạc tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập vào hôm 6-11 và sẽ kéo dài đến ngày 18-11 với sự tham gia của các đại biểu đến từ gần 200 nước và hơn 110 nguyên thủ quốc gia.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27, cho biết sau 48 giờ đàm phán căng thẳng, các bên lần đầu tiên nhất trí cho phép các đại biểu chính thức thảo luận vấn đề bồi thường cho “mất mát và thiệt hại” do biến đổi khí hậu để xác định nước nào phải chịu trách nhiệm chi trả cho các hậu quả của biến đổi khí hậu, vốn là chủ đề gây chia rẽ giữa các nước giàu và nước nghèo trong nhiều năm qua.

Ông Shoukry cho biết một thỏa hiệp đã đạt được để đặt nền tảng cho cuộc thảo luận là đặt trọng tâm vào “hợp tác và tạo thuận lợi” chứ không phải đặt ra “trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường” cho các thảm họa do biến đổi khí hậu.

Ông nói thêm các đại biểu đặt mục tiêu sẽ đưa ra được một quyết định cuối cùng về vấn đề chi trả cho mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu trước năm 2024.

Ông cho hay: “Điều này lần đầu tiên tạo ra một không gian ổn định về mặt thể chế trong chương trình nghị sự chính thức của COP và Thỏa thuận Paris để thảo luận vấn đề cấp bách trong việc thu xếp kinh phí cần thiết để giải quyết những lỗ hổng hiện nay trong nỗ lực ứng phó với mất mát và thiệt hại (do biến đổi khí hậu)”.

Theo Ngoại trưởng Sameh Shoukry, việc đưa đàm phán bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự lần này phản ánh tinh thần đoàn kết và đồng cảm với nỗi khổ của những nạn nhân chịu thảm họa khí hậu.

Nắng nóng kỷ lục, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới trong năm qua đã tăng thêm tính cấp thiết cho các cuộc đàm phán về khí hậu. Với hội nghị COP27 đang diễn ra ở Ai Cập, quốc gia châu Phi đang chịu một số tác động tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên trên toàn cầu, vấn đề mất mát và thiệt hại dự kiến sẽ trở thành chủ đề trọng tâm của hội nghị.

Ai Cập đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt, khiến mực nước của sông Nile đang cạn dần. Trong khi đó, mực nước biển dâng cao đang tàn phá một số vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất của nước này.

Các quốc gia đang phát triển và các đảo quốc nhỏ, những bên chỉ đóng góp phần nhỏ cho lượng phát thải khí nhà kính trong lịch sử nhưng lại đang chịu tổn thương nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu.

Nhu cầu thảo luận về vấn đề bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu đã được đặt ra kể từ khi các hội nghị COP bắt đầu diễn ra vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, các nước giàu, có nền công nghiệp phát triển thịnh vượng trong hai thế kỷ qua, đã gây tổn thương nhiều nhất cho khí hậu hành tinh, đã nhiều lần ngăn cản nỗ lực đưa nó vào chương trình nghị sự. Họ sợ rằng điều này sẽ mở ra các yêu cầu bồi thường hàng tỉ đô la Mỹ cho các nước nghèo.

Trận lũ lịch sử trong mùa hè vừa qua ở Pakistan gây thiệt hại kinh tế ít nhất 40 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: AP

Các thảm họa khí hậu gần đây bao gồm đợt lũ lụt lịch sử ở Pakistan, gây thiệt hại kinh tế ít nhất 40 tỉ đô la Mỹ, đã tạo động lực mới để các nước đang phát triển gây áp lực với các nước công nghiệp về vấn đề bồi thường thiệt hại. Cả chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc đều cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan.

Đạt được thỏa thuận thảo luận về vấn đề mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong chương trình nghị sự của COP27 là một thành công về mặt ngoại giao. Liên minh các đảo quốc nhỏ (AOSIS) hoan nghênh thỏa thuận này nhưng cho rằng vấn đề lẽ ra đã được thảo luận từ lâu.

“Chúng tôi không muốn bị đối xử như thể bạn đang giúp đỡ chúng tôi bằng cách thêm một mục trong chương trình nghị sự hoặc tạo một quỹ tự nguyện”, AOSIS cho biết trong một tuyên bố.

Nhưng giờ đây, các nước sẽ phải tìm ra cách tốt nhất để đo lường tổn thất, thiệt hại và số tiền bù đắp mà các nước giàu nhất sẽ đề xuất.

Một kế hoạch được công bố vào năm 2009, trong đó, các nước phát triển cam kết cung cấp 100 tỉ đô la Mỹ hàng năm bắt đầu từ năm 2020 để giúp các nước nghèo trong các nỗ lực giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ.

Cho đến nay, các nguồn tài trợ khí hậu tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải CO2 trong nỗ lực giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, với khoảng 1/3 trong số đó dành cho các dự án giúp các cộng đồng thích ứng với các tác động trong tương lai.

Trong khi đó, kinh phí bồi thường cho mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ là câu chuyện khác, tập trung bù đắp chi phí mà các quốc gia không thể tránh.

Nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về những gì nên được coi là “mất mát và thiệt hại” trong các thảm họa khí hậu, có thể bao gồm cơ sở hạ tầng và tài sản bị hư hỏng, cũng như thiệt hại ở các hệ sinh thái tự nhiên hoặc các tài sản văn hóa khó định giá hơn.

Một báo cáo công bố hồi tháng 6 của 55 nước dễ bị tổn thương ước tính tổng thiệt hại của họ liên quan đến khí hậu trong hai thập niên qua là khoảng 525 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 20% ​​GDP tổng thể của họ. Một số nghiên cứu khác ước tính đến năm 2030, thiệt hại như vậy có thể lên tới 580 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Việc xác định nước nào phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho mất mát từ các thảm họa khí hậu cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Các nước dễ bị tổn thương và các nhà vận động đã lập luận rằng các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đã gây ra phần lớn biến đổi khí hậu với lượng khí thải lịch sử của họ. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản đối lập luận này vì lo ngại các trách nhiệm bồi thường khổng lồ.

Nếu các bên của COP đồng ý thành lập một quỹ bồi thường như vậy, họ sẽ cần xác định nguồn tiền đóng góp đến từ đâu, số tiền các nước giàu phải góp trả và những nước nào hoặc thảm họa khí hậu nào đủ điều kiện để được bồi thường.

Lê Linh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối